Vườn quốc gia Tràm Chim đang 'chết ngộp'

Đình Tuyển
Đình Tuyển
20/07/2018 10:33 GMT+7

Là vùng đất ngập nước đặc thù của miền Tây nhưng Vườn quốc gia Tràm Chim, một trong 8 khu Ramsar của VN, đang “chết ngộp”bởi việc trữ nước quanh năm để “phòng cháy” rừng tràm.

Sếu đầu đỏ chỉ còn 11 con
Ngày 19.7, tại TP.Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học khu Ramsar Tràm Chim”.
Tại hội thảo, nhiều vấn đề hệ trọng của Tràm Chim đã được giới khoa học và chính những người đang làm công tác bảo tồn chia sẻ. Nan giải nhất là chuyện trữ nước ngập gần như quanh năm để “phòng cháy” rừng tràm đang khiến hệ sinh thái tại Tràm Chim đảo lộn. Quy luật một mùa khô và một mùa nước bị phá vỡ kéo theo “nhịp thở” của hệ sinh thái Tràm Chim bị xáo trộn. Cụ thể là sự thay đổi từ sinh thái đất ngập nước theo mùa, nước ra vào tự nhiên thành một môi trường sinh thái ao hồ... Hệ quả nhìn thấy được là những đồng cỏ năng, nhất là năng kim bị thu hẹp, suy thoái không thể tạo củ. Điều này khiến cho số lượng sếu đầu đỏ, vốn là biểu tượng của Tràm Chim về giảm tới mức báo động.
Ông Nguyễn Đức Tú, điều phối viên Chương trình nước và đất ngập nước của IUCN, cho biết: “Nếu như năm 1980 ghi nhận ở Tràm Chim có hơn 1.000 cá thể sếu đầu đỏ thì đến năm 2018 chỉ còn 11 cá thể”. Báo cáo của Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim cũng cho thấy sự "bế tắc" trong khâu quản lý, bảo tồn tại đây. Báo cáo nêu: "Khi hạ mực nước thấp, cá sẽ chết do độ pH thấp, cây mai dương phát triển, còn giữ mực nước cao, nguồn nước sẽ ô nhiễm chất hữu cơ, lục bình nở rộ; cây tràm không bị cháy nhưng lại đổ ngã và chết nhiều".
[VIDEO] Vườn quốc gia Tràm Chim “chết ngộp”, sếu đầu đỏ dần biến mất
Chủ động cho cháy rừng để bảo tồn
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái vùng Mê Kông, người từng gắn bó với VQG Tràm Chim khi vừa thành lập, cho rằng đang có một sự chồng chéo giữa các văn bản về luật bảo vệ rừng và luật bảo tồn đa dạng sinh học. Một vùng bảo tồn sinh thái đất ngập nước lại bị đưa vào hệ thống rừng đặc dụng thành ra được quản lý bởi luật Bảo vệ rừng. “Việc một vùng đất ngập nước rất đặc thù lại ở chung nhà với rừng đặc dụng là vô cùng kẹt cho công tác bảo tồn. Những người quản lý ở đây chỉ còn biết tìm mọi cách bảo vệ rừng tràm bởi cháy là bị kỷ luật. Nhưng việc sợ lửa này đang dẫn tới một hệ lụy lớn là Tràm Chim đang “chết ngộp”, ông Thiện nói. Chuyên gia này phân tích thêm: “Khi xảy ra cháy, người ta cứ nghĩ thế là chết hết, nhưng hoàn toàn sai lầm, bởi trên thế giới người ta công nhận lửa cũng là một phần của hệ sinh thái. Cháy sẽ làm mỏng lớp thực bì và thúc đẩy sự tái sinh tươi mới hơn”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Sở KH-CN Đồng Tháp, nguyên Giám đốc VQG Tràm Chim, nói: “Theo kinh nghiệm của tôi, cháy khủng khiếp thiêu rụi hết thì không tốt. Còn cháy vừa phải lại rất tốt. Cần phải đốt rừng chủ động, đốt da beo. Những sinh vật ở khu vực đang đốt có thể di chuyển sang vùng lân cận và chỉ sau đốt vài ngày, cỏ mới sẽ sinh sôi, chim, chuột, rắn rùa về rất nhiều”. Ông Hùng cũng đề xuất, UBND tỉnh cần có cơ chế đặc thù cho VQG Tràm Chim xây dựng quy chế để chủ động đốt cỏ, thực bì cũng như quản lý nước để hồi phục hệ sinh thái.
Còn TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, đề nghị bảo tồn đa dạng sinh học của Tràm Chim phải xác định cụ thể, đó là bảo tồn sinh cảnh, ưu tiên là đồng cỏ rồi mới tới rừng tràm, giữ nước ngập quanh năm có thể tránh được cháy rừng tràm nhưng đang làm những đồng cỏ suy thoái rõ rệt. “Hiện có hai nguyên nhân chính ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Tràm Chim đó là thay đổi hệ sinh thái và sự phát triển của các loài ngoại lai. Cụ thể là khi nước tù đọng, các loài ngoại lai như ốc bươu vàng, cá lau kiếng, lục bình phát triển tràn lan trong khi những đồng cỏ năng đặc thù nhất lại suy thoái và những loài quý hiếm như sếu đầu đỏ giảm nghiêm trọng thay bằng loài cò...”, TS Ni nói.
Trước thực trạng của Tràm Chim, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã yêu cầu VQG Tràm Chim cùng các sở ngành liên quan tiếp nhận những nội dung tại hội thảo, khẩn trương xây dựng một kế hoạch cụ thể tìm hướng điều chỉnh theo hướng hài hòa giữa nước và lửa. Bảo tồn thảm thực vật thế nào, giữ nước làm sao, cháy như thế nào cho phù hợp... để có sự hài hòa, cân bằng trong phát triển hệ sinh thái Tràm Chim.
Tràm Chim có diện tích tự nhiên 7.313 ha, nằm lọt thỏm giữa vùng đất trũng ngập nước Đồng Tháp Mười, thuộc địa phận H.Tam Nông (Đồng Tháp). Tràm Chim được biết đến là nơi cư trú loài chim sếu đầu đỏ nổi tiếng trên thế giới cùng nhiều loài chim quý hiếm như: ngan cánh trắng, cốc đế, giáng sen, bồ nông chân xám, già sói… Vùng đất ngập nước đặc thù của Tràm Chim cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài cá nằm trong Sách đỏ VN (năm 2007) như: cá còm, cá mang hổ, cá ngựa nam, cá duồng bay, cá ét mọi, cá hô...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.