Vụ cháu bé bị bố bạo hành: Dấu hiệu phạm tội hình sự rõ ràng

07/12/2017 18:07 GMT+7

Luật gia Lê Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác xã hội cho rằng, vụ việc bé trai bị bố và dì ghẻ bạo hành , có dấu hiệu phạm tội hình sự.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Đỗ Thị Hải Đường, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB-XH Hà Nội) cho hay: "Chiều nay 7.12, Sở đã nhận được báo cáo từ Phòng LĐ-TB-XH quận Cầu Giấy về trường bé T.G.K bị bố đẻ bạo hành. Cũng trong chiều nay, đại diện Sở LĐ-TB-XH đã đến thăm hỏi, động viên bé K. tại nhà bà ngoại ở quận Hoàn Kiếm. “Bé K. không ở nhà, nên chúng tôi chỉ gặp được mẹ bé. Nguyện vọng của gia đình mong muốn, thời gian này để bé K. được bình tâm ổn định sức khỏe; đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ vi phạm”.
Về các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành, bà Hải Đường cho biết, trước mắt Sở LĐ-TB-XH hỗ trợ bé K. 3 triệu đồng. Trong thời gian tới sẽ làm việc lại với mẹ của bé K. để có những hỗ trợ tốt nhất. Nếu cần tư vấn về tâm lý, hay sức khỏe các chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ.
Theo luật gia Lê Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác xã hội, trong bối cảnh cháu bé cầu cứu nhà bà nội, cho thấy sự khẩn cấp của nhu cầu cần giúp đỡ và trước tiên, chúng ta cần tin tưởng những gì cháu chia sẻ. Hành vi của bố đẻ và mẹ kế (nếu có) trong việc bạo lực đối với cháu, có dấu hiệu hình sự, phạm vào các tội: cố ý gây thương tích, tình tiết đối với người dưới 16 tuổi; và tội hành hạ người khác, đối với trẻ em - theo bộ luật hình sự. Đồng thời, những hành vi này phạm vào một trong những điều mà luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm.

Cháu bé bị rất nhiều chấn thương phần mềm

Bác sĩ Đồng Hà Trung - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết  cháu K. vào viện lúc 9 giờ ngày 6.12, trong tình trạng đau đầu, đau nhiều vùng ngực hai bên. Hiện không nguy hiểm đến tính mạng nhưng trên cơ thể có rất nhiều chấn thương phần mềm, cả cũ lẫn mới. Những vết thương mới đã được các bác sĩ xử lý, khâu vết thương. Khi khám thấy cháu bị chấn thương vùng ngực, hiện chưa có dấu hiệu gây tràn khí, tràn máu, nhưng cháu cần được theo dõi sức khỏe. Cháu cũng có vết thương, vết sẹo cũ vùng đầu ở phần mềm. Cháu đã được chỉ định cho chụp CT sọ não, siêu âm ổ bụng, Xquang ngực, và được chẩn đoán chấn thương sọ não, chấn thương bụng kín. (Nam Sơn)


Qua sự việc của cháu bé, luật gia Lê Thế Nhân cho rằng, kỹ năng tự bảo vệ và tìm kiếm sự giúp đỡ là đặc biệt quan trọng. Cháu bé đã nỗ lực thoát khỏi môi trường bạo lực đó để tìm đến cứu cánh là gia đình bà của mình, chia sẻ về vụ việc với người tin tưởng để được giúp đỡ. “Để không trở thành nạn nhân của các tình huống bạo lực/xâm hại tương tự, chúng ta nên trang bị cho trẻ em những kiến thức về sự bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư. Rèn cho trẻ kỹ năng trốn thoát khỏi nơi nguy hiểm và tìm người giúp đỡ, kể lại sự việc cho người tin tưởng”, ông Nhân nói.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ: “Với những trẻ em bị bạo hành sẽ ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Có nhiều trẻ em trở lên lầm lì hay hoặc những phản ứng tai hại như bỏ nhà ra đi, hận thù người lớn, trở thành những người không tốt của xã hội. Thậm chí, do chịu đựng sự bất công quá lâu, khi lớn lên trở nên tàn ác, trả thù lại những người khác. Vì vậy, ngoài giáo dục kỹ năng cho trẻ em tránh bạo hành, theo tôi cần phải trang bị kỹ năng làm cha mẹ cho cả người lớn”.
Trước đó, sáng ngày 7.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy TP.Hà Nội đã thực hiện lệnh tạm giữ hình sự đối với Trần Hoài Nam (34 tuổi, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) để phục vụ công tác điều tra liên quan tới vụ bé trai T.G.K (10 tuổi) bị bạo hành.
Theo thông tin ban đầu, bé trai T.G.K bị Trần Hoài Nam là bố đẻ của mình và người dì ghẻ bạo hành trong suốt một thời gian dài khiến cho bé từ 40 kg sụt xuống còn 20 kg.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, ngày 7.12, Bộ LĐ-TB-XH đã chính thức khởi động tổng đài điện thoại quốc gia 111. Tổng đài hoạt động 24/24 giờ có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, tổng đài có trách nhiệm hỗ trợ người làm công tác trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp với từng trẻ em.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.