Vùng đất ly hương: Bỏ quê vào Sài Gòn mưu sinh vì nắng hạn kéo dài

27/06/2019 13:13 GMT+7

"Gia đình tôi có 3 sào ruộng nhưng không có nước canh tác nên vợ cùng các con phải vào Sài Gòn bán hủ tiếu, làm công nhân. Nếu không có mẹ già thì tôi cũng vô luôn trong đó kiếm việc làm", ông Tiển bộc bạch.

Quay quắt trong nắng hạn

Xã Phổ Cường (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) vừa thực hiện điều tra dân số và nhà ở với số liệu chạnh lòng: 7.391 người rời quê (hơn 46% dân số) tìm kế mưu sinh với việc bán hủ tiếu, làm thuê, bán vé số... nơi đất khách.
Gà cất tiếng gáy báo hiệu bình minh, ông Nguyễn Tăng Tiển (ở thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường) thức dậy luộc thịt, nấu nước dùng... rồi mở cửa quán bán hủ tiếu. Những tia nắng đầu ngày hắt lên nền trời xa, ông đon đả chào mời, bê hủ tiếu đến tận bàn cho thực khách.
Đồng ruộng bỏ hoang vì không có nước tưới ẢNH: TRANG THY

Đồng ruộng bỏ hoang vì không có nước tưới

TRANG THY

Khi khách hàng cuối cùng rời quán, ông tất bật lau dọn và lo bữa sáng cho mẹ già thường xuyên đau yếu. Trưa nắng chói chang, ông tất tả gánh đôi thùng nhựa sang hàng xóm xin nước. Bệnh đau xương khớp hành hạ khiến cơ thể ông gầy còm, dáng đi khó nhọc, đôi thùng nhựa lắc lư theo nhịp bước. Đổ xong nước vào thùng chứa, ông đưa tay quệt mồ hôi trên gương mặt hằn sâu vết chân chim.
"Hơn tháng nay giếng cạn khô nên tôi phải sang hàng xóm xin từng gánh nước về dùng...", ông bộc bạch.
Những thửa ruộng chết khô vì giếng bơm cạn nước ẢNH: TRANG THY

Những thửa ruộng chết khô vì giếng bơm cạn nước

ẢNH: TRANG THY

Nhìn giếng nước sắp cạn trơ đáy, ông Trần Tình (Trưởng thôn Thủy Thạch) lắc đầu ngao ngán rồi buông tiếng thở dài. Chưa bao giờ ông chứng kiến cảnh khô hạn khốc liệt khiến làng quê quay quắt trong oi bức đến thế. Những cây hoa trước sân nhà héo rũ vì chắt chiu nước uống cho bò và dùng để sinh hoạt trong gia đình.
“Ở đây, nhiều người đứng trong thau nhôm múc từng ca nước tắm gội rồi tận dụng tưới cho rau xanh héo quắt vì nắng nóng, gợi nhớ cảnh cơ cực của người chiến sĩ nơi đảo xa”, ông Trần Tình… trần tình.
Các hồ chứa nước sắp khô cạn nên vụ này xã Phổ Cường khoanh vùng, giảm canh tác gần 250 ha ruộng lúa và 180 ha hoa màu so với trước. 452 ha ruộng lúa đang tỉa dặm và làm đòng (đứng cái) cùng 20 ha hoa màu đánh đu với thời tiết, nguy cơ chết khô nếu nắng nóng kéo dài. Âu lo hiện lên trong mắt bao người, là chủ đề chính những cuộc họp hay lúc trò chuyện hàng ngày. Nỗi muộn phiền âm ỉ trong lòng với hơn 400 hộ dân bỏ ruộng hoang, không thể cấy trồng vì hạn hán.
Ông Võ Cương, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Cường, than thở: "Nắng nóng đến nỗi chuối là cây thân nước mà cũng chết héo. Vài tuần nữa không có mưa thì lúa và hoa màu cũng chết khô. Cả tháng qua, hàng trăm hộ dân trong xã thiếu nước sinh hoạt vì giếng cạn trơ đáy...".

Ra đi chẳng đặng đừng

Những cánh đồng khô hạn phơi mình dưới nắng hạ chói chang. Xóm làng vắng vẻ. Bên hiên nhà, người già ngồi nhìn ra đầu ngõ với tiếng thở dài giữa trưa nắng. Trẻ thơ đôi mắt trong veo, ngơ ngác nhìn khách lạ, rụt rè: "Ba má cháu bán hủ tiếu ở Sài Gòn"...
Những người qua đêm giữa đồng canh chừng đàn vịt ẢNH: TRANG THY

Những người qua đêm giữa đồng canh chừng đàn vịt

ẢNH: TRANG THY

Thoạt trông, cuộc sống cư dân nơi đây khá nhàn nhã nhưng ngầm chứa bao nỗi muộn phiền. Trên 120 ha ruộng khô khốc, phơi mình dưới nắng chói chang với màu đất nâu nhạt não lòng. Những thửa ruộng lúa sạ sớm chết khô vì giếng bơm cạn nước, dập tắt niềm hy vọng mong manh của bao người nông dân chân lấm tay bùn. Nhiều gia đình dắt díu đến nơi khác mưu sinh, bỏ mặc ngôi nhà thân yêu hoang vắng cùng sương gió.
"Ruộng trong thôn chỉ sản xuất vụ đông - xuân, thu nhập chẳng đáng là bao. Vậy nên nhiều người vào Sài Gòn, ra Đà Nẵng bán hủ tiếu gõ hay làm thuê, ở nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Nếu bám trụ ở quê thì biết lấy gì mà sống?", ông Trần Tình tâm sự.
Dưa hấu không được thương lái thu mua nên phải bán ven đường ẢNH: TRANG THY

Dưa hấu không được thương lái thu mua nên phải bán ven đường

ẢNH: TRANG THY

Cả xe khoai mì bán được vài triệu đồng ẢNH: TRANG THY

Cả xe khoai mì bán được vài triệu đồng

ẢNH: TRANG THY

Căn nhà bà Trà Thị Cảm ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường rộn tiếng cười đùa của hai cháu nhỏ được cha mẹ gửi về thăm ông bà nội vào dịp hè. Cha mẹ cháu rong ruổi bên xe hủ tiếu gõ tận tỉnh Bình Dương, khi mọi người chìm trong giấc ngủ mới trở về phòng trọ. Cả ba người con trai còn lại của bà Cảm cũng đang nhọc nhằn mưu sinh nơi Sài Gòn hoa lệ.
"Nhà tôi có trên 1 mẫu ruộng nhưng không có nước đành bỏ hoang. Hơn 2 tháng trước chỉ trỉa được 1 sào đậu phộng mà giờ giếng bơm cạn khô nên sợ háp quá chừng. Do vậy mà tụi nó phải vô trong đó chứ ở quê biết lấy gì mà sống? Lo nhất là vài bữa nữa không có rơm cho bò ăn. Lúa hết thì mượn được chứ ai cho mượn rơm?", bà Cảm trăn trở.

Làng quê 'rỗng ruột'

Hơn hai tháng trước, chính quyền xã Phổ Cường hoàn thành việc điều tra dân số và nhà ở với số liệu chạnh lòng: 7.391 người rời quê (chiếm hơn 46% dân số) tìm kế mưu sinh với việc bán hủ tiếu gõ, làm thuê, bán vé số...  nơi đất khách. Số người tha hương tăng dần khi nắng hạn kéo dài. Trong đó, hầu hết là những người trong độ tuổi lao động, lao động chính của gia đình.
Làng quê bị "rỗng ruột" với nhiều căn nhà vắng chủ, cỏ dại mọc đầy vườn hoang. Khi có người qua đời, phải dăm ba xóm mới đủ người khỏe mạnh ghé vai khiêng quan tài ra nghĩa trang.
Ông Trần Nguyên Giang, Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, cho biết: "Nhiều người rời quê mưu sinh với việc bán vé số, làm thuê, nhưng phần lớn là bán hủ tiếu gõ. Nhờ đó, họ có điều kiện xây dựng nhà cửa, lo cho con em học hành. Nhưng có một số cháu thiếu sự dạy bảo vì qua mẹ đi làm ăn xa nên hư hỏng. Bên cạnh đó, do có nhiều người đi xa nên việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước gặp nhiều khó khăn...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.