Đội tuyển bóng đá Việt Nam: Giải pháp nào tránh ‘bão’ chấn thương?

18/05/2021 09:50 GMT+7

Chấn thương luôn là nỗi ám ảnh đáng sợ đối với cầu thủ và ảnh hưởng trực tiếp đến sự chuẩn bị của các đội bóng trước, trong một mùa giải hay một giải đấu quan trọng.

Với đội tuyển Việt Nam, ông Park Hang-seo cùng các cộng sự sẽ phải có giải pháp thích hợp nhằm bảo vệ đôi chân học trò khi vòng loại World Cup 2022 đã đến rất gần.

Rình rập hiếm họa chấn thương

Tháng 9.2019, Xuân Trường phải lên bàn mổ vì chấn thương dây chằng trong một buổi tập của đội tuyển Việt Nam. Tháng 5 năm nay, anh tiếp tục được triệu tập lên đội tuyển trước chặng còn lại của vòng loại World Cup 2022 và cách đây ít ngày bị lật cổ chân sau va chạm với Duy Mạnh. Tiền vệ trẻ Hoàng Đức mới đây bị rạn xương mu bàn chân cũng do va chạm với đồng đội Minh Vương. Trong các buổi tập từ ngày 8.5 đến nay, đội tuyển Việt Nam luôn có hai hình ảnh “đối lập” và khiến người hâm mộ âu lo. Mấy ngày đầu tiên, trong khi các cầu thủ khác tập chung giáo án với thầy Park thì Văn Hậu, Văn Xuân, Trọng Hoàng tập riêng với bác sĩ Choi. Khi Trọng Hoàng dần khỏi vết rách cơ tứ đầu đùi và trở lại tập bình thường thì nhóm 3 người tập riêng lại vẫn gồm Hậu, Xuân, Trường. Khi Hậu và Xuân không phải tập riêng nữa thì lại đến lượt Trường và Đức “lụi hụi” tập cùng bác sĩ Choi ở một góc sân hoặc vào phòng gym.

Ngạc nhiên chưa! Đội hình 11 cầu thủ cao trung bình 1m82.2 của đội tuyển Việt Nam

BHL phải có một kế hoạch hết sức cụ thể, chi tiết và khoa học về tập luyện, ăn uống, sinh hoạt cho đội tuyển

Một bác sĩ thể thao từng đi theo đội tuyển Việt Nam, đội U.23 Việt Nam 

Trường hợp của Văn Hậu, việc anh đã được các bác sĩ đội tuyển tăng khối lượng tập so với thời kỳ điều trị và hồi phục chấn thương sụn chêm tại PVF cũng khiến khán giả bất an hơn là mừng rỡ. Khuyến nghị gần đây nhất, các chuyên gia của PVF đã thẳng thắn yêu cầu đội tuyển Việt Nam cần thận trọng tối đa khi sử dụng lại Văn Hậu vì nếu không cẩn thận sẽ lợi bất cập hại. Đàn anh của Hậu, trung vệ Đình Trọng hiện cũng đang tập với khối lượng cao ở đội tuyển nhưng sau thời gian dài bị chấn thương và hồi phục không đúng cách, lại thi đấu đỉnh cao quá sớm so với yêu cầu của bác sĩ phẫu thuật mà hiện tại Trọng chưa lấy được hoàn toàn phong độ tốt như trước.
Xin được nhắc lại một ca rất đặc biệt của bóng đá Việt Nam là tiền vệ Tuấn Anh. Tiền vệ này là một trong 7 cầu thủ HAGL được lên tuyển đợt này và cũng là cầu thủ duy nhất của đội bóng phố núi bị chấn thương tại V-League 2021 và phải nghỉ khá nhiều vòng ở giai đoạn 1. Cách đây 2 năm, Tuấn Anh đánh dấu sự trở lại đội tuyển của mình bằng King’s Cup 2019 sau thời gian dài bị chấn thương. Tuấn Anh từng phải hứng chịu 12 loại chấn thương khác nhau do quá tải và tổng thời gian phải tạm dừng thi đấu lên đến 14 tháng. Với đôi chân được ví như “pha lê”, Tuấn Anh phải hết sức giữ gìn nếu không rất dễ xảy ra nguy cơ chấn thương. Tại vòng loại World Cup 2022 thi đấu năm 2019, Tuấn Anh đã thi đấu rất hay ở hai trận gặp Thái Lan nhưng đến trận gặp Indonesia trên sân khách, anh bị đau nên thầy Park đã phải thay bằng Đức Huy. Xâu chuỗi những sự kiện nói trên để thấy, nếu cầu thủ bị quá tải hay căng sức, đội tuyển rất dễ bị khủng hoảng nhân sự trong giai đoạn nước rút.

“Nâng niu đôi chân Việt”

Trở lại với hai buổi tập của đội tuyển Việt Nam với hai trường hợp chấn thương do va chạm khi cầu thủ tranh chấp. Tất nhiên, Duy Mạnh hay Minh Vương không cố ý làm đồng đội bị đau. Tất cả đều nỗ lực tối đa để có tên trong danh sách 28 cầu thủ sang UAE và có thể vì cố bung hết sức mà những người trong cuộc vô tình làm đau nhau. Có lẽ ông Park cần dặn dò học trò nên tránh để xảy ra các tình huống không may. Cầu thủ khi bị nhồi nặng khối lượng mà quá gắng gượng rất dễ gây ra chấn thương cho bản thân hoặc người khác. Ban huấn luyện (BHL) nên nhắc nhở các cầu thủ cẩn thận và giữ chân hơn trong những pha truy cản hoặc tranh chấp không cần thiết. Cũng nên lưu ý rằng, một số ca chấn thương hiện tại của đội tuyển cũng một phần do cầu thủ phải cày ải quá nhiều tại V-League. Chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức đã phải tập trung càng khiến thể lực bị bào mòn.

Quang Hải tập riêng, có thể vẫn đá giao hữu với U.22 Việt Nam 

Chiều 17.5, Quang Hải cũng phải tập riêng nhưng anh không bị chấn thương mà chỉ bị mỏi cơ nên không thể tập nặng. Ngày 18.5, có thể Hải vẫn được thi đấu giao hữu nội bộ lượt đi với đội U.22 và trận lượt về dự kiến vào ngày 24.5. Ông Park sẽ rà soát lại nhân sự qua hai trận đấu này để sàng lọc, chọn ra đội hình ưng ý, trước khi chốt danh sách đội tuyển vào ngày 25.5. Các cầu thủ sẽ phải đặc biệt cẩn thận vì cũng cần tránh chấn thương ở hai trận đấu này.
Chấn thương của Xuân Trường và Hoàng Đức là lời cảnh báo nghiêm túc cho đội tuyển Việt Nam khi chiến dịch vòng loại World Cup 2022 đang ở giai đoạn chuẩn bị quyết liệt nhất. Tuyến giữa của tuyển Việt Nam đã bị khuyết một mảnh ghép cực kỳ quan trọng là Hùng Dũng do anh vẫn đang phải dưỡng thương. Giờ chỉ cần mất thêm một mảnh ghép cần thiết nào đó, ông Park sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
Một bác sĩ thể thao từng đi theo đội tuyển Việt Nam, đội U.23 Việt Nam chia sẻ: “Đây là thời điểm rất nhạy cảm, rất dễ xảy ra những sự cố về sức khỏe cầu thủ. Vì thế có một số vấn đề quan trọng mà BHL cùng các bác sĩ của đội cần đặc biệt lưu ý. Chế độ dinh dưỡng được nâng cao hơn, ăn đúng cách, khoa học, đúng bữa. Cầu thủ Việt Nam ngày nay rất chuyên nghiệp nhưng có thể vẫn giữ thói quen thích ăn mì gói vào ban đêm. Năng lượng không được chuyển hóa, không được tiêu hao làm cơ thể mệt mỏi cho ngày hôm sau, cũng rất dễ bị chấn thương. Cầu thủ ngủ không đủ giấc, năng lượng không được tái tạo, thần kinh không được thả lỏng kịp thời qua các giấc ngủ, cầu thủ sẽ dễ bị mệt mỏi tinh thần, không tập trung. Đó cũng là yếu tố dễ dẫn đến chấn thương. Mọi người để ý, một số ca chấn thương chỉ xảy ra ở cuối buổi tập khi cơ thể đã quá mệt mỏi, não không điều khiển được đôi chân. Vì thế, BHL phải có một kế hoạch hết sức cụ thể, chi tiết và khoa học về tập luyện, ăn uống, sinh hoạt cho đội tuyển. Các phương pháp về vật lý trị liệu được áp dụng bài bản, phù hợp. Tiếp tục điều trị, tập hồi phục đúng cách cho những trường hợp đang bị chấn thương. Cũng không nên quá vội vàng đốt cháy giai đoạn, khi cầu thủ chưa đạt được 100% sức đã vội vàng cho tập nặng khiến cầu thủ dễ đau lại và nguy hiểm hơn là hỏng cả tương lai. Nâng niu cầu thủ, nhất là đôi chân, sẽ giúp đội tuyển không xảy ra nguy cơ “bão” chấn thương. Đội tuyển Việt Nam đảm bảo được lực lượng mạnh nhất cho cơ hội lịch sử trước mắt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.