Xóm đạo lâu đời Sài Gòn: Chung tay thắp sáng Giáng sinh 'năm Covid'

19/12/2020 11:30 GMT+7

Dù quy mô trang trí Giáng sinh không lớn như những năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng người dân ở xóm đạo trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM) vẫn cố gắng trong khả năng để giữ gìn truyền thống.

Giáng sinh sắp đến, các xóm đạo lại nhộn nhịp trang trí. Người dân ở một trong những xóm đạo lâu đời nhất ở TP.HCM - khu đường Phạm Thế Hiển mỗi người góp một tay để có một mùa Giáng sinh ấm cúng "năm Covid".

“Độ hoành tráng” giảm so với năm trước

Những người dân ở xóm đạo chia sẻ, so với năm 2019 và những năm trước, “độ hoành tráng” của những hang đá, lồng đèn "năm Covid" 2020 thua hẳn. Việc trang trí cũng chủ yếu là những người lớn tuổi làm vì người trẻ đa số bận công việc, chỉ phụ những lúc rảnh rỗi.
Ông Lê Nguyên Tuyên (70 tuổi) từ khi về hưu bắt đầu làm thêm các mặt hàng trang trí Giáng sinh và bán khá đắt khách. Năm nay dịch Covid-19 khiến kinh tế bị ảnh hưởng nên ông bán không được nhiều, mặt hàng ông bán chủ yếu là đèn ngôi sao do ông tự tay làm “Cứ đến Giáng sinh là tôi tự làm đèn, năm nào cũng bán được mấy chục cái đèn trang trí. Năm nay làm có hơn chục cái mà bán không hết”, ông nói.

Tình hình dịch bệnh khiến tài chính có khó khăn hơn nhưng những người dân ở xóm đạo vẫn chung tay trang trí nhà cửa, đường phố

Cao An Biên 

Ông Tuyên kể lại, người dân tại xóm đạo chủ yếu là quê ở Ninh Bình vào Nam năm 1954 rồi sống gần nhau đến giờ. Ông Tuyên là một trong những cư dân đầu tiên của xóm đạo này.
“Ngày trước xóm đạo này nghèo lắm, vào đây với 2 bàn tay trắng làm thuê làm mướn, đâu có điều kiện tổ chức Giáng sinh. 5 năm trở lại đây, đời sống ổn định hơn nên chúng tôi mới bắt đầu tổ chức lớn như nhiều năm nay. Năm nay kinh tế khó khăn, có bao nhiêu làm bấy nhiêu chứ không dám làm hoành tráng”, ông nói.

Nhiều hang đá bắt đầu được dựng khung lên

Cao An Biên

Một hang đá đã được hoàn thiện

Cao An Biên

Cũng bán đồ trang trí Giáng sinh ở xóm đạo, chị Đinh Lưu Thủy Tiên (30 tuổi) cho biết đến giữa tháng 10 chị đã bắt đầu bán đồ trang trí, tháng 11 là đầy đủ hết các loại. Chị tâm sự ông bà chị từ khi vào Nam vẫn duy trì truyền thống trang trí mừng Giáng sinh. Hằng năm, đầu mùa Giáng sinh khách đã tấp nập đến mua đồ trang trí nhưng năm nay chị bán khá chậm.
“Thời điểm này đã gần Giáng sinh thì việc buôn bán có cải thiện, dù ai cũng gặp khó khăn nhưng vẫn có khách đến mua, không ít thì nhiều một cái đèn về để trang trí. Có điều kiện thì mua món trang trí lớn, không thì mua nhỏ hơn để có không khí giáng sinh”, chị nói.

"Sẽ cố gắng giữ gìn truyền thống"

Hầu hết các hang đá được người dân tại xóm đạo làm thủ công, trước Giáng sinh 2 tuần đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị làm.
Thay vì tự trang trí riêng, nhiều nhà ở xóm gộp lại thành một nhóm rồi cùng nhau làm. Nhà nào buôn bán thì hạn chế trang trí còn nhà nào không buôn bán thì trang trí nhiều hơn, mỗi ngày làm thêm một tí. Để tiết kiệm chi phí, người dân thường tận dụng thêm đồ của năm ngoái, chỉ có dây điện là mới, còn gỗ, bạt là xài lại. Chi phí cho một hang đá khoảng từ 20 - 30 triệu đồng.
Ông Vũ Đình Hiến (61 tuổi) kể lại trước năm 2000, người dân tại xóm đạo chỉ trang trí Giáng sinh trong nhà thờ. Sau đó, mới bắt đầu làm ở ngoài, trang trí xung quanh nhưng quy mô nhỏ.
“Trong xóm cứ ai rảnh là phụ nhau. Làm một cái hang đá phải tốn 3 ngày, trang trí thêm cũng phải 4, 5 năm ngày mới xong. Năm nào cũng làm nên cũng quen tay. Mỗi năm cố gắng làm mới. Hang đá tôi đang làm có kích thước vừa, tôi mới làm từ sáng nay, có lẽ vài ngày nữa mới hoàn thiện. Sau giáng sinh, chúng tôi vẫn để lại đến hết tết dương lịch mới tháo xuống”, ông nói.
Ảnh: Cao An Biên
Người Sài Gòn đến check-in tại xóm đạo
Ảnh: Cao An Biên
Cặm cụi gắn đèn, ông Nguyễn Văn Đông (54 tuổi) hào hứng khoe sáng kiến của mình. Ông cho biết sẽ làm một ông già Noel sau đó cho ông đeo khẩu trang và ghi dòng chữ “vì cộng đồng, chúng ta nên đeo khẩu trang” lên đó để mong mọi người đoàn kết vượt qua dịch Covid-19.
“Dịch bệnh nên thu nhập giảm, nhiều người thất nghiệp nhưng vẫn cố gắng làm vì đây là truyền thống. Từ những năm 2000 - 2001, chỗ chúng tôi là một trong những khu vực đầu tiên ở TP.HCM trang trí Giáng sinh hoành tráng, sau đó lan tỏa khắp nơi. Đây cũng là ngày ý nghĩa với chúng tôi. Chúng tôi cầu mong cho dịch bệnh sớm qua, cho đất nước thanh bình và ai ai cũng có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc”, ông Đông bày tỏ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.