Xe bánh mì 30 năm trong hẻm Sài Gòn ăn ‘bao ngon’ của bà cụ 72 tuổi

12/06/2019 12:32 GMT+7

Ổ bánh mì đầy ắp nhân và nụ cười của bà Hai khiến ai từng ghé quán cũng đều nhớ. Có những khách quen ăn bánh mì hơn chục năm, cũng có những người lần đầu đến chia sẻ phần nào gánh nặng cuộc sống của bà.

Trong cơn mưa rả rích buổi chiều muộn, bà Hai và cô con gái tất bật dọn xe bánh mì ra vì đã có hai vị khách đứng chờ sẵn, rồi bà sực nhớ tới hũ pate và bơ lạt ở nhà nên đành kêu con gái chạy xe về lấy còn bà ở lại dọn nốt xe hàng.

Vừa để hũ pate lên xe, bà Hai quay lại xin lỗi rồi vội vàng làm bánh mì vì sợ khách đứng chờ lâu dưới mưa. Khoảng hơn 7 giờ tối, xe bánh mì của bà Hai mới chính thức sáng đèn. Nghe tôi thắc mắc sao hôm nay bán trễ, bà cười nói: “Già cả rồi con ơi, với bà Hai bị đau chân, các con thông cảm”.

 

Bánh mì ‘bao ngon’, người bán ‘bao dễ thương’

Bà Hai tên thật là Đinh Thị Nguyệt (72 tuổi) nhưng người trong xóm và khách quen thường gọi thân mật là bà Hai. Suốt hơn 30 năm qua, xe bánh mì của bà vẫn sáng đèn trước số nhà 494 Lê Văn Sung, quận 6, TP.HCM.

Cũng như bao tiệm bánh mì khác ở Sài Gòn, bánh mì của bà Hai bán có đầy đủ các nguyên liệu từ thịt, chả, pate, không thể thiếu đồ chua và rau ăn kèm cho đỡ ngán. Nhưng nét đặc biệt tạo nên độ ngon đậm đà cho bánh mì của bà Hai khiến nhiều thực khách thương nhớ là món nước sốt và nước chấm đặc biệt.

Anh Lai Tấn Lợi (ngụ quận 6, TP.HCM, khách quen của bà Hai hơn chục năm) chia sẻ: “Tôi ăn bánh mì của bà từ những ngày còn bé, giờ lấy vợ, hai vợ chồng tối tối lại ra mua bánh mì ủng hộ bà. Quan trọng là bánh mì ngon, đặc biệt là nước mắm Hai làm đậm đà ăn từ bé đến giờ không ngán luôn”.

Ổ bánh mì của bà Hai đầy ắp các nguyên liệu từ thịt, chả, pate, đồ chua..

Hỏi về bí quyết làm nước mắm, bà Hai cười lớn: “Có bí quyết gì đâu con, thịt mình nấu xong vớt ra còn nước thịt thì nêm nếm thêm các gia vị vừa ăn làm nước sốt. Hai chỉ làm như lúc ăn cơm ở nhà thôi, được cái là khi chan, nước mắm kết hợp cùng các nguyên liệu khác hợp nên làm bánh ngon hơn”. Bà Hai cũng nhấn mạnh là nước mắm chan bánh mì phải đặc hơn nước chấm bình thường.

Đúng như lời bà Hai nói, bánh mì có được sự hòa quyện của các nguyên liệu. Nếu thịt xá xíu mang lại vị béo ngậy, bì mang lại độ dai, sần sật thì rau, dưa và đồ chua mang đến vị thơm và giúp bánh mì không ngán. Nước sốt và nước mắm giúp gắn kết các các nguyên liệu và bổ sung sự đậm đà cho bánh. Mỗi ổ bánh mì có giá 12 ngàn đồng nhưng bà Hai luôn hào sảng gắp đầy các nguyên liệu rồi thêm nước sốt, đảm bảo ăn một ổ là no.

Khách đến mua bánh của bà Hai một phần vì bánh ngon, ăn no bụng một phần vì cảm mến người phụ nữ ấy. Ai đến mua, điều đầu tiên bà làm là nở nụ cười chào họ. Không phải khách nào cũng ăn đầy đủ nguyên liệu mà bà Hai có, người thì thích bì, người thì không. Bà làm bánh cho ai cũng nhớ hỏi cái người ta không thích, tới khi làm tránh bỏ vô.

Dù tuổi đã cao, lưng đã còng nhưng bà Hai vẫn cần mẫn bán hàng bất kể nắng mưa

Vì tính tình hiền lành lại vất vả nên bà Hai được những người tiểu thương bên cạnh thương và giúp đỡ. Người thì cho chỗ bán, người thì cho điện dùng miễn phí, đến chiếc xe đẩy bánh mì cũng là tiền người ta cho bà Hai mua. Nó đã theo bà Hai hơn 30 năm, cũ kỹ, hỏng hóc nhưng bà Hai cũng không muốn bỏ, phần nhiều là vì muốn giữ kỉ niệm với những người đã giúp mình.

Anh Bạch Nguyễn Vân Bằng (ngụ Q. Bình Thạnh) đã biết câu chuyện của bà từ lâu nhưng hôm nay mới tiện đường ghé mua bánh mì ủng hộ. “Thấy bà cũng bằng tuổi bà mình mà còn vất vả, nghĩ mà thương!”, anh Bằng chia sẻ.

Xe bánh mì 30 năm nuôi con

Ông Trần Văn Thành (50 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) cho biết: “Bả bán lâu lắm rồi, từ hồi tôi còn trẻ mà giờ tôi đã 50 tuổi rồi, mấy đứa con của bả cũng lớn hết. Xưa bả toàn đẩy xe đi bộ qua đây bán đó, giờ bả mới bị đau chân nghỉ bán một thời gian, giờ bán lại thì có con gái chở ra chứ bả đi hết nổi, đứng bán từ giờ tới khuya mới chịu về”.

 

Bà Hai chia sẻ, những ngày đầu bán bánh mì, bà chỉ có một đôi quang gánh. Đến khi đứa con gái được 5, 6 tuổi, bà mới được người ta cho tiền mua chiếc xe được đẩy như bây giờ. Bà tâm sự, kết hôn và sinh được 3 người con, chẳng may chồng mất, đứa con trai cả cũng mất, một mình bà tần tảo sớm hôm lo cho hai đứa còn lại trưởng thành.

 

“Hồi đó ông mất, có mình tôi vừa phải đi bán vừa trông 3 đứa nhỏ, nhà không có người trông nên cho tụi nó ngồi lên xe đẩy đi bán luôn”, bà Hai nhớ lại.

Thời gian thấm thoát qua đi, con gái bà giờ đã lấy chồng được 10 năm, còn bà cũng đã đến cái tuổi gần đất xa trời. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng bà Hai là trụ cột trong nhà. Sống cùng hai người con trong căn nhà chưa đầy 2m bề ngang, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày đều một tay bà Hai cáng đáng. Con trai bà làm công nhân, đứa con gái út đã lập gia đình được 10 năm nhưng không có con nên về phụ với bà làm bánh mì: “Bà Hai nuôi nó, nó phụ bà Hai. Hai mẹ con cực khổ thì nương nhau thôi”, bà tâm sự. 

Ở cái tuổi đáng lí ra phải được an nhàn, quây quần cùng con cháu thì bà Hai ngồi hàng đêm bên chiếc xe đẩy cũ kĩ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, bà Hai vẫn cố gắng làm lụng, chắt chiu cho cuộc sống của mình và hai con. Bà từng tâm sự nhiều khi ngồi bán một mình mà khóc hoài. Nhưng những giọt nước mắt ấy, bà chỉ để cho mình, còn nụ cười bà dành cho những yêu mến bánh mì bà Hai. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.