Vui sống trong viện dưỡng lão

20/06/2017 09:12 GMT+7

Ngày càng nhiều bậc cao niên vào sống tại các trung tâm dưỡng lão để đảm bảo chất lượng cuộc sống tuổi già.

Cụ Phùng Kim Đính (92 tuổi, ngụ tại Q.Ba Đình, Hà Nội) có 3 người con nhưng chọn sống một mình, phần vì bản tính cụ thích tự do, phần vì con cái bận rộn, nhà lại ở xa. Cách đây hơn một năm, cụ Đính nghĩ đến việc vào trung tâm dưỡng lão nên đi tham quan nhiều nơi rồi quyết định vào sống trong một trung tâm ở ngoại thành Hà Nội.
“Lúc tôi đi con cái không biết. Sau chúng gọi điện, được tôi báo tin, vội vào thăm mẹ. Biết tính tôi đã quyết điều gì thì không thể thay đổi được, nên các con cũng chỉ trách yêu là sao không ở nhà để con cháu tiện bề chăm sóc. Tôi tính kỹ rồi, vào trung tâm tiện cho cả bản thân và con cái”, cụ Đính nói.
Theo cụ Đính, ở trung tâm, cụ được các điều dưỡng chăm lo từng li từng tí, từ đi lại đến ăn uống, ngủ nghỉ, lại được trò chuyện với các ông, các bà nên tinh thần luôn vui vẻ.
Cụ Ngô Thị Kim Thanh (79 tuổi, ngụ tại Q.Tây Hồ, Hà Nội) hiện là cư dân của một trung tâm dưỡng lão ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội). Cụ Thanh có một người con trai, đang làm việc tại Đức, mỗi năm chỉ về thăm mẹ 1 - 2 lần. Gần đây, khi nhận thấy sức khỏe yếu dần, cụ Thanh bàn bạc với con rồi bán ngôi nhà trên phố Thụy Khuê được hơn 2 tỉ đồng và chuyển vào sống trong trung tâm dưỡng lão.
“Tôi đã nhẩm tính, số tiền bán nhà đủ để tôi ở trung tâm hàng chục năm. Ngoài ra, tôi còn khoản tiền lương hưu khoảng 3 triệu đồng/tháng, tích cóp dần, nếu có việc cần thì mới dùng đến. Tôi ở đây rất thoải mái, con cái cũng yên tâm hơn”, cụ Thanh nói.
Hát karaoke, tập Yoga và cùng nhau đi dạo
Cụ bà Nguyễn Thị Mộng Hảo (76 tuổi, ngụ tại H.Thanh Trì, Hà Nội) cũng chọn sống tại trung tâm dưỡng lão, cho biết cụ rất yêu thích cuộc sống ở trung tâm. “Từ khi vào đây đến nay, tôi tăng hơn 2 kg, thể chất và tinh thần đều rất tốt”, cụ Hảo nói.
Theo cụ Hảo, nhiều người cứ cho rằng con cái không chăm nổi cha mẹ nên mới đưa vào trung tâm dưỡng lão nhưng đó là cái nhìn sai lầm. “Con cái đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão là hoàn toàn hợp lý. Các điều dưỡng viên có chuyên môn chăm sóc sức khỏe, tốt hơn so với con cái. Đời sống vật chất và tinh thần trong trung tâm cũng tốt. Chúng tôi có thể hát karaoke ở phòng riêng, buổi chiều thì tập Yoga hoặc cùng nhau đi dạo”, cụ Hảo nói.
PGS - TS Đinh Hồng Hải, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc người già vào viện dưỡng lão nên được nhìn nhận với chiều hướng tích cực. Các viện, trung tâm dưỡng lão được trang bị đầy đủ thiết bị y tế, nhân lực phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Điều kiện sống của các cụ ở trung tâm nhờ vậy cũng tốt hơn. Theo TS Hải, xã hội càng phát triển thì xu hướng người cao tuổi vào viện dưỡng lão cũng phát triển mạnh.

tin liên quan

'Phá băng' định kiến về viện dưỡng lão
“Tuy việc chọn viện dưỡng lão chưa là trào lưu nhưng nó cũng là vấn đề xã hội đáng lưu tâm”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ VN, đơn vị tổ chức triển lãm Chuyện tuổi già, nói.
Theo tìm hiểu của PV, đa phần các cụ già tìm đến trung tâm dưỡng lão đều gặp vấn đề về sức khỏe, cần được chăm sóc y tế và chế độ ăn uống, sinh hoạt đặc biệt. Những việc này, con cái khó có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, khi đưa cha mẹ đến trung tâm, nhiều người vẫn có tâm lý e ngại. Giám đốc một trung tâm dưỡng lão tại Hà Nội cho biết, tâm lý này sẽ sớm được thay đổi khi xã hội ngày càng có cái nhìn tích cực hơn về các trung tâm dưỡng lão.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.