Vụ bé trai được ‘mua về giải hạn’: Những người liên quan đến bé nói gì?

02/05/2021 15:31 GMT+7

Câu chuyện bé trai được người đàn ông ở TP.HCM ‘mua về giải hạn’ nhưng bạo hành, bỏ đói khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng, nhất là cơ quan công an cần điều tra làm rõ ngọn nguồn, có hay không chuyện bạo hành để nhiều người dân còn mạnh dạn tố cáo các sai trái.

Ngay khi thông tin bé trai N.T.P.T (19 tháng tuổi) được ông Nguyễn Trần Tuấn Phương (43 tuổi, ngụ P.9, Q.Phú Nhuận) nhận nuôi từ tháng 12.2019 bị chính ông Phương và bà nội bỏ đói, nhốt trong phòng kín không người 24/24, không cho đi khám bệnh,… xuất hiện trên mạng xã hội, Công an và UBND P.9 (Q.Phú Nhuận) đã đến nhà làm việc.
Công an P.9 sau đó trả lời Thanh Niên, tại thời điểm mạng đăng bé bị bạo hành, công an xác nhận bé không liên quan gì đến bạo hành nên đã lập hồ sơ ban đầu chuyển Công an Q.Phú Nhuận tiếp tục làm rõ.
Thanh Niên đã gặp nhiều người trong vụ việc để tìm hiểu đa chiều vì sao câu chuyện này xuất hiện trên mạng?

Quản lý nhóm trẻ: “Tôi chưa từng khẳng định bé bị sán chó hay tự kỷ”

Trao đổi với PV, người quản lý nhóm trẻ tại trường mầm non bé T. theo học tại Q.Phú Nhuận (xin giấu tên) cho biết, thời gian trước bà được nghe ông Phương kể chuyện công ty ông làm việc dự định tài trợ cho bé ăn học nên có thể đến trường hỏi thăm.
Do vậy, khi người tên N. cùng một số người phụ nữ đến trường xin gặp bé T., quản lý nhóm trẻ cùng cô dạy bé đã tiếp. Quản lý nhóm trẻ cung cấp cho ông N. thông tin học phí, cách đóng… nhưng bà khẳng định chưa nhận một đồng nào từ ông N.
Bà kể: “Tôi nói với ông N. bé mới đi học lại mấy bữa nay buồn hiu à, còn đợt trước bé đang rất vui vẻ. Ai là phụ huynh mà không hiểu sau khi nghỉ học mấy tháng bé đi học lại mặt không buồn, nó còn buồn cả tháng đó chứ, may là bé T. chưa khóc. Tôi nói vậy vì tin tưởng đây là người có thể giúp được bé nên nhờ cho bé đi khám. Ông N. có nói là sẽ cho bé đi khám tổng quát trong chiều nay. Lần trước bé nghỉ cô giáo có hỏi thăm thì người nhà báo cháu bị ký sinh trùng, lần này bé đi học lại thì trường nghe cô hàng xóm nói bé bị sán chó nên đầu mới to như vậy nên tôi đã yêu cầu ông Phương đưa bé đi khám tổng quát kiểm tra, tránh lỡ có việc lây cho các bé cùng lớp".
Người quản lý giữ trẻ khẳng định lại với Thanh Niên: "Tôi chưa từng khẳng định bé bị sán chó hay tự kỷ gì hết”.

Kết quả xét nghiệm máu ngày 1.5 của bé T.

Ảnh: V.Phượng

Ngoài trao đổi với anh N., quản lý nhóm trẻ cho biết có nói chuyện điện thoại với một người xưng là luật sư ở Tiền Giang. Bà cho biết: “Người này đề nghị tôi đưa T. đi, tôi không đồng ý. Tôi nói nếu muốn thì tôi qua lễ tôi báo chuyện lên sếp ở Phòng giáo dục hướng dẫn sao thì làm vậy. Còn luật sư muốn làm gì thì liên lạc hội bảo vệ quyền trẻ em”.
Quản lý nhóm trẻ cũng chia sẻ: “Hôm qua xem được kết quả xét nghiệm của con không bị bệnh gì tôi mừng lắm. Mặc dù bé T không còn học ở trường nữa nhưng tôi rất mong bé khỏe mạnh”.

Người đàn ông tên N. nói gì?

Theo bài đăng tải trên mạng xã hội, ông N. – người “bảo hộ cho bé” (đứng ra giúp bé ăn học) phát hiện bé bị bạo hành nên đã ngừng tài trợ. Ông N. cũng là người đến trường bé T. học cùng trợ lý của mình chụp tấm ảnh bé T. tay bấu chặt vào người ông N.
Trả lời Thanh Niên, ông N. cho biết, một người bạn ở Đà Nẵng gửi cho ông tin nhắn của một chị kêu cứu cho bé T., mà người nuôi bé là nhân viên của ông nên nhờ ông tìm hiểu giùm. Từ đó, ông N. xuống trường gặp cô hiệu trưởng và cô giáo để tìm hiểu tình trạng bé.
“Tôi đã xuống trường gặp bé và cô, nhìn thấy tình trạng bé, nó ghẻ lở trên đầu rất nhiều, tôi nghĩ thằng bé này đầu to như thế mà trán dồ là triệu chứng của những bé suy dinh dưỡng nặng. Cô hiệu trưởng và cô giáo chăm đều nói với tôi là: Anh ơi, thằng bé này hồi đó nó vui vẻ lắm anh, khoảng thời gian gần đây nó có dấu hiệu tự kỷ. Tôi nói nếu mình trị hết bệnh rồi thì sẽ đưa bé đi điều trị tâm lý và tôi cũng có nói với Phương là tìm được một cái chùa mà sư cô ở đó rất tốt, tôi sẽ gửi bé vào đó để sư cô nuôi và tôi tài trợ, tôi sẽ đỡ đầu cho bé, mỗi tháng gửi tiền để cho bé được chăm lo tốt hơn, ở đó người ta nuôi dạy, nghe kinh Phật các thứ bé sẽ tốt, mà Phương không chịu, nó nói là tỏ thái độ không hài lòng”.

Ông Phương và bé T., ảnh chụp sáng 30.4

Ảnh: V.Phượng

Theo lời ông N., ông có nói với cô ở trường bé T., nếu ông Phương không có tiền gửi bé thì ông N. sẽ chuyển khoản hằng tháng cho cô. Cô giáo cũng nói với ông N. việc trường yêu cầu ông Phương đưa bé T. đi xét nghiệm máu vì nghi ngờ bé nhiễm virus gì đó có thể lây cho bạn khác.
“Cô giáo nói tôi đòi nhiều lần mà Phương không đưa giấy mà Phương đưa giấy cũ trước đó khám đơn sơ lắm. Trong một tờ giấy có tờ giấy nghi ngờ bé bị bệnh sán chó. Tôi rất sợ, vì trong thư tố Phương của con bé kia thì tố Phương đi làm bận quá nhốt thằng bé này, nhà lại nuôi chó nên tôi sợ như vậy. Hôm tới trường thăm bé T., trước khi về tôi nói với bé T. thôi con ở đây với cô đi, chú về chú nói chuyện với ba Phương con chú tìm giải pháp giúp con, vậy là nó chạy lại ôm tôi, nó bấu không buông luôn, thương tới mức như vậy đó. Còn những chi tiết nhốt trong phòng không ánh mặt trời 24/24, uống sữa ông thọ để len men chua lè, bỏ đói là từ cô bạn thân của em gái Phương”, ông N. chia sẻ.

Vì sao có câu chuyện như vậy?

Bà Thái Trần Hồng Nhung (em gái cùng mẹ khác cha với ông Phương) đã đến Công an phường trình bày những bức ảnh được đăng lên mạng là do bà chụp vào 1 năm trước, sau đó gửi cho người bạn ở Đà Nẵng để nói về chuyện bé T. bị trái rạ.
Theo bà Nhung, ông Phương có nợ người bạn của bà 28,5 triệu đồng, nhiều lần bị đòi nhưng ông Phương không có động thái gì.  

Chân bé T. còn những mụn đỏ khô đầu

Ảnh: V.Phượng

“Tôi hay than bà ơi, ông Phương không có tiền mua sữa cho con ổng nữa mà làm sao có tiền trả cho bà. Rồi khi nhà tôi bị cúp điện tôi cũng nhắn tin cho bạn mình, nhà tôi nay cúp điện nóng quá bà ơi. Bạn hỏi thằng T. sao thì tôi trả lời chịu nóng chứ sao, cả nhà tôi chịu nóng”, bà Nhung kể.
Điều khiến bà Nhung bức xúc là 3 năm qua người bạn của bà ở Đà Nẵng, không ở TP.HCM, cũng chưa từng gặp bé T. ngoài đời mà chỉ biết câu chuyện tâm sự về gia cảnh, về T. qua lời kể của bà Nhung.
“Có lần tôi nhắn kể cho bạn nghe mẹ tôi bán cơm dưới nhà, 5 giờ lên cho T. ăn uống, tắm rửa thì bạn tôi lại nghĩ bé T. bị nhốt, trong khi ban ngày bé T. vẫn đi học cùng con tôi. Tôi 3 đứa con, nhà cửa như này, công việc làm ăn thuận lợi, anh Phương vẫn có quán bán ở đây không hiểu động thái gì mà người ta cứ dùng tấm hình bé bị trái rạ rất lâu rồi để nói như vậy. Họ hàng tôi bên nước ngoài hằng tháng vẫn tài trợ cho bé T. thì sao mà không nuôi bé T. được. Cái sai của tôi là chống chế cho anh mình, than vãn như vậy để nó ngừng dí nợ ổng”, bà Nhung cho biết.
Giải thích về những tin nhắn gửi đến bạn mình “Thằng bé số khổ nên mới nhận nuôi vào gia đình này”, bà Nhung cho biết đây là câu nói cửa miệng, bà cũng thường than với mẹ mình rằng bản thân bà số khổ. “Người ta viết bé bị nhốt trên tầng 2 nhà tôi không cho lên mà có ai tới đâu mà nói vậy, họ chỉ bàn phím trên mạng tôi cũng không biết sao luôn”, bà Nhung bức xúc.
Ngày 1.5, gia đình đưa bé T. đi thực hiện các xét nghiệm máu, siêu âm ở Bệnh viện Nhi đồng 2, kết quả xét nghiệm máu âm tính với Toxoplasma IgM và Toxoplasma IgG (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma là tình trạng nhiễm trùng gây ra do một loại vi sinh vật sống trên các loài chim, động vật và con người). Kết quả siêu âm bụng không phát hiện bất thường. Toa thuốc chẩn đoán bé T. viêm da cơ địa, nặng 10,3kg (nhẹ cân).
Trưa 2.5, nguồn tin của Thanh Niên cho biết sự việc cả gia đình bị tố bạo hành bé trai trên mạng xã hội đã được Công an P.9 chuyển Đội An ninh Công an Q.Phú Nhuận điều tra xử lý.
Thanh Niên sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.