Đối thoại mới với di sản

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/04/2022 07:00 GMT+7

Hình dạng mới, giá trị tương tác mới của di sản… là những vấn đề các nhà nghiên cứu mổ xẻ tại hội thảo Di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đương đại, thách thức và triển vọng, do Khoa Khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội, tổ chức ngày 22.4 tại Hà Nội.

Trẻ hay già, thanh lịch hay lòe loẹt ?

TS Nguyễn Anh Thư, ĐH Văn hóa Hà Nội, đã nhắc đến sự tan nát của tấm bia Sùng Thiện Diên Linh hồi năm 2014. Đó là thời điểm bảo vật quốc gia này nhận quyết định công nhận. Khi ấy, tấm bia đã được Phòng VH-TT của huyện cho “làm vệ sinh”. Một tốp thợ xây đã dùng giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt… đánh cọ kỹ càng, khiến dòng chữ do chính vua Lý Nhân Tông ngự bút, chữ khắc, hoa văn… bay luôn. “Một di vật được công nhận là bảo vật quốc gia đã bị cơ quan quản lý trực tiếp làm hỏng, một cách không thể tin được, đến mức không thể khắc phục lại nguyên bản như cũ”, TS Thư nêu ý kiến tại hội thảo.

Liên hoa đài thời Lý do nhóm của TS Dương tái hiện

Trần Trọng Dương

TS Thư cũng nhắc tới kiểu “thời trang mới” quét qua nhiều di tích miền Bắc là sơn thếp. Theo đó, các hạng mục trở nên “bóng nhẫy”, mất đường nét chạm khắc sau khi được trùng tu. Năm 2017, sơn son thếp vàng sai cả thủ tục lẫn kỹ thuật đã làm hỏng toàn bộ các mảng chạm cũng như vì kèo của di tích quốc gia đặc biệt đền Gióng (Hà Nội). Năm 2020, đình Trùng Hạ (Ninh Bình) cũng bị quét sơn đỏ bóng, vàng chóe, đường nét chạm chìm đi.

Nhưng không phải di tích nào cũng bị đối xử tàn tệ như vậy. Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được “đối xử” rất bài bản, tôn trọng. Có hạng mục khi cấy thêm vào di tích đã mang lại vẻ đẹp mới cho Văn Miếu, cũng như giúp bảo tồn tốt hơn, như Nhà bia tiến sĩ. Thêm vào đó, di tích này cũng có hệ thống trang bị như bàn ghế, máy chiếu… để tạo không gian thân thiện, kích thích học tập và trải nghiệm sáng tạo di tích. Những trò chơi trên máy tính về bia tiến sĩ - di sản tư liệu thế giới - cho đến giờ vẫn rất thu hút các em học sinh.

Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lại có một “gợi mở” về di sản thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Theo đó, bà Điệp cho rằng, có thể tính đến việc bảo tồn di sản này như một di sản tư liệu thế giới. Bà Điệp trích dẫn những nghiên cứu trước cho rằng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ là cặp đôi nghệ sĩ thuộc hàng tài năng nhất của nền văn học sân khấu VN nửa cuối thế kỷ 20. Điều này rất giống trường hợp Louis Aragon - Elsa Triolet, Auguste Rodin - Camille Claudel… Như vậy, có thể tính đến việc nghiên cứu các sáng tạo của cặp vợ chồng thi sĩ như một cặp tác giả không tách rời.

Triển lãm ở Ơ kìa Hà Nội về nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Ơ kìa Hà Nội

Công nghệ số và di sản nghệ thuật

TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, lại có một bài nghiên cứu về việc áp dụng công nghệ số cho xây dựng không gian di sản. Theo đó, ông chia sẻ những không gian, hiện vật thời Lý do ông tái hiện như Tu Di tòa thời Lý. Ông cũng là người đã tái hiện trong môi trường số nghi lễ tắm Phật. Phần mềm Nghi lễ tắm Phật online 2021 là một sản phẩm công nghệ mang bản sắc Việt, do người Việt nghiên cứu, chế tạo, nhằm thực hiện chủ trương số hóa di sản thời 4.0. Theo đó, người trải nghiệm có thể tham gia tắm Phật cũng như công đức ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19. “Kết quả sau 10 ngày phát động, đã có 20.000 lượt tắm Phật online, tương ứng 200 triệu đồng. Số tiền này đã được trao cho đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, ông Dương cho biết.

Bia Sùng Thiện Diên Linh bị xước

Trần Trọng Dương

Trong khi đó, TS Nguyễn Thu Thủy (ĐHQG Hà Nội) lại nhắc tới những di sản nghệ thuật. Theo đó, nghệ thuật công cộng cũng là một nguồn lực cho phát triển du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng (Hà Nội) với sự hợp tác phối hợp của Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Korean Foundation, UN Habitat và các nghệ sĩ tình nguyện. Đó còn là dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân với sự tham gia của 15 nghệ sĩ nổi bật về thực hành nghệ thuật đương đại từ Huế, TP.HCM, Hà Nội và 2 nghệ sĩ nước ngoài sinh sống ở Hà Nội nhiều năm. “Các dự án nghệ thuật này đều trở thành điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch”, bà Thủy đánh giá.

Theo TS Thủy, ngành du lịch cần có sự liên kết hợp tác với ngành văn hóa để nghiên cứu và chủ động đề xuất một số vị trí cần xây dựng tác phẩm nghệ thuật công cộng nhằm kết nối tuyến du lịch. Ở làng nghề, có thể có tác phẩm công cộng khai thác giá trị nghề truyền thống. Cũng có thể xây dựng các chương trình du lịch kết nối các dự án nghệ thuật công cộng như tour đi bộ nghệ thuật (ban ngày và ban đêm), khai thác các bộ sưu tập tại các bảo tàng nhà nước và tư nhân… “Cũng cần kết hợp với công nghệ số để xây dựng bản đồ du lịch trực tuyến cho các tác phẩm nghệ thuật. Nhờ đó, du khách có thể đưa nghệ thuật trở thành phần quan trọng khi lên kế hoạch chuyến đi”, TS Thủy cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.