Đội tuyển Việt Nam: Nhỏ, nhưng liệu 'có võ'?

06/01/2024 20:14 GMT+7

Thể hình khiêm tốn là bất lợi của đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2023.

Thiệt thòi chiều cao

Theo danh sách đăng ký ban đầu được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) công bố, đội tuyển Việt Nam là tập thể có thể hình khiêm tốn nhất Asian Cup 2023. Các học trò của HLV Philippe Troussier chỉ cao trung bình 1,754 m. Đây là con số dưới mức trung bình toàn giải đấu.

Trong khi đó, những đối thủ cùng bảng thầy trò Troussier đều có chiều cao tốt. Iraq xếp thứ ba toàn giải với 1,82 m, Nhật Bản xếp thứ chín với 1,80 m, còn Indonesia xếp thứ 12 với 1,79 m.

Đây hiển nhiên là thiệt thòi của đội tuyển Việt Nam. Trong bóng đá, không phải cứ thấp bé là hiển nhiên bất lợi. Tuy nhiên, những đội tuyển có chiều cao khiêm tốn chỉ có thể bù đắp lại chênh lệch thể lực nếu có khối cơ bắp lý tưởng, khả năng chịu đựng va đập tốt, thể lực tốt để lấy sự bền bỉ, cần mẫn bù đắp vào.

Đội tuyển Việt Nam lên đường đến Qatar dự Asian Cup 2023

Đội tuyển Việt Nam: Nhỏ, nhưng liệu 'có võ'?- Ảnh 1.

Bùi Hoàng Việt Anh là cầu thủ Việt Nam hiếm hoi tranh chấp bóng bổng tốt

VFF

Đội tuyển Việt Nam đang thiếu những yếu tố này. Sự thiệt thòi về thể chất ảnh hưởng thế nào đến lối chơi? Cuộc so tài với Iraq tối 21.11 ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026 đã phần nào cho thấy đáp án.

Đối đầu với Iraq, tỷ lệ tranh chấp đối kháng thành công của đội tuyển Việt Nam chỉ là 40%. Cả trận đấu có 160 tình huống tranh chấp, chúng ta chỉ có được 64 pha bóng chiếm được lợi thế. Đặc biệt, học trò ông Troussier thua thiệt trong những tình huống tranh chấp bóng bổng, khi chỉ thắng vỏn vẹn 32%.

Bàn thua duy nhất của đội tuyển Việt Nam ở trận này đến từ pha đánh đầu của Mohanad Ali. Với chiều cao 1,83 m, Ali đã băng vào như một mũi lao, loại bỏ các hậu vệ Việt Nam và cả thủ môn Văn Lâm, trước khi đánh đầu mang về 3 điểm cho Iraq.

Ở các trận thua 0-2 trước Trung Quốc hay 0-6 trước Hàn Quốc, Phan Tuấn Tài cùng đồng đội cũng liên tục thủng lưới bởi bóng bổng. Bên cạnh thể hình bất lợi, các cầu thủ còn phán đoán tình huống không tốt. Khi phải tranh chấp tay đôi, trừ khi hậu vệ Việt Nam chiếm được ưu thế nhờ bật nhảy trước hay cài đè tốt, còn nếu không, cơ hội thắng bóng bổng là rất ít ỏi.

Đội tuyển Việt Nam: Nhỏ, nhưng liệu 'có võ'?- Ảnh 2.

HLV Troussier cần rèn thêm bài tập va chạm cho học trò

VFF

Đáng lo cho đội tuyển Việt Nam, khi ông Troussier có rất ít "cây sào" chống bóng bổng. Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình là những cầu thủ hiếm hoi đủ khỏe và rắn rỏi trong những tình huống "bắn phá" trên cao. Đỗ Duy Mạnh cũng chơi bóng bổng không tồi, nhưng anh mới trở lại sau chấn thương, khả năng va đập vẫn là dấu hỏi.

Trên hàng công, những cầu thủ đá chính như Phạm Tuấn Hải, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Đình Bắc đều không cao. Trong khi những trung phong lý tưởng như Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Trường lại vụng về, non kinh nghiệm và ít có cơ hội ra sân.

Đấu pháp của HLV Troussier

Các đối thủ cùng bảng đội tuyển Việt Nam đều cực mạnh trong bóng bổng. Đội tuyển Iraq, với chất Tây Á đặc sệt, có thể hình và sức bật miễn bàn. Nhật Bản cũng có nhiều cầu thủ rất cao như Koki Machida (1,90 m), Takehiro Tomiyasu (1,88 m), Ko Itakura (1,88 m), Shogo Taniguchi (1,83 m) hay Ayase Ueda (1,82 m).

Đội tuyển Indonesia, vốn cũng thấp bé, đã được bổ sung nguồn cầu thủ nhập tịch rất cao để tăng sức chiến đấu.

Trước đây, người hâm mộ quen với câu "nhỏ mà có võ". Các cầu thủ có thể tận dụng sự khéo léo, nhanh nhẹn cùng tư duy kỹ chiến thuật nhằm khắc phục khác biệt thể chất.

Đội tuyển Việt Nam: Nhỏ, nhưng liệu 'có võ'?- Ảnh 3.

Thái Sơn nhỏ người nhưng có sức chiến đấu tốt

VFF

Dù vậy sân chơi châu Á với đẳng cấp rất cao, khi đội tuyển Việt Nam cũng chẳng thể hơn Nhật Bản, Iraq về tư duy chơi bóng, khó khăn càng lớn hơn.

Đội tuyển Việt Nam trước tiên cần đấu pháp phòng ngự triệt để nhằm ngăn đối thủ chơi bóng bổng. Đơn cử như trận gặp Iraq, học trò ông Troussier đã khóa rất tốt hai biên, đọc tình huống tốt để chủ động ngăn chặn khi đối thủ đá bóng dài trong hiệp 1. Song, khi thể lực suy giảm, toàn đội đã đuối sức trong hiệp 2 và lộ ra nhiều sai lầm.

Việc bồi bổ thể lực, duy trì sự tập trung và cự ly phòng ngự chặt chẽ là chìa khóa ngăn đối thủ "dội" bóng bổng ở những trận tới.

Còn trên hàng công, cả 6 bàn thắng đội tuyển Việt Nam ghi được thời HLV Troussier đều đến từ bóng sệt. Ông Troussier nói thẳng, việc khai thác tình huống cố định không phải ưu tiên của đội. HLV người Pháp muốn thiết kế các bài tấn công đa dạng với những pha đan lát, đập nhả, tận dụng tốt khả năng xuyên phá của những cầu thủ nhỏ người nhưng khéo léo.

Tuy nhiên để chơi đa dạng như vậy là rất khó, bởi trình độ con người và sự gắn kết của đội tuyển Việt Nam chưa cao.

Chống lại những "người khổng lồ" cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ở châu Á ra sao, sẽ là bài toán hóc búa với HLV Troussier.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.