Đổi thay trên khu tái định cư Thủy điện Sông Bung

21/07/2022 16:45 GMT+7

Tiếng ê, a đánh vần trong trẻo của những em bé vùng cao H.Nam Giang, tỉnh Quảng Nam như sức sống mới rộn ràng của khu tái định cư thuộc Dự án Thủy điện Sông Bung 4 - Tổng công ty Phát điện 2.

Năm 2007, Dự án Thủy điện Sông Bung 4 nằm trên địa bàn xã Tà Bhing (nay là xã Tà Pơơ) và xã ZuôiH, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, thuộc Quy hoạch bậc thang Thủy điện Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn được triển khai. Dự án được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) làm chủ đầu tư và khởi công vào giữa năm 2010.

Có thể nói, việc xây dựng đập thủy điện quan trọng bao nhiêu, thì việc chuẩn bị các khu tái định cư đầy đủ cơ sở hạ tầng cũng cấp thiết bấy nhiêu.

Khu tái định cư Pa Păng nhìn từ trên cao

Minh Lương

Vùng đất mới “Thay da đổi thịt”

Để có được Thủy điện Sông Bung 4, 232 hộ dân đã nhường đất cho dự án, trong đó đa phần bà con là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Tất cả hộ dân đã được di dời đến các khu tái định cư Pa Păng, Pa Rum A, Pa Rum B và Pa Đhí.

Gần 10 năm kể từ khi người dân di dời vào năm 2013, chúng tôi trở lại Pa Păng, một trong các khu tái định cư của Thủy điện Sông Bung 4. Con đường vào làng Pa Păng rợp bóng cây xanh, không khí trong lành. Pa Păng đã thực sự “thay da đổi thịt” với những ngôi nhà tường kiên cố và những căn nhà bằng gỗ có màu nâu ấm nằm san sát dọc theo con đường bê tông phẳng lì.

Nhớ lại những ngày chưa về khu tái định cư, chị Bnướch Thị Chiêng, người dân tộc Cơ Tu kể, trước kia mỗi lần người dân đi chợ mua đồ dùng phải băng qua sông Bung và sông Rinh, đi và về mất khoảng 2 ngày. “Giờ thì mình muốn đi lúc nào mình đi. Tụi nhỏ đi học cũng không còn phải lội suối, lội sông. Từ lớp mẫu giáo tới lớp ba trường cách nhà có 5 phút, còn lớp 4 trở lên thì đi học ngoài xã cũng không bao xa”, chị Chiêng nói.

Các bé đang cùng cô tập hát

Minh Lương

Không chỉ chuyện học hành của trẻ, cuộc sống của bà con dân tộc Cơ Tu từ khi được tái định cư cũng được nâng cao. Người dân có nhiều điều kiện để tiếp cận tốt hơn với y tế cơ sở, công nghệ thông tin, các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Pơ Loong Dương, Già làng Thôn 2 nói: “Trước kia không có bao nhiêu người biết đi xe máy, giờ thì nhiều lắm. Điện thoại thì gần như ai cũng có. Bị bệnh, ốm đau thì đi ngay lên bệnh viện không còn nằm nhà tự chữa như xưa”.

Lo sinh kế người dân

Giờ đây, những khu tái định cư thuộc Thủy điện sông Bung 4 như Pa Păng thật sự là nơi an cư, lạc nghiệp người dân. Thêm nhiều lớp trẻ đã chào đời. Các lớp mẫu giáo ngày ngày rộn ràng tiếng “ê”, “a” tập hát, tập đánh vần của trẻ vùng cao. Nếu như năm 2012, Pa Păng có 76 hộ dân (trong đó 53 hộ di dời từ Dự án Thủy điện Sông Bung 4) thì đến đầu năm 2022 con số này đã là 111 hộ.

Hiện tại, mong mỏi lớn nhất của người dân là việc phát triển kinh tế bền vững bởi người dân không còn sống bằng nghề khai thác rừng như trước. Sinh kế của bà con chủ yếu từ trồng lúa, trồng màu và chăn nuôi gia súc. Đây cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo huyện Nam Giang, của tỉnh Quảng Nam và Công ty Thủy điện Sông Bung.

Điểm trường thôn Tơ Pơơ nhìn từ trên cao

Minh Lương

Mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt và giao UBND H.Nam Giang làm chủ dự án đầu tư công trình ổn định đời sống và sản xuất người dân vùng tái định cư Thủy điện Sông Bung 4 với tổng kinh phí 100 tỉ đồng (nguồn ngân sách Trung ương). Dự án thực hiện từ nay đến năm 2024, nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất cho người dân tái định cư.

Từ nguồn kinh phí trên, địa phương sẽ đầu tư xây dựng 5 tuyến đường giao thông kết nối giữa các khu tái định cư thuộc Thủy điện Sông Bung 4 với khu sản xuất và san nền 4,8ha làm khu tái định cư mở rộng. Dự án cũng sẽ sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình hạ tầng thiết yếu khu vực tái định cư hiện tại và khu tái định cư mở rộng như nâng cấp, sửa chữa 5 hệ thống cấp nước và xây mới 2 hệ thống cấp nước sinh hoạt tự chảy; sửa chữa, nâng cấp 2 công trình thủy lợi…

Bằng trách nhiệm với cộng đồng, Công ty Thủy điện Sông Bung - EVNGENCO2 cũng cam kết tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ mang về những mô hình sản xuất mới, giúp người dân chuyển đổi nghề phù hợp. Để trong tương lai, người dân ở những khu tái định cư thuộc Dự án Thủy điện Sông Bung 4 không chỉ có cuộc sống yên bình mà còn có thể có thêm thu nhập, phát triển kinh tế bền vững trên vùng đất mới của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.