Xin rau Đà Lạt tặng vùng dịch Covid-19 TP.HCM

29/07/2021 10:01 GMT+7

Có hai người đàn ông, một là thầy giáo, người còn lại làm ở một doanh nghiệp. Hơn một tháng qua họ đến các nhà vườn ở Đà Lạt xin rau, kết nối nhiều người cùng thu hoạch gửi hàng chục tấn rau về giúp vùng dịch TP.HCM.

Luôn nghĩ đến cảnh người dân thiếu rau

Thầy Nguyễn Văn Nguyên, giáo viên thể dục Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), cho biết do dịch bệnh Covid-19 nhiều vườn rau không bán được, nhà vườn cày bỏ làm phân xanh, trong khi người dân ở TP.HCM đang thiếu rau xanh, nên ông xin chủ vườn và huy động người nhà, bạn bè cùng thu hoạch để gửi về TP.HCM.
Thầy Nguyên kể, những ngày đầu chỉ có ông cùng cậu con trai mới thi tốt nghiệp THPT xong và cô con gái sắp bước vào lớp 10 đi thu hoạch rau; sau đó kết nối thêm các đồng nghiệp cùng chung tay. Thầy Nguyên lập nhóm “Team thiện nguyện Nguyễn Trãi”. Từ đó, có thêm hơn 20 thầy cô Trường tiểu học Nguyễn Trãi và một số giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Trường tiểu học Đa Thành, Tiểu học Trưng Vương... cùng tham gia thu hoạch rau mỗi ngày. Rau thu hoạch được thầy Nguyên gửi về giúp các khu dân cư bị cách ly ở TP.HCM. Việc làm của nhóm thầy Nguyên lan tỏa trong ngành giáo dục TP.Đà Lạt, đến ngày 28.7 có gần 80 giáo viên ở Đà Lạt đăng ký tham gia.
Tương tự, ông Nguyễn Quý Quỳnh, chuyên viên đào tạo nhân sự của Tập đoàn Phương Trang (Tập đoàn Futa) xót xa khi thấy những vườn rau mơn mởn chuẩn bị biến thành phân xanh, ông xin chủ vườn để lại và kêu gọi vợ con cùng một số người thân đi thu hoạch rau. Tiếp đó, ông kêu gọi các cán bộ, nhân viên Công ty Phương Trang Đà Lạt, một số chị em ở sân Golf Đà Lạt cùng đi thu hoạch rau. Ông Nguyên đề xuất Tập đoàn Futa vận chuyển rau miễn phí về TP.HCM phân phát cho bếp ăn của các bệnh viện, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, siêu thị 0 đồng...
Chuyện tử tế: Xin rau tặng vùng dịch1

Thầy Nguyên - người khởi xướng việc thu hoạch rau

Chung tay kết nối yêu thương

Thầy cô giáo Đà Lạt đi thu hoạch rau gửi TP.HCM: mong thành phố nhanh vượt qua đại dịch

Ban đầu nhóm của thầy Nguyên và nhóm của ông Quỳnh làm riêng biệt, nhưng sau đó qua mạng xã hội họ kết nối thành “Nhóm thiện nguyện 1256 Đà Lạt” để thông tin địa chỉ vườn rau sắp thu hoạch, loại gì, bao nhiêu tấn, cần mua bao nhiêu bao, mang theo phương tiện gì, cần bao nhiêu người thu hoạch... “Ngày cao điểm có hơn 40 người tham gia, chúng tôi thu hoạch được trên 6 tấn rau, công việc rất mệt nhưng mọi người rất vui và tích cực khi chung tay làm việc thiện”, ông Quỳnh chia sẻ.
Việc làm của ông Quỳnh được Tập đoàn Futa ghi nhận và hỗ trợ. Cụ thể, có những chủ vườn muốn thu hồi vốn đầu tư, ông Quỳnh đề xuất Tập đoàn Futa hỗ trợ tài chính. Ngoài việc thu gom rau tần ô, cua rôn, bắp cải... nhà vườn cho, ngày nào ông Quỳnh cũng được tập đoàn giao mua thêm từ 9 - 13 tấn rau củ quả các loại như cà rốt, khoai tây, bắp sú, gừng, tỏi và củ cải, cần tây cho đầy chuyến xe 15 - 17 tấn. Số hàng này được đưa về kho của tập đoàn ở TP.HCM để phân phối cho những bếp ăn từ thiện phục vụ y bác sĩ và bệnh nhân, những nơi bị phong tỏa, siêu thị 0 đồng...
Thầy Nguyên cho biết thêm, mỗi sáng từ 7 giờ các thầy cô giáo và tình nguyện viên tập trung để đến các vườn rau. Có hôm trời mưa phùn nhưng họ vẫn chở nhau bằng xe máy vào khu vực sân bay Cam Ly, đường vòng Lâm Viên hoặc vào khu Đất Mới, thôn Măng Lin, Lạc Dương xa trung tâm Đà Lạt trên 15 km để thu hoạch rau. Sáng qua 28.7, có gần 100 thầy cô giáo các trường học trong TP.Đà Lạt cùng tham gia.
Sau 1 tuần tham gia thu hoạch rau, cô Tô Thị Hoài (giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trãi) chia sẻ: “Người dân TP.HCM đang vất vả chống dịch và thiếu thốn thực phẩm, nên tôi muốn làm việc gì đó dù nhỏ để hỗ trợ và mong người dân vượt qua được dịch bệnh Covid-19”.
Thầy giáo Phan Huỳnh (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du) cho biết thu hoạch và vác rau từ thung lũng lên mặt đường rất mệt, nhưng cũng rất vui khi nghĩ rau được chuyển đến người dân ở TP.HCM đang thiếu thốn. Còn cô Hảo (một tình nguyện viên) có hơn 10 ngày liên tiếp đi thu hoạch rau, bày tỏ: “Có ngày đi thu hoạch rau giữa trời mưa nhưng tôi thấy vui vì mình không có của thì góp công giúp Sài Gòn chống dịch, chỉ mong Sài Gòn mau hết dịch bệnh Covid-19 là mừng”.
Từ việc làm của 2 người đàn ông nói trên, đến nay có trên 100 người tình nguyện chung tay kết nối tình yêu thương, góp chút công sức của mình hướng đến đồng bào thân yêu ở tâm dịch TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.