Đối thoại cùng cây - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

02/05/2014 01:00 GMT+7

Di phóng xe vào hầm tối om, uể oải dựng chân chống rồi tiện tay hất tung cái áo mưa trũng nước. Mấy con chuột chết tiệt lại cặp xương xẩu và đủ loại thức ăn hỗn tạp khác về góc hầm mở tiệc.

 Đối thoại cùng cây - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Thỉnh thoảng cứ đến giờ nấu ăn lại có nhà kêu mất thứ này thứ kia, Di trêu cứ xuống hầm để xe mà tìm là thể nào cũng thấy. Đôi khi chúng lôi cá khô, đỗ lạc vào làm ổ trong xe rồi vui miệng cắn tơi tả dây điện, dây dẫn xăng báo hại Di ì ạch dắt bộ cả quãng đường dài trong cái nắng nhễ nhại hay dưới màn mưa tầm tã. Cũng là một cái cớ khá hợp lý để Di liên tưởng đến những gã đàn ông từng đi qua đời nàng. Căn hầm tối om này từng có gã khom lưng sửa xe, có gã lớn lác nhìn trước nhìn sau rồi ôm ghì Di trong cái hôn nghẹt thở. Cũng có gã say loạng choạng nằm gục vào đầu xe miệng nói nhảm, phả nồng hơi rượu lợm cả hầm. Lâu rồi, trong hầm xe không có người đàn ông nào của Di. Chỉ có gã hàng xóm mắt một mí đôi lần đi qua cố tình chạm vào eo Di trong bóng tối nhộm nhoạm không rõ mặt người. Rã rời đẩy cửa bước vào phòng, Di đổ uỵch xuống giường, ngó qua bên cạnh thấy cu Bin khẽ cựa mình trở giấc. Chị vẫn cúi gằm mặt vào cái máy tính, quờ tay đập nhẹ xuống giường hỏi Di:

- Em đã đọc thông tin mới nhất về vụ chiếc máy bay MH370 mất tích chưa?

Di không trả lời. Nàng hoàn toàn kiệt sức sau khi đi lạc hơn mười cây số trên đường cao tốc ra sân bay. Di ghét những con đường hiếm hoi điểm quay đầu. Nó như dụ dỗ con người ta vào mê lộ hào nhoáng rộng dài để rồi đánh lừa phận người trong một hành trình hun hút mà không có bất cứ sự lựa chọn nào ngoài việc cứ phải trôi đi. Di đã từng nhiều lần mắc kẹt trong đại lộ vào những ngày mưa rét. Lần nào cũng hoang mang tột độ, ngơ ngác nhìn dòng người phía trước cứ lao vun vút không có tín hiệu dừng. Không ngã rẽ. Không đèn đỏ. Không điểm quay đầu. Rõ ràng xăng xe còn đầy, con đường phía trước cũng thênh thang vậy mà Di không sao ngăn được ý nghĩ rằng mình đang đi vào ngõ cụt. Di khóc. Cảm giác bất lực cứ dâng lên như nước lũ âm ỉ nhấn chìm mọi thứ cảm giác khác. Nó khiến con người ta buông xuôi bằng cách cứ để tay mình vít ga lao đi. Tuyệt vọng không còn tìm kiếm một điểm quay đầu nữa. Đường cao tốc phải chăng cũng giống như tuổi trẻ của mỗi người. Trong điểm xuất phát ai cũng cả tin một cách hồn nhiên rằng cứ đi đi đừng hoảng sợ, phía trước có rất nhiều ngã rẽ, rất nhiều sự lựa chọn. Để rồi đơn độc giữa dòng đời. Chỉ cần một lần nhấn ga thôi, dẫu ngay sau đó bạn nhận ra mình đã đi nhầm đường thì cũng không còn kịp quay lại nữa. Phải mất một khoảng thời gian rất dài bạn mới có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Khi đó sức lực đã cạn kiệt, tâm hồn cũng chỉ còn là khoảng trống còn nỗi cô đơn như quán tính bã bời. Đi qua vài ba lần bồng bột thì tuổi thanh xuân cũng như cánh hoa đã phai màu. Trở về sau từng ấy đớn đau thì thân xác này xin phó thác cho số phận.

- Nghe nói nó rơi ở Ấn Độ Dương, dưới độ sâu hơn ba nghìn mét. Mà em nghĩ gì về cái gọi là lỗ hổng thời gian, nơi đã nuốt vào lòng nó không biết bao nhiêu bí ẩn?

- Đó là những điều kỳ bí, em không biết. Khoa học họ giải thích nhì nhằng lắm. Em chỉ biết xung quanh chúng ta cũng có vô vàn những hố đen. Vào một ngày nào đó không báo trước, chúng nuốt chửng người ta yêu thương hay điều ta nâng niu quý trọng. Như đã từng nuốt chửng tuổi thanh xuân của chị em mình.

Chị không nói gì, có lẽ đã rời mắt khỏi bản tin về vụ chiếc máy bay mất tích bí ẩn mang theo mấy trăm số phận con người. Không biết từ bao giờ niềm vui của chị chỉ neo đậu trên vài tờ báo mạng, mấy bộ phim truyền hình Hàn Quốc và truyện ngôn tình. Chị không màng chuyện thời sự, không quan tâm đến giá xăng, thậm chí tiền trong ví sắp hết chị cũng chẳng buồn bận tâm. Chị sống bản năng, thích gì làm nấy khiến nhiều lúc Di nghĩ chị còn là một đứa trẻ chưa kịp trưởng thành. Vậy mà chị làm mẹ của thằng nhỏ mười hai tuổi khi trong đầu nó lúc nào cũng chứa một vạn câu hỏi vì sao? Có lẽ đó là việc chỉn chu nhất mà chị từng làm từ cái đêm người đàn bà ấy gõ cửa nhà Di xin được ở cùng. Nhà không quá rộng nhưng Di sợ cảm giác ở một mình nên dán tờ rơi tìm thêm người ở chung. Có rất nhiều người mang theo số phận đến gõ cửa nhưng không ai mang lại cảm giác yên tâm như khi Di nhìn thấy mẹ con chị lếch thếch dắt nhau đến trong đêm mưa gió. Chị nhìn Di như van lơn cầu cứu, đôi vai gầy run lên vì lạnh. Còn thằng nhỏ đã dựa vào người mẹ mà ngủ đứng tự lúc nào. Giống như Khang từng nói bất cứ sự hạnh ngộ nào cũng là định mệnh, nên khi chị đến bên đời Di và bảo: “Chị không có chỗ nào để đến, nơi nào để đi”. Di đâu nỡ chối từ…

Sau này Di từng hỏi chị sao không chọn một ngày nắng ấm mà đi? Tội tình chi phải dắt theo con giữa đêm giông gió để đày đọa bản thân và đứa nhỏ đang còn trong cơn buồn ngủ? Chị cười bảo khi đó trong đầu chị chỉ độc một ý nghĩ nếu còn lần chần thì rất có thể sẽ không bao giờ đủ can đảm bước chân ra khỏi ngôi nhà đó. Ngôi nhà mà chị đã từng dành một quãng đời tuổi trẻ để vun vén, chăm sóc tỉ mỉ đến từng chi tiết một vì cứ nghĩ nó là tổ ấm. Khi chị đi rèm cửa màu hường bay phất phơ trong đêm bão. Những nụ cười trên khung ảnh còn nằm lại, bàn ghế chông chênh không biết đợi chờ ai. Thằng nhỏ tiếc hoài bộ xếp hình quên mang theo, nó từng nhớ căn nhà ấy đến mức thường gọi tên ký ức trong mỗi giấc mơ. Nhưng lạ thay trong hàng vạn câu hỏi vì sao, nó chưa từng bao giờ hỏi mẹ mình vì sao mẹ ra đi? Vì sao trong suốt hai năm qua mẹ không trở lại? Di cũng không hỏi, cứ để mọi chuyện tự nhiên như ngày đầu chị đến. Những mẩu chuyện của chị Di cũng vờ như không chắp nhặt. Hôm đọc tin tai nạn máy bay chị tiện mồm kể bâng quơ như thể không phải đang kể về nỗi đau của chính mình.

- Anh ấy mất trong một vụ tai nạn. Ô tô khách đổ đèo mất thắng lao xuống vực sâu trên đường đi Tây Bắc. Khi ấy chị đang mang bầu Bin, nghén không ăn được gì, người xanh xao vì ốm. Chị bị sỏi thận, uống thuốc tây không khỏi lại có hại cho thai nhi. Anh bảo nghe đồn trên Điện Biên có thầy lấy thuốc nam giỏi lắm. Nên sáng ấy anh đi.

Lúc chị kể thì Di đang dùng phần mềm cắt ảnh. Chỉ là một trò chơi thôi, bức ảnh duy nhất chụp cùng Khang, Di không nỡ xóa. Thỉnh thoảng mang nó ra cắt nhỏ ghép linh tinh, đầu người này vào thân người kia để mang khối óc này nghe thấy tiếng nhịp tim người khác. Bin đi qua ngó vào màn hình bảo:

- Trò này thì có gì vui. Con có thứ vui hơn này. Cô cho một bài tập về nhà nên con ước gì chúng ta có thể cùng làm.

- Một bài tập làm văn “hãy kể về người phụ nữ mà em yêu quý”?

Bin nhún vai. Trên tay cầm chiếc chậu sứ nhỏ màu xanh chắc mới bới tìm được trong đống đồ hổ lốn vứt dưới góc tầng hầm. Đó là chậu cây xương rồng Khang tặng. Khi Khang đi cây xương rồng tự nhiên nhũn mềm rồi chết. Di sợ phải nhìn thấy xác cây nên quẳng chiếc chậu vào một xó. Giờ nó nằm trên hai bàn tay mũm mĩm của Bin. Nhưng nó có ích gì cho bài tập về nhà của một thằng bé mười hai tuổi?

- Cô giáo nói, mỗi đứa chúng con đều phải trồng một cây xanh.

- Để làm gì? - Di buột miệng hỏi, lời vừa thốt ra đã cảm thấy xấu hổ trước một đứa trẻ tâm hồn còn mơn mởn như một mầm cây.

- Để làm bạn.

- Làm bạn? - Chị quay lại hỏi con.

- Vâng thưa mẹ. Cô nói sẽ thật tuyệt khi mỗi ngày chúng ta đều có thể trò chuyện cùng cây.

Khi tặng cây cho Di, Khang cũng từng nói cây sẽ thay thế anh ở bên nàng mỗi lúc anh xa thành phố. Như đã làm xong phận sự an ủi nên Khang rất bình thản để ra đi. Trong quãng thời gian dài dằng dặc ngồi đợi Khang về, Di đã nghĩ người đàn ông ấy không thuộc về mình. Liệu có thể nào tồn tại song song nhiều trạng thái cảm xúc đối ngược nhau. Vừa tin yêu lại vừa hoài nghi, vừa bình yên lại vừa giông gió. Khang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, các dự án nối tiếp nhau kéo tuột anh khỏi Di như một cơn lốc. Khang yêu công việc đó và tận tụy với những chuyến đi. Nhiều khi Khang không nhớ đến việc phải trở về. Không quan tâm đến cảm giác chờ đợi mòn mỏi của Di. Thành phố thì vốn không phải nơi lý tưởng mà chờ đợi. Di bắt đầu thấy mình lạc đường trong đại lộ cô độc miên miết không một bóng người an ủi. Di muốn tìm chỗ quay đầu nhưng không thể. Có những dải ngăn cách vô hình đã lấp dần mọi ngả quay đầu. Di cứ chờ đợi từng ngày dài và nghĩ biết đâu đấy ngay cả khi đi lạc thì con người ta vẫn có thể tìm thấy những bất ngờ phía trước. Thực chất mà nói Di đã quá yếu đuối khi nhìn lại quãng đường phía sau nên cứ bấu víu vào mối tình mà mình tận tụy vun đắp suốt bao năm để mong Khang sẽ vì nàng mà thay đổi. Đáp lại sự chờ đợi ấy, Khang đi…

Di đứng lại bên vệ đường đầy bất an. Sau khi đi lạc người ta thường hoài nghi tất cả những con đường mà mình gặp. Giống như chị từng nói, kể từ khi rời khỏi căn nhà đó chị đã không bao giờ dám trang hoàng vun vén cho một ngôi nhà nào khác nữa. Vì chị sợ nó rồi cũng sẽ không thuộc về mình. Nó thuộc về những bí mật được ai đó cất giấu để một ngày nào đó tìm đến và đánh bật chị khỏi căn nhà của chính mình. Như cách mà người đàn bà xa lạ ấy dẫn đứa nhỏ cũng chạc tuổi cu Bin đến bấm chuông nhà chồng chị và nói đứa trẻ ấy chính là huyết thống nhà này. Từng ấy tháng năm chị sống thờ chồng và phụng dưỡng cha mẹ của anh, lòng không thôi giày vò bản thân vì chuyến đi định mệnh của chồng. Nhưng chị đâu biết rằng thực ra chuyến đi ấy anh về thăm người tình đã sắp đến kỳ sinh nở. Vậy mà chị đã mất cả tuổi thanh xuân để tôn thờ một tình yêu cứ nghĩ là thủy chung tuyệt đối. Người đàn ông ấy vẫn mỉm cười câm lặng trên di ảnh. Người đàn bà mới đến đốt khói hương nghi ngút, mùi hương càng làm chị lợm giọng hơn. Nhà chồng chị không thốt được một lời vì thằng nhỏ đó giống anh như đúc. Lòng chị thành núi lửa, tự nung chảy mình trong thứ dung nham chảy từ lòng oán hận mà chị không thể trút lên ai. Người chết không nói được. Nên bây giờ ngay cả một lời giải thích chị cũng không nhận được. Chị lôi con trốn đi giữa cơn giông gió bỏ lại căn nhà đã biến thành ngôi mồ chôn cất một phận tình. Chị phải đi. Nhất định phải đi. Nếu ở lại có khi nỗi oán hận sẽ biến chị thành ác quỷ.

- Con sẽ trồng loài cây mà mẹ thích. Nói cho con biết đi…

- Mẹ không thích trồng cây. Vì nếu nó chết đi sẽ để lại những khoảng trống.

- Mẹ đừng lo. Con sẽ chăm sóc nó.

Di không nghe thấy tiếng nói nào nữa, tâm trí nàng đang bị hút xoáy vào cốc nước. Chỉ là một cốc nước nhưng Di luôn thấy một lỗ đen vô hình ma mị như đang gắng sức thôi miên và hút xoáy Di. Lỗ xoáy ấy mỗi lúc một lớn, thậm chí nhìn nhìn chằm chằm vào Di. Cảm tưởng nó còn to gấp trăm nghìn thể tích một cái cốc. Nó chứa đựng một sức mạnh khủng khiếp. Biết đâu khi kết thúc câu chuyện về cây, mẹ con Bin ngoảnh lại đã không còn thấy Di đâu nữa. Di biến mất như chưa từng tồn tại. Cửa vẫn khóa trong và không hề nghe thấy tiếng chân người. Những lỗ xoáy vô hình ấy có rất nhiều xung quanh chúng ta như ở vòi nước trong nhà vệ sinh, ở màn hình máy tính, ở bát canh nguội ngắt trên mâm cơm. Nó giống như lỗ hổng thời gian đã cuốn đi rất nhiều số phận. Khang của Di biết đâu cũng từng bị cuốn đi như thế trong một lỗ hút nào đó ở ven đường. Khoa học chưa chứng minh điều đó. Ngay cả những nhà ngoại cảm cũng không hề đề cập. Nên Di nghĩ nó giống như những câu chuyện giả tưởng khác mà nàng vẫn kể cho Bin nghe. Một lần khi thấy Di ngồi nhìn mê mẩn cốc nước lọc trong veo, chị đã hỏi Di:

- Thử nói xem em đã nhìn thấy những gì?

- Vậy chị nói em nghe chị đã nhìn thấy những gì?

- Một con cá đang tung tăng bơi, loại cá này chị chưa từng nhìn thấy. Trông nó đẹp như chiếc cầu vồng vậy. Thế còn em?

- Bình yên đến vậy sao. Vậy mà em chỉ nhìn thấy một cái lỗ hút. Nó đen ngòm và đáng sợ.

- Một cái lỗ hút? À có thể là vì em đã nhầm với những cái sủi tăm của chú cá đang đớp ô xy.

Bin ôm chậu cây đi qua, nó đứng nhìn cốc nước rồi thản nhiên bảo:

- Không phải đó đơn giản chỉ là một cốc nước lọc trong veo đó hay sao mẹ? Con nghĩ sẽ vui hơn nếu chúng mình đi nói chuyện cùng cây.

Đó là một cái cây nhỏ, Di không biết tên cây. Thằng nhỏ đã nhặt cây ở ven đường khi đội vệ sinh môi trường vừa xới tung nó lên ở một góc phố nào đó. Chị gọi nó là cây gai vì thấy thân nó xù xì vài chiếc gai cùn chẳng thể dọa được ai. Bin nói tên nó là cây xanh. Chỉ đơn giản vậy thôi vì lá nó màu xanh.

- Thử đoán xem hoa nó sẽ màu gì? - Di nói.

- Chị cá là nó màu đỏ.

- Em thì không nghĩ thế, có thể là màu trắng hoặc màu vàng. Những chùm hoa li ti. Em nghĩ mình đã từng nhìn thấy chúng đâu đó. Phải như vậy mới đẹp. Em ghét những loài hoa màu đỏ trông giống như mấy ả đàn bà ưa lòe loẹt.

- Nhất định là màu đỏ. Như thế sẽ hợp với căn phòng này hơn. Mà không phải ngày xưa em từng yêu một anh chàng chuyên mặc áo sơ mi màu đỏ đó sao?

Di ngớ người rồi bật cười. Phải. Khang lúc nào cũng như một đốm lửa cháy đỏ rực giữa đời. Giờ đốm lửa ấy thắp sáng phương trời nào đó Di không biết. Nhưng hóa ra Di cũng đã từng yêu màu đỏ. Đã bao lâu rồi nhỉ? Di cũng không còn nhớ nữa.

- Có thể nó là loại cây không có hoa - Bin thơm nhẹ lên chiếc lá xanh rờn và thủ thỉ với cây như thế.

Ừ nhỉ. Trẻ nhỏ hình như chúng luôn nhìn mọi thứ thật đơn giản. Giống như cái cây kia tô điểm cho đời chỉ bằng màu xanh của lá, đâu cần cứ phải nở hoa. Nhưng tình yêu thì có bao giờ đơn giản được đâu. Làm sao để Di có con mắt nhìn đời giống như một đứa trẻ? Để không còn tự giày vò khi một người tình vừa mới bỏ đi. Di đã yêu, đã sống, đã lạc đường không chỉ trong tình yêu đối với Khang. Vì quá sợ nỗi cô đơn khi quay đầu nên nàng chọn rẽ sang hướng khác, yêu những người đàn ông khác để rồi trượt dài trong những con đường xa lạ. Di ơi, cây chỉ cần lá màu xanh cũng như tình yêu đôi khi chỉ là trái đắng. Cốc nước lọc vẫn nằm trên bàn không một gợn sóng thì cớ sao lòng người nổi bão giông. Tình yêu đến rồi đi. Gần rồi xa. Hút nhau rồi rượt đuổi. Tất cả không có gì lạ hết, nó chân thật như quy luật vậy thôi.

              * * *

Khu tập thể Di đang ở bỗng nhiên nhận lệnh giải tỏa vì nhiều nhà trông xập xệ lắm rồi. Chị nghe tin thì buồn đến mức bỏ dở cả tập phim truyền hình Hàn Quốc đang đến đoạn bi lụy nhất. Di hẳn nhiên sẽ thấy ngậm ngùi hơn cả vì mười năm không phải là ngắn ngủi, huống hồ đó lại là quãng đời tuổi trẻ nhiều kỷ niệm. Hà Nội đón Di ở đây bằng những bức tường màu rêu cũ, vài cánh cửa sổ đã mục, gạch nền nhà nhấp nhô và hầm để xe lúc nào cũng toát lên mùi ẩm mốc. Nhưng có sao đâu, Di vẫn sống và yêu nồng nhiệt như bao cô gái khác. Hiên nhà vẫn có hoa, ngoài ban công nhỏ xíu vẫn đủ kê một bàn trà ấm áp cho mùa đông giá lạnh. Ngày mưa, khu tập thể buồn tênh nghe chao chát từng giọt rỏ xuống đâu đó xa vời. Ngày nắng, sau giờ làm Di mải miết phóng xe về để chờ gặp trước mắt mình phấp phới những dây phơi quần áo đủ sắc màu và đủ kích cỡ. Hôm chuyển đi, lúc ngồi trên xe tải chở đồ ngoảnh mặt nhìn lại Di đã nghĩ rồi nơi này cũng sẽ giống như khoảng đất trống khi người ta bứng một cái cây. Cu Bin mang theo chậu cây nhỏ của mình. Nó hồn nhiên bảo:

- Rồi ở đây tòa nhà khác sẽ mọc lên, lúc quay lại nhất định con sẽ vẫn nhận ra ô cửa nhà mình.

- Bằng cách nào chứ khi tất cả sẽ trở nên mới cóng chẳng còn dấu vết gì. Cánh cửa nhà chúng ta sẽ bị vứt lăn lóc làm củi mục ở một xó xỉnh nào đó mà thôi.

Thằng nhỏ cười nhe hàm răng sún, nó chỉ vào ngực mình và bảo:

- Cô Di yên tâm đi, con đã đánh dấu kỹ lắm rồi.

Khu tái định cư là một chung cư hiện đại và thoáng mát. Di đã bỏ thêm tiền để được sở hữu một căn nhà thật rộng. Nhưng không phải ai cũng vui khi được chuyển đến nơi này. Hóa ra người hoài cổ cũng nhiều, Di đôi lúc cũng thấy mình cũ kỹ như những bức tường rêu. Chị đứng lặng lẽ khá lâu trước căn nhà mới còn trống trải và hăng hắc mùi sơn. Có lẽ nó gợi lại ký ức về căn nhà nơi chị từng bỏ đi. Chị sợ phải vun vén, trang hoàng cho một căn nhà khác nên không tránh được cảm giác chênh vênh. Thằng nhỏ chọn một chỗ nhiều ánh nắng mặt trời để đặt chậu cây và bảo:

- Này người bạn nhỏ. Chúng ta đã đến nơi rồi.

Di mỉm cười lôi chị vào phòng bếp cùng bàn xem chỗ nào đặt bàn ăn, chỗ nào kê lò nướng, vẫn còn rộng có khi nên mua một bể cá tung tăng. Chị thích gam màu đỏ để trang trí trong phòng cu Bin nhưng Di cứ nhất quyết chọn màu xanh. Thằng nhỏ chống cằm nhìn người lớn rồi nó bật cười bảo:

- Ô kìa, phòng con thì sao không để con tự chọn màu.

- Ừ nhỉ… - Chị và Di ngó qua nhau không hiểu mình quá trẻ con hay là tại thằng nhỏ kia đã lớn. Thế đèn ngủ màu gì? Nội thất màu gì? Hướng này hẳn là hướng đông nam. Không! Nhất định chị đã nhầm, em cá nó là đông bắc. Ồ nếu vậy thì nó hợp tuổi chị hay hợp tuổi em hơn? Góc này trống trải quá, chị nghĩ chúng ta nên mua một cái máy may nho nhỏ, chị sẽ may áo dài và váy cưới cho em. Thế góc này thì sao? Mẹ đừng kê bình hoa giả vào đấy nhé, tại sao lại không trồng thêm một chậu cây xanh, thưa mẹ? Vậy thì chắc phải cần thêm vài cái ghế? Để làm gì chứ? Để tối nào chúng ta cũng ngồi trò chuyện cùng cây. Ừ! Chỗ này rộng lắm, chắc sẽ đủ để kê không chỉ ba chiếc ghế phải không nào…

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

>> Vó ngựa - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang
>> Khúc sống - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.