Đối thoại với tài xế: Grab giữ nguyên tỷ lệ chiết khấu

Thanh Xuân
Thanh Xuân
11/12/2020 06:28 GMT+7

Chiều 10.12, Công ty Grab đã gặp đại diện các tài xế đối thoại về những vấn đề liên quan đến việc tăng chiết khấu do tăng thuế VAT gây bức xúc nhiều ngày qua.

Ai chịu thuế VAT?

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam, giải thích những ngày qua chưa gặp tài xế để giải tỏa những bức xúc do chưa có buổi làm việc với cơ quan chức năng. Công ty cũng “lấy làm tiếc” trong tình cảnh khó khăn dịch bệnh Covid-19, cũng là cao điểm của hoạt động kinh doanh mà để các tài xế phải đi đấu tranh, tập trung nhiều người vì bức xúc khi điều chỉnh giá.
Đáng lưu ý, bà Vân vẫn cho rằng do Nghị định 126 có nhiều điểm bất hợp lý, chưa được phù hợp vì cơ quan thuế đã áp chính sách thuế của mô hình taxi truyền thống lên mô hình hợp tác kinh doanh, chia sẻ doanh thu; dẫn đến việc Grab tăng cước phí, điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu đối với tài xế do phần thuế tăng thêm.
Trước buổi đối thoại, bà Hoàng Thị Bích Hà, Giám đốc phát triển và kiểm soát chất lượng đối tác Grab Việt Nam, nhấn mạnh thuế VAT là do người dùng cuối cùng trả, không phải tài xế chịu. Không đồng tình với giải thích này, tài xế Đào Thành Công bức xúc so sánh thu nhập của tài xế trước và sau ngày 5.12 (ngày Nghị định 126 có hiệu lực): Cùng khoảng cách 2 km, tài xế nhận được 9.600 đồng (sau khi đã trừ đi các phí, thuế) còn sau ngày này chỉ nhận được 8.727 đồng. “Như vậy tài xế cũng bị ảnh hưởng nhưng sao Grab giải thích người dùng chịu thuế VAT”, tài xế Đào Thành Công nói và đặt câu hỏi Tổng cục Thuế khẳng định trách nhiệm kê khai và nộp thuế là của Grab, vậy tại sao tài xế bị tăng mức chiết khấu và giảm doanh thu?
Anh Hải, một tài xế khác, phản ứng gay gắt: “Có phải tài xế cũng phải chịu thuế hay không qua việc tăng chiết khấu? Điều này mâu thuẫn với trước đó Tổng cục Thuế khẳng định đối tượng trừ VAT là khách hàng, Grab thu hộ và tài xế không chịu thuế VAT. Hơn nữa, Grab xem tài xế là đối tác thì ít ra cũng phải thông báo trước khi có sự thay đổi dù chỉ 0,1%, còn đây tài xế bị ảnh hưởng từ 1 - 2% trên tổng cước bình quân”.

Chưa tách bạch thuế vì lỗi kỹ thuật?

Tài xế Phan Mi Sên cho biết: “Qua quá trình theo dõi 3 năm nay, khi biết tăng thuế VAT nhưng đã tách ra khỏi phần tài xế phải trả 3% khiến tôi mừng. Trước đây dù VAT chỉ 3% mà phần này tài xế phải đóng, còn nay chuyển qua khách hàng. Thế nhưng, trong khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tài xế ít ai tiếp cận được gói hỗ trợ từ nhà nước nhưng lại nghe tăng thuế, giảm thu nhập nên họ bức xúc. Về lâu dài, Grab cần có chương trình hỗ trợ tài xế vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Các tài xế tại TP.HCM cũng góp ý về lỗi phần mềm, các chính sách tính giá, cước ngắn và dài, cũng như chính sách quan tâm đến đời sống tài xế từ phía Grab. Riêng các tài xế đầu cầu trực tuyến Đà Nẵng thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân sẽ tính trên doanh thu nào, có được giảm trừ gia cảnh hay không.
Phản hồi những thắc mắc trên, nhân viên phụ trách về thuế của Grab một lần nữa nhấn mạnh thuế VAT là khách hàng chịu. Khách hàng trả cho tài xế do đó tài xế có trách nhiệm chuyển cho Grab nộp số thuế này vào Kho bạc Nhà nước. Giải thích thêm về chênh lệch giá cuốc xe trước và sau ngày 5.12, bà Hà cho rằng do quy định ra và áp dụng quá nhanh nên công ty cũng chưa kịp điều chỉnh hệ thống kỹ thuật để có thể tách bạch số thuế thể hiện trên biên nhận. Để hỗ trợ khách hàng, Grab đưa ra mức giá cuốc ngắn và dài khác nhau, giá mở cửa cạnh tranh để cân bằng lợi ích giữa các bên. Grab sẽ điều chỉnh giá để tài xế ít bị ảnh hưởng nhất. Về lý thuyết việc tăng thuế VAT sẽ tính toán vào khách hàng, nhưng bà Hà liên tục nhấn mạnh: “Grab phải cân bằng cán cân lợi ích giữa các bên là đối tác tài xế - khách hàng - công ty thì mới cạnh tranh được. Do vậy trên thực tế tài xế cũng bị giảm doanh thu từ 1 - 2% tính trên toàn bộ cuốc xe trong ngày. Về phía công ty cũng tăng các chương trình khuyến mãi để tăng nhu cầu người dùng”.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam, cho biết: Trước khi có Nghị định 126, Grab cũng đã có công văn góp ý dự thảo gửi lên Tổng cục Thuế và Văn phòng Chính phủ. Trong đó có đưa ra 2 phương án là giữ nguyên quy định hiện hành đối với tài xế 3% VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân đối với tài xế có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Phương án thứ 2 là áp dụng thuế VAT 10%, đồng thời cho khấu trừ thuế đầu vào 7% để thuế không thay đổi so với hiện hành. Với 2 phương án này sẽ không ảnh hưởng gì đến tài xế, cũng như không có thay đổi so với quy định trước đây. Grab đã kiến nghị điều này từ nhiều tháng trước và sẽ tiếp tục kiến nghị sau này để nhận được hướng dẫn thuế phù hợp hơn với mô hình kinh tế chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.