Vợ Việt chồng Tây sống trên ngôi nhà di động giúp tiện việc đi làm

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
05/07/2020 12:32 GMT+7

Để tiện cho việc di chuyển giữa các địa điểm làm việc, chị Phùng Anh và chồng đã mua một chiếc camper trailer (tạm dịch: nhà di động) và sinh sống trên đó như một ngôi nhà di động thực thụ.

Sinh sống tại Canada được 10 tháng, thay vì thuê hay mua nhà, chị Nguyễn Phùng Anh (42 tuổi) cùng chồng là người Quebec (Canada) đã sống trên nhà di động camper trailer (nhà trên 4 bánh xe, được kéo đi bằng một xe khác - PV).

Tiết kiệm tiền thuê nhà

Chị Phùng Anh hiện đang đi học thêm và phần lớn thời gian chị ở nhà. Chồng chị làm trong lĩnh vực xây dựng nên cứ 3 tháng lại di chuyển đến công trình xây dựng ở khắp Canada. Chính vì vậy, gia đình chị phải thường xuyên di chuyển giữa các địa điểm như Alberta, Saskatoon, British Columbia, Winnipeg.

Khu vực làm việc trong nhà di động của chị Phùng Anh

Ảnh: NVCC

Chị Phùng Anh chia sẻ, vì cần tuân thủ theo quy định an toàn vừa là nhà, vừa là xe chạy trên đường nên không thể tự làm một camper trailer. Một ngôi nhà di động đạt chuẩn phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn vừa là một căn nhà vừa là phương tiện giao thông. Nhà thì phải có lối thoát hiểm, đạt tiêu chuẩn điện nước. Vỏ nhà phải chắc chắn để chạy trên đường, đồ đạc phải bắn ốc dính sát tường hoặc sàn để không bị đổ gãy hoặc rơi ra ngoài trong quá trình di chuyển. Bánh xe, phanh… cũng phải đáp ứng yêu cầu như một xe khách lớn.
Nếu dùng xe buýt cũ rồi cải tạo bên trong thành nhà thì chi phí đăng ký kiểm định để chạy trên đường lên tới 40.000 CAD (khoảng gần 688 triệu tiền Việt Nam). Nên phương pháp mua lại nhà cũ từ người khác như vợ chồng chị Phùng Anh sẽ tiết kiệm được một khoản tiền.

Bàn ăn, dưới chân bàn tận để 1 hộp nhựa chứa đồ và 1 cái rổ trái cây,

Ảnh: NVCC

Chi phí cho một ngôi nhà di động tùy từng năm sản xuất, tùy hãng xe, tùy đời xe. Nhà xe to như của nhà chị thì giá khoảng 20.000 CAD (khoảng 344 triệu tiền Việt Nam) cho năm sản xuất là 2008, 40.000 CAD cho năm sản xuất là 2014, 100.000 CAD (khoảng 1,7 tỉ tiền Việt Nam) cho cái mới ra năm 2020.
Căn nhà di động của chị Phùng Anh là loại nhà xe cũ sản xuất năm 2008 và được mua lại từ người khác nên chi phí không quá cao. Ngôi nhà được kéo đi bằng xe tải, có 2 phòng riêng cách biệt ở 2 đầu, phòng bếp ở giữa phù hợp cho gia đình 4 người gồm bố mẹ và 2 con nhỏ như gia đình chị.

Khu bếp nhỏ trên camper trailer

Ảnh: NVCC

Chiều dài của ngôi nhà là 38 feet (khoảng 11,5m). Khi di chuyển trên đường, nhà di động của chị được kéo bởi xe tải, không gian các phòng bị kéo sát lại (bộ cơ khí kéo tự động) thì chiều rộng của xe là 2,5m. Khi đến nơi, đậu xe lại để sinh hoạt thì kéo không gian ra, chiều rộng khoảng 4m, tổng diện tích sau khi kéo khoảng 42m2 tương tự như một căn hộ mini.
Mỗi nhà xe luôn được lắp sẵn đồ dùng và phải gắn chặt với xe theo tiêu chuẩn, gồm giường thông minh (kéo lên là có không gian chứa đồ bên dưới), hệ thống tủ quần áo âm tường (chung cho cả nhà), bộ bàn ăn, nhiều hộc tủ để chứa đồ, một sofa kéo ra thành giường, phòng xem tivi.

Căn phòng nhỏ là nơi thư giãn và xem phim

Ảnh: NVCC

“Gia đình tôi ở dạng định cư, ít nhất cũng 5 năm. Dù ở lâu dài hay sau này quay về Việt Nam thì ở nhà xe tiết kiệm hơn do thuế nhà đất với bảo hiểm bên này cao, tiền đó gửi vào thị trường chứng khoán lấy lãi để dành về hưu. Tiền hưu thấp nên người già phải sống từ tiền tiết kiệm nữa. Đấy là lý do ở nhà xe. Ngoài ra lý do chính là được miễn phí điện nước khí đốt, khoản đó khá tốn kém. Đi thuê nhà thì phải chung nhà với người ta, còn thuê nguyên 1 căn nhà thì đắt”, chị tâm sự.

Những kinh nghiệm khi sống trên nhà di động

Trạm nghỉ chân của các ngôi nhà di động tại Canada là các trạm xăng, tương tự như trạm nghỉ cho xe container hay xe đường dài ở Việt Nam. Tại trạm, chị Phùng Anh xả chất thải toilet nếu cần thiết, rồi bơm nước vào bồn để phòng khi đậu xe tại nơi hoang vắng không có điện nước thì vẫn sinh hoạt được. Bếp, lò sưởi, tủ lạnh đều chạy khí ga.
Ngôi nhà khá nhỏ, không được đóng treo đồ gì cồng kềnh, nên khi muốn mua thêm cái cái gì chị Châu đều phải nghĩ xem sẽ để đâu. “Vợ chồng tôi sống đơn giản và tiết kiệm, phần được mọi người cho đồ dùng, phần mua đồ đã qua sử dụng. Tôi sử dụng các hệ thống hộc tủ để đựng quần áo, mua thêm hộp để đựng quần áo nhỏ, tận dụng các hộc tủ để có thể để một số đồ bếp”, chị kể lại.

Tận dụng học tủ để chảo, thớt

Ảnh: NVCC

Chị cũng chia sẻ thêm, để sống trên ngôi nhà di động phải biết cố định nhà xe cho cân chứ không xe sẽ nghiêng ngả, gió mạnh là nhà xe rung bần bật nên phải mua thêm đồ gia cố. Ở trên xe phải đi nhẹ, nếu đi mạnh là cả nhà xe rung chuyển theo.

Bếp nhỏ nên những bữa ăn của gia đình chị Phùng Anh thường được nấu đơn giản. Mùa hè có thể ra ngoài nấu nhưng mùa đông tuyết rơi phải nấu ở trong nhà nên hạn chế nấu các món có mùi.

Cách sắp xếp giấy tờ để tiết kiệm không gian

Ảnh: NVCC

Hệ thống điện của nhà xe cũng rất hạn chế, khi chạy điều hòa thì không thể chạy thiết bị điện lớn như lò vi sóng hay lò nướng bằng điện, nếu không sẽ dẫn đến cháy cầu chì do quá tải. Nhà xe sử dụng điện 120V, 50Amp trong khi hệ thống điện nhà thường là 220V, 200Amp. Đối vớ thùng chứa chất thải gắn dưới hầm xe, phải theo dõi để xả đi. Ngoài ra không cho giấy vệ sinh vào bồn cầu vì khó xả.

Hiện tại ở Canada đang là mùa hè, nhiệt độ ban ngày 26 độ C, đêm đến nhiệt độ hạ thấp còn 5 độ C. Vì sống hoàn toàn ở nhà xe nên khá lạnh, chị Phùng Anh phải làm hệ thống cách nhiệt cẩn thận cho cửa sổ, mái và sàn xe.

Chị Phùng Anh vận dụng tối đa không gia để đồ để không gây chật chội cho căn nhà

Ảnh: NVCC

“Chúng tôi cần nắm rõ hệ thống điện nước, hỏng gì còn biết mà sửa, cách kéo nhà đi bằng xe tải, rồi phải biết dọn hố xí nữa vì nó không nối hệ thống thải như nhà dân, thải lung tung sẽ bị phạt. Nếu trên xe bị hỏng gì thì phải mua riêng đồ của nhà xe lắp chứ không thể mua đồ thông thường. Ở nhà xe như nuôi thú cưng ý, hắt hơi cái là phải sửa ngay. Tuy có khá nhiều bất tiện nhưng tôi hài lòng với ngôi nhà của mình”, chị bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.