Xưa 'siêu trộm', giờ ông chủ nhà hàng hạnh phúc cùng người vợ thứ 4

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
08/07/2019 12:12 GMT+7

Từng là một “siêu trộm” phải ngồi tù 10 năm, bị xóm làng xa lánh nhưng với sự thức tỉnh và bản lĩnh, người đàn ông 50 tuổi đã trở thành chủ nhà hàng ven đô ở Huế, làm ăn ổn định, gia đình đầm ấm.

Nhà hàng của anh Trần Duy Cư (50 tuổi, thôn Thủy Thanh Chánh, xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) có tên Gió Quê, nằm bên nhánh sông nhỏ nhìn ra cánh đồng nên thơ. Mỗ ngày, nhà hàng thu hút hàng trăm thực khách, không chỉ người địa phương mà rất nhiều thực khách từ thành phố Huế và cả ngoại tỉnh tìm đến thưởng thức những món ăn đậm chất dân dã trong khung cảnh mát mẻ của không khí đồng quê ngoại ô của xứ Huế.

Anh Cư vừa làm chủ quán kiêm luôn đầu bếp Bùi Ngọc Long

Anh Cư vừa làm chủ nhà hàng vừa kiêm luôn đầu bếp. “Những năm tháng lăn lộn chợ đời với sai lầm tuổi trẻ là khoảng thời gian hư hỏng, đáng quên nhất của đời tôi. Nhưng chính những tháng ngày đó cũng đã cho tôi học được cách chế biến nhiều món ăn để bây giờ đưa vào nhà hàng”, anh Cư chia sẻ.
Quán anh Cư nổi tiếng các món gà, cá, ếch, lươn… đồng trong đó món gà nướng đất sét rất được thực khách yêu thích.  Rửa cá, nêm gia vị, vừa canh món gà nướng đất sét ngoài lò than vừa nấu món lươn um chuối… anh Cư một mình thoăn thoắt trong bếp như con thoi. Công việc vất vả nhưng lương thiện khiến anh cảm thấy hạnh phúc nên lúc nào cũng say mê, phấn khởi. Nhìn anh, ít ai biết rằng người đàn ông với biệt danh "siêu trộm" đã có một quá khứ đen tối với bản án 10 năm tù về tội trộm cắp.

Ân hận khi không được nhìn mặt ba lần cuối

Khung cảnh nhà hàng mát rượi dưới giàn hoa giấy. Ảnh: Bùi Ngọc Long

Sinh ra trong gia đình đông anh em khiến Cư phải sớm ra đời mưu sinh. Năm 20 tuổi, anh tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Những năm tháng trong quân ngũ đã trui rèn anh thành chàng trai cứng cáp.

Những tưởng sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về, anh sẽ vững vàng làm trụ cột gia đình. Nhưng tuổi trẻ với những suy nghĩ bồng bột đã khiến anh rơi vào con đường cờ bạc, đỏ đen. Những cuộc vui thâu đêm suốt sáng của chàng thanh niên trẻ khiến cha mẹ anh buồn phiền. Để có tiền cờ bạc, anh rơi vào con đường trộm cắp lúc nào không hay. Anh thực hiện trót lọt hàng chục vụ trộm cắp tài sản. Có tiền, anh lại tìm đến các sòng bài, có khi vào Đà Nẵng để theo trò đỏ đen. Hết tiền, anh lại giở ngón nghề trộm cắp.

Một lần vào tháng 7.1995, khi đã tả tơi trở về sau những ngày chôn mình trong sòng bài, anh đột nhập vào một gia đình khá giả ở Huế, cạy két sắt, lấy trộm hàng chục cây vàng. Đi đêm lâu ngày cũng gặp ma, lần này anh rơi vào tầm ngắm của công an nên đã bị bắt và bị truy tố về tội “trộm cắp tài sản”.
Vào trại tạm giam, máu ngông nghênh của kẻ giang hồ trộm cắp nổi lên, anh đã đục tường trốn trại. Chỉ sau một thời gian ngắn trốn trại, anh bị bắt và lần này ngoài tội “trộm cắp tài sản” chưa xét xử Cư còn bị thêm tội danh “trốn khỏi nơi giam giữ”. Anh bị tòa án tuyên phạt 10 năm tù.
Sai lầm của tuổi trẻ đã khiến anh Cư đã trả giá đắt mà cho đến giờ anh cũng không thể nào tha thứ cho mình. Điều làm anh ân hận nhất đó là không trở về để nhìn được mặt ba lần cuối khi ông qua đời. Những tháng ngày anh ngồi tù, xóm làng và dòng họ xem anh như là nghiệp chướng. Ba mẹ muộn phiền mà sinh bệnh. Một lần, sau khi vào tù thăm con trở về, mẹ anh đã vô tình kể lại cho ba anh nghe cảnh con khổ quá mà gầy gò bệnh tật trong tù, rồi tâm sự với chồng: “Tôi sợ thằng Cư không sống sót nổi để trở về đâu ba mi à”.

“Thời ấy kinh tế khó khăn, ở ngoài còn khổ huống chi ở trong tù. Nghe vợ kể xong, người cha già thương xót con đã tăng huyết áp, đột quỵ. Ngày hôm sau thì ông mất”, anh Cư kể lại.

Đau nhói nghe câu nói “Ba mi hồi trước trộm cắp bị đi tù”

Bếp lửa hồng được nhóm cho món gà nướng đất sét đặc biệt do anh Cư chế biến  Bùi Ngọc Long

Gặp anh Cư hôm nay, ít ai biết rằng anh đa có một quá khứ đen tối mà anh không muốn nhắc đến. “Hồi mới ra tù, nhiều người thấy mình là đi tránh, không muốn gặp. Mình mặc cảm lắm, nhiều lúc buồn lại muốn tìm đến men rượu để giải khuây. Nhưng nghĩ, cả một thời tuổi trẻ nông nổi sai lầm rồi, bây giờ phải thay đổi để làm lại cuộc đời. Tự nghĩ, rồi tự động viên mình cố gắng để vượt qua”, anh tâm sự.

Để hòa nhập cuộc sống, anh chấp nhận làm bất cứ việc gì từ bán vé số, phụ thợ hồ… nhưng thu nhập chẳng được là bao. May mắn, đúng vào thời điểm khó khăn ấy, địa phương có triển khai chương trình “cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương”. Anh đã được địa phương hỗ trợ vốn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế và hỗ trợ mặt bằng để mở quán kinh doanh.

Không gian yên tĩnh của quán Gió Quê Bùi Ngọc Long

Với sự hỗ trợ ban đầu đó, sau 15 năm, anh vươn lên trở thành hộ kinh doanh hiệu quả, kinh tế khá giả. Mỗi ngày quán Gió Quê của anh phục vụ bình quân 5 - 7 bàn tiệc, đem về nguồn thu nhập ổn định để anh có thể chăm lo gia đình, con cái học hành. Ngoài việc kinh doanh nhà hàng, anh còn mở trang trại, đào ao thả cá để phục vụ kinh doanh.

Ngoài lợi nhuận thu về mỗi năm hàng trăm triệu đồng, anh còn tạo công ăn việc làm cho người địa phương. Anh cũng là “tấm gương” cho những đối tượng sa ngã, lầm lỡ, phạm pháp tại địa phương học tập. Không chỉ thế, anh còn kể câu chuyện hoàn lương của bản thân để cảm hóa, giúp đỡ nhiều anh em khác “cùng cảnh ngộ” có được niềm tin để làm lại cuộc đời.

Món gà kiến hấp hành hấp dẫn do anh Cư tự chế biến ảnh Bùi Ngọc Long

Ngồi bên bếp than hồng nướng gà cho khách, anh Cư tâm sự, do khi trẻ chơi bời, hư hỏng mà cả 3 người vợ trước đều đường ai nấy đi. May mắn là dù có vợ nhưng chưa sinh con nên chia tay cũng không vướng bận gì. Sau khi hoàn lương, có cuộc sống ổn định anh mới tìm được hạnh phúc của mình. Giờ anh đã là người chồng, người bố gương mẫu với vợ hiền cùng 2 con nhỏ.

Tuy vậy, đôi khi người đời vẫn ác mồm, ác miệng nói với con anh “Ba mi hồi trước trộm cắp bị đi tù” khiến tim anh đau nhói. Anh đã cố gắng sống lương thiện nhưng cái giá của quá khứ luôn là bóng mờ mà anh sợ ảnh hưởng đến con cái nhất.

“Bây giờ cuộc sống không dính đến pháp luật là trong lương tâm của mình luôn thỏa mái. Bây giờ mình đã hiểu cái gì tự mình làm ra, bằng mồ hôi sức lao động chân chính của mình, không sai phạm pháp luật là sướng nhất không gì bằng”, anh Cư chia sẻ.

Anh Trần Duy Cư sau khi hoàn lương trở về với địa phương đã tu chí làm ăn. Từ sự hỗ trợ quan tâm của chính quyền địa phương, tạo điều kiện về mặt bằng, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ khởi nghiệp… anh đã vươn lên trở thành một hộ khá giả. Qua việc kinh doanh hiệu quả, anh cũng đã giải quyết thêm công ăn việc làm cho nhiều người địa phương. Và một điều đáng phấn khởi nữa, anh Cư hiện nay là một trong những tấm gương tham gia tích cực vào việc giáo dục những người đồng cảnh ngộ, lầm lỗi như anh 

Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.