Vượt 2.000 km mang heo quay mắc mật vào Sài Gòn lập nghiệp, dự tính mua nhà

10/02/2019 09:26 GMT+7

Heo quay Lạng Sơn được quay trên lò than nóng trong 2 giờ nên lớp da vàng ruộm, thơm lừng. Đặc biệt bên trong bụng heo có nhét lá mắc mật tạo nên hương vị không đụng hàng của heo quay Lạng Sơn.

Anh Vi Văn Thành (31 tuổi, quê Lạng Sơn) đã vượt gần 2.000 km đưa heo quay mắc mật Lạng Sơn vào Sài Gòn. Nhờ vậy, mà kinh tế gia đình khá giả hơn. Anh dự định trên đà phát triển này thì sẽ mua được nhà Sài Gòn.

Nghề gia truyền 3 đời


Anh Thành cho biết, từ lúc sinh ra anh đã thấy ông nội làm heo quay để bán. Lại là ở vùng đất Lạng Sơn nên đi ra đường là ai cũng có thể thấy ngay các quầy bán heo quay. Đây là món ăn quen thuộc, cũng là đặc sản của người dân xứ Lạng, đám giỗ hay đám cưới đều phải có món heo quay trên bàn tiệc.
Khi có gia đình, với mong muốn kinh tế khá hơn để chăm lo vợ con, anh đã “đánh liều” mang nghề gia truyền vào Sài Gòn để mưu sinh. Ban đầu, được sự giúp đỡ của người bà con, anh thuê mặt bằng nhỏ ở đường Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân để mở cửa hàng. Gọi là cửa hàng vậy nhưng bên ngoài chỉ có một lò than và vài chiếc ghế để những người anh em cùng quê Lạng Sơn làm heo.
Anh Thành kể lại: “Tôi mang heo quay Lạng Sơn vào Sài Gòn vì ở đây có nhiều người, từ đó mọi người sẽ nhanh chóng biết đến đặc sản của quê tôi. Tôi vào trước một thời gian, tới khi ổn định rồi mới đón vợ con vào rồi mở thêm quán nữa. Tôi dự định sang năm có thể mở thêm 2 - 3 quán nữa. Với đà phát triển này thì khoảng 2 năm nữa tôi sẽ mua được nhà ở Sài Gòn”.
[VIDEO] Vượt gần 2.000km mang heo quay mắc mật Lạng Sơn vào Sài Gòn lập nghiệp

Heo quay Lạng Sơn có gì đặc biệt?

Theo anh Thành, heo quay Lạng Sơn không lạm dụng các gia vị ở ngoài nhiều mà chỉ dùng lá mắc mật, các loại hoa quả ở miền Bắc như: mắc khén, hạt dổi để thịt được giữ nguyên chất ngọt. Đặc biệt, các loại nguyên liệu này anh phải nhờ người vận chuyển bằng máy bay từ Lạng Sơn vào hằng tuần.
Sau khi làm sạch ruột, thợ sẽ nhét lá mắc mật, mắc khén, trái dổi vào rồi khâu bụng heo lại Vũ Phượng

Quán của anh Thành mở cửa từ khoảng 2 giờ chiều nhưng từ sáng anh đã phải tất bật các công đoạn chuẩn bị. Đầu tiên, buổi sáng anh đi đến lò mổ để tự mình lựa con heo không nạc quá cũng không mỡ quá. Sau khi lò heo mổ xong, anh mang heo về, anh lấy nội tạng heo ra rửa sạch, sau đó tẩm ướp gia vị, lá mắc mật, quả dổi, mắc khén vào bụng heo rồi khâu lại.
“Để da heo vàng ruộm, trước khi quay tôi pha mật ong với giấm rồi quết đều lên lớp da của heo. Lò quay phải đủ nóng và đều lửa thì tôi mới để heo lên quay. Trong quá trình quay, sẽ có một hoặc hai người thấy da heo phồng chỗ nào thì chọc kim để xì hơi, đồng thời quết dầu ăn đều tay cho heo khỏi bị cháy”, anh Thành tiết lộ.
Quay một con heo trung bình mất khoảng hơn 2 tiếng. Trung bình mỗi ngày, anh làm 2 con heo, có 2 quán nên quay tổng cộng là 4 con. Ngày lễ thì nhiều hơn, có ngày cả 2 quán bán đến chục con hoặc hơn.  
Sự khác biệt của heo quay mắc mật Lạng Sơn đó là da heo không phồng như heo quay của người Sài Gòn hay các tỉnh khác mà lớp da heo sẽ giòn và mượt hơn. Nhờ vậy mà nước thịt và xương heo được giữ nguyên trong bụng heo, hòa với các loại gia vị cho vào ban đầu cho ra một loại nước chấm đúng chuẩn “ngon từ thịt, ngọt từ xương” mà lại thơm khó cưỡng mùi của lá mắc mật, mắc khén.
Heo quay Lạng Sơn cũng không quá nhiều mỡ mà chỉ có một lượng vừa đủ để tạo độ ngậy, thấm vị nhưng không bị ngán. Thịt heo vì được quay trên lò than 2 tiếng nên cũng vừa đủ độ mềm và thơm chứ không bị mềm rục hay quá dai.
Lá mắc mật được vận chuyển đường máy bay vào Sài Gòn Vũ Phượng

Anh Thành cũng cho biết, người Lạng Sơn hay ăn heo quay với dưa muối hoặc cải chua để ăn được nhiều mà không bị ngán. Còn nước chấm là nước ở trong bụng của con heo khi quay, đây cũng chính là điều làm heo quay Lạng Sơn không đụng hàng với heo quay ở những vùng đất khác.
Heo quay của anh Thành bán ký theo từng bộ phận. Thịt đầu bán 150.000/kg, 4 chân bán 180.000 đồng/kg, sườn 250.000 đồng/kg, đùi 220.000 đồng/kg.

Từng nghĩ đến việc ‘tạo nghiệp’

Với kinh nghiệm gia truyền 3 đời, anh Thành chia sẻ: “Con heo mỗi phần ngon một kiểu, có khách thích ăn nguyên con có khách thích ăn miếng. Khi quay nguyên con thì thịt heo mềm hơn, quay miếng thì cũng có sự ngọt từ xương nhưng không bằng quay nguyên con. Con heo quay ngon nhất là ba rọi và sườn vì vừa có nạc, vừa có mỡ”.
Lò than phải đủ nóng và được đốt 30 phút trước khi quay heo Vũ Phượng
Anh cũng tâm sự, anh cũng nhiều lần nghĩ về việc sát sinh, tạo nghiệp khi theo nghề này. “Nhưng mình không đụng vào mổ miếc gì cả, do công đoạn này là của lò mổ làm hết rồi, mình chỉ lấy heo về quay thôi. Mình cũng nghĩ đây là công việc mưu sinh, quay heo cũng như bán thịt thôi nên chắc không sao”.
Với bí quyết gia truyền của mình, dù mới mở cửa 2 năm ở Sài Gòn nhưng heo quay của anh Thành ngày nào cũng bán hết ngày đó, rất ít khi còn dư. Anh cho biết chỉ có ngày mưa gió to lắm mới còn lại vài ký thì anh chia đều cho anh em làm của quán để mang về nhà ăn. “Mình cũng may mắn khi ngày nào cũng bán hết, chắc nhờ những bí quyết của cha ông để lại”, anh cười nói.
Khi da heo chưa vàng, phải luôn có người canh chọt cây kim vào những vùng da phồng để da không bị rách Vũ Phượng
Suốt quá trình quay heo cũng luôn phải phết lớp dầu ăn để heo không bị cháy Vũ Phượng
Da của heo quay Lạng Sơn không phồng rộp mà giòn và mượt hơn  Vũ Phượng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.