Xe buýt ký sự - Kỳ 2: Trên những chuyến xe

02/11/2017 09:22 GMT+7

Bà già khó chịu, ông già chịu chơi, cô gái “ở dơ”, thanh niên bựa, dân móc túi… Trên những chuyến xe buýt là cả một xã hội thu nhỏ với đầy đủ những cung bậc cảm xúc.

Vé xe buýt giá 6.000 đồng/lượt. Học sinh, sinh viên mua vé giá 2.000 đồng/lượt. Người tàn tật, trẻ em, người trên 70 tuổi... được miễn vé. Giá vé bình dân nên khách đi xe buýt có đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi.
Hỉ nộ ái ố
Làm tiếp viên (TV) xe buýt gặp đủ dạng người. Bữa thì gặp bà cụ gần 80 tuổi luôn miệng chửi đổng, quát tháo suốt chuyến xe, hôm thì gặp ông chú sồn sồn cứ liên tục hát mãi một câu: “Anh sẽ vì em làm... cha thằng bé!” làm mấy cô gái đứng quanh cười nghiêng ngả. Hôm trước, một cô khách sinh viên vô tình cởi vớ, một mùi hôi chua nồng nặc nhanh chóng tỏa ra “khủng bố” mọi người. Xe chật kín nên “không ai chạy thoát”, ngồi nín thở chịu trận. Tôi đứng gần cuối xe cũng không thoát khỏi “kiếp nạn”.
“Mày cũng thấy rồi đó! Nhiều khách trời ơi lắm. Có lúc chưa tới trạm dừng mà họ đập cửa ầm ầm đòi xuống vì nhà ở chỗ đó. Có khi gặp người ôm điện thoại nói chuyện om sòm… nhiều lúc TV và tài xế (TX) muốn điên luôn, không kiềm chế được dẫn đến cự cãi”, TX Hiển (chạy tuyến số 18) trải lòng.
Có lần xe rước cụ ông 76 tuổi trước Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh), khi được tôi hướng dẫn nhiệt tình về việc chỉ cần xuất trình CMND là khỏi phải mua vé, ông cụ cười vui đáo để. “Lần đầu tui được đi xe buýt miễn phí đó, mấy lần trước không có nghe TV hỏi nên đâu biết. Nhớ mặt già này nghen, bữa nào tui rủ... đi nhậu”, ông cụ nói.
Xe buýt ký sự - Kỳ 2: Trên những chuyến xe1
Nhiều người lớn tuổi cũng chọn xe buýt làm phương tiện đi lại
Bữa nọ, xe tới đường Tô Ký (P.Tân Chánh Hiệp, Q.12), một bà cụ dáng liêu xiêu, tay giữ chặt mớ rổ nhựa đang đội trên đầu, tay còn lại dắt đứa nhỏ da đen nhẻm đợi xe. TX bật xi nhan tấp vào, hai bà cháu vội vã leo lên.
Xe lăn bánh, bà kể cha mẹ thằng nhỏ đã chết, để lại nó và 2 đứa em sống lây lất. Sáng bà lội ruộng hái rau muống đi bán, dẫn theo thằng nhóc, giờ đón xe về. Nghe chuyện hai bà cháu, trên xe ai nấy chợt lặng thinh. TX Lê Thành Tân (32 tuổi, quê Vĩnh Long) đang ôm vô lăng quay sang dặn thằng nhỏ: “Ít bữa con đừng có đi chơi, đua đòi theo đám bạn, phải biết nghe lời và phụ giúp bà, đặng có tiền mua gạo nhé”.
Xe tới ngã ba Đông Quan (Q.12) khi nào chẳng hay, hai bà cháu nhanh chân bước xuống. Bóng dáng lầm lũi của một người già, một đứa trẻ khuất dần lại phía sau...

Tụi nó ăn mặc bảnh bao, đeo cặp táp, mang giày xịn lắm, thường kẹp chiếc áo khoác ngang khuỷu tay để che mắt người xung quanh

Một tiếp viên nói về kinh nghiệm nhận diện dân móc túi trên xe buýt

Bắt móc túi
Những chuyến xe có lượng khách đông cũng là điểm hành nghề “yêu thích” của giới móc túi.
Xe buýt số 150 (chạy tuyến Bến xe Chợ Lớn - ngã ba Tân Vạn, tỉnh Bình Dương) là một trong những tuyến như vậy.
Một ngày đầu tháng 10, tôi theo TV “sư phụ” Phan Thị Lĩnh (31 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TV tuyến số 150). Tuy là phụ nữ, lại nhỏ con nhưng chị đã từng bắt những gã đàn ông móc túi, cuỗm điện thoại của khách. Chị cho biết, khu vực ngã tư Vũng Tàu (tỉnh Đồng Nai) và khu du lịch Suối Tiên (Q.9, TP.HCM) là nơi thường xuyên xuất hiện nhóm móc túi. Chúng thường tập trung “ăn hàng” vào giờ cao điểm 5 - 8 giờ sáng và 4 - 5 giờ chiều.
“Bữa đó xe đến Suối Tiên khoảng 5 giờ sáng, khách dưới quê đi khám bệnh nên đông lắm. Thấy một thằng cứ chen lấn, xô đẩy nên tui để ý. Vừa lên cửa hắn thò tay rút chiếc điện thoại cảm ứng trong túi quần của khách. Tui thấy nên la lên kêu hắn trả lại. Hắn trừng mắt cãi. Lục túi không thấy, bất chợt tui chỉ gần mông hắn, chiếc điện thoại được giấu ngay… chỗ hiểm. Thế là hết chối cãi”, chị Lĩnh kể.
Cũng từng bắt đối tượng “khoắng” tài sản của khách, ông Hòa (47 tuổi, TV tuyến số 33) nhớ rành mạch: “Hôm đó tui đứng ngay cửa xe, thấy rõ tên trộm móc điện thoại của cô gái, chiếc điện thoại to và xịn lắm. Thế là tui giật qua giật lại với nó mấy vòng mới lấy lại được”. Nó bảo “anh làm ơn cho em xin chứ em đói quá”. Ông Hòa chửi: “Đói là mày lên xe móc túi người ta hả?”. Gã móc túi nhảy xuống xe, chỉ trỏ ông Hòa vừa chửi vừa đe dọa.
Xe buýt ký sự - Kỳ 2: Trên những chuyến xe2
Khách trên xe buýt đông đúc, nhiều khách phải đứng chen chúc nhau Ảnh: Trác Rin - Ngọc Dương
Trong giới TV xe buýt, không ai không biết Nguyễn Thành Đạt (21 tuổi, TV tuyến số 150) vì sự gan lì, không khoan nhượng với đám móc túi.
Chiều 4.10, tôi có những chuyến xe cùng Đạt để học nghề. Anh cho biết: “Ăn thua là do khả năng của mình thôi. Thấy đám móc túi là tui nhận diện ra liền. Tui từng bắt quả tang tụi nó mấy lần rồi. Thấy tụi nó từ xa mình phải nhắc nhở liền “hành khách cẩn thận coi chừng bị móc túi”. Chứ TX lo chạy xe, còn TV lo kiểm soát, xé vé đâu thể canh mấy tên móc túi cho khách được”.
Ông N.V.P (52 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp), TX xe buýt số 33 (tuyến Bến xe An Sương - Suối Tiên - ĐH Quốc gia), cho biết bọn móc túi thường đi “ăn hàng” vào thứ hai, thứ bảy và chủ nhật. Nạn nhân chủ yếu là sinh viên và người dân ở tỉnh lên TP khám bệnh. “Tụi nó thường đi 3, 4 người, đứa đứng đầu trên, đứa đầu dưới nên mình phản ứng này nọ cũng dễ bị trả thù lắm. Với kinh nghiệm gần 10 năm chạy xe buýt, tôi thấy các tuyến xe buýt số 19; 33; 150; 601... thường xuyên xuất hiện nhóm móc túi nhất”, ông chia sẻ.
Một TV khác bật mí thêm kinh nghiệm nhận diện dân móc túi: “Tụi nó ăn mặc bảnh bao, đeo cặp táp, mang giày xịn lắm, thường kẹp chiếc áo khoác ngang khuỷu tay để che mắt người xung quanh”. (Còn tiếp
Tiếp viên tán gái
Ngoài nguy cơ bị “yêu râu xanh” quấy rối, các khách nữ còn bị chính TV xe buýt gạ gẫm. Tiếp xúc với nhiều TX và TV trẻ tuổi khác nhau, tôi đều được họ dạy cho cách... tán gái.
Thường TV sẽ chỉ định những cô gái xinh xắn ngồi sau xe để dễ tiếp cận. Cô SV nào bịt khẩu trang sẽ được TV cảnh báo “gỡ khẩu trang để đối chứng với thẻ SV”. Sau đó là cơ hội để thể hiện sự ga lăng và ngón nghề của TV với đối tượng mình đã “chấm điểm”.
Trong số những TV tôi theo học nghề, tán gái không biết mệt mỏi và liều nhất phải kể đến P. (30 tuổi, ngụ H.Hóc Môn). Khi xác định được đối tượng, P. luôn gọi các cô gái lên xe bằng cái tên thân mật: “Người ấy”. Cứ thế, trên xe liên tục vang vọng: Người ấy ngồi đây nè, có ông nào nhường ghế cho người ấy hông? Người ấy bao nhiêu tuổi rồi?...
“Mày cứ ga lăng, thấy gái đẹp là cho quá giang hết, có ai kiểm tra thì bảo đó là... vợ, là em kết nghĩa... cứ chơi tất”, TX V. (32 tuổi, ngụ Q.12) cười ha hả rồi chỉ một chiêu khác an toàn hơn: “Tao nói chơi, chứ muốn không xé vé em nào cứ tự nhiên. Xong phải xin số điện thoại và hẹn em ấy bữa sau nhớ đi tuyến này. Dặn nó ai lên hỏi thì nói mua vé rồi nhưng vứt mất tiêu, thế là huề cả làng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.