Xót xa nhân viên y tế chống dịch Covid-19 trong đồ bảo hộ giữa nắng nóng 40-50 độ

03/06/2021 09:01 GMT+7

Giữa cái nắng như đổ lửa của miền Bắc, lực lượng tuyến đầu chống dịch vẫn mang bộ đồ bảo hộ. Dù người ướt đẫm mồ hôi, đôi bàn tay nhăn nheo, trắng bệch... nhưng họ vẫn luôn giữ “tinh thần thép” để hoàn thành nhiệm vụ.

Thời tiết Bắc bộ những ngày này vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ lên đến 39 - 40 độ C khiến công việc chống dịch của các nhân viên y tế thêm khó khăn gấp bội.

Nóng đến áo vắt ra nước

Điều dưỡng Nguyễn Thị Huyền Trang (BV Gang thép Thái Nguyên) cùng đoàn cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ chống dịch tại Bắc Giang. Ngày ngày, nhiệm vụ của họ là truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tại khu cách ly, khu dân cư... Thời tiết nắng nóng khiến công việc của chị trở nên khó khăn, vất vả hơn bao giờ hết.

Những đôi tay nhăn nheo, ướt đẫm vì ngâm nước nhiều giờ

“Thời tiết nắng nóng khiến cơ thể dễ mệt mỏi, nhiệt độ cao nhưng vẫn phải mặc bộ đồ bảo hộ nhiều giờ liền để đảm bảo an toàn. Mồ hôi ướt đẫm, không thoát được, lắm lúc áo còn vắt được ra nước. Vất vả hơn nhưng chúng tôi vẫn làm việc theo kế hoạch, động viên nhau cố lấy mẫu trả kết quả sớm”, chị Trang chia sẻ.

Bản tin Covid-19 ngày 2.6: Chuỗi lây Truyền giáo Phục Hưng lan rộng, diễn biến dồn dập ở TP.HCM

Chị Trang cho biết, để tránh thời tiết nắng nóng, đoàn công tác đã thay đổi giờ làm việc. Việc truy vết, lấy mẫu sẽ không thực hiện vào giờ trưa và đầu giờ chiều như trước đó. Nếu trong đoàn có dấu hiệu mệt mỏi sẽ áp dụng các biện pháp chống nắng như nghỉ ngơi ở chỗ râm mát, uống nước điện giải, tránh tình trạng ngất xỉu để theo kịp tiến độ của đoàn. “Là nhân viên y tế và quê ở Bắc Giang, dù khó khăn nhưng tôi luôn mong muốn góp sức lực của mình giúp đỡ quê hương, ngăn chặn dịch”, chị Trang tâm tình.

Không thở nổi và từng xỉu

Th.S Lê Trần Tuấn Anh (ĐH Y Dược Hải Phòng) ngày đêm làm nhiệm vụ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tại các khu cách ly, khu phong tỏa ở Bắc Giang. “Thời tiết nắng nóng nên giảm sức lực rất nhanh, tôi phải tìm mọi cách chườm đá lạnh ra ngoài bộ đồ bảo hộ, chườm càng nhiều càng tốt để nhiệt độ giảm xuống vì nếu mặc đồ bảo hộ giữa trời nắng chỉ nửa tiếng đã không thể thở được”, anh Tuấn Anh nói.
Cũng theo anh, thời tiết nắng nóng không làm khó tinh thần và giảm tiến độ công việc của mọi người. “Mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nắng nóng khiến mồ hôi ướt đẫm, tay ngâm nước lâu cũng bị nhăn nheo. Thêm nữa, đồ bảo hộ có chất bảo quản, ra mồ hôi sẽ ngấm ngược lại cơ thể, nếu ai bị dị ứng sẽ nổi mẩn. Anh em vẫn đang cân đối sức lực để làm, cố bảo đảm sức khỏe”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Mới đây, cư dân mạng chia sẻ hình ảnh cùng đoạn clip ghi lại cảnh một nhân viên y tế ngất xỉu vì kiệt sức khiến nhiều người không khỏi xót xa. Người ngất xỉu là Phạm Trung Anh (20 tuổi, sinh viên năm 2, Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương). Thời điểm hiện tại, tình hình sức khỏe của Trung Anh đã ổn định và có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trong công cuộc “chi viện” Bắc Giang chống dịch Covid-19.

Sáng 3.6: Thêm 57 ca Covid-19, Việt Nam ghi nhận 7.870 bệnh nhân

Chia sẻ với Thanh Niên, Trung Anh cho biết “sự cố” diễn ra sáng 26.5, điểm tập trung nhiều F1, F0 nên đoàn phải mặc quần áo bảo hộ từ chỗ ở, nắng nóng khiến cơ thể dễ bị mất sức. “Bắt đầu công việc mình chạy khá nhiều, khá mệt và làm việc dưới mái tôn nắng nóng, chưa kịp bổ sung nước nên cơ thể nóng bừng, mồ hôi ướt đẫm. Để đảm bảo an toàn mình không dám kéo khẩu trang xuống uống nước nên mất sức, dần ngất lịm đi. Sau tỉnh dậy mới biết đã được mọi người đưa về nghỉ ngơi, lấy lại sức”, Trung Anh kể.
Trước đó, Trung Anh cũng từng tham gia công tác chống dịch ở Hải Dương nhưng chưa bao giờ có cảm giác mệt đến mức ngất xỉu như vậy. Sau khi tỉnh dậy, thấy hình ảnh của mình trên mạng xã hội, Trung Anh nhận được nhiều lời hỏi thăm, động viên từ gia đình, người thân và bạn bè. Đó cũng là niềm động viên tinh thần to lớn giúp cậu vượt qua khó khăn, tiếp tục các nhiệm vụ được giao. Dẫu nắng nóng nhưng các nhân viên tuyến đầu ai nấy vẫn giữ nhiệt huyết, để hoàn thành nhiệm vụ mong Bắc Giang, Bắc Ninh và cả nước sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.