Võ sư hành hiệp - Bài 3: Độc thủ đại hiệp

04/02/2006 23:21 GMT+7

Trải qua không biết bao nhiêu nghề, dừng lại không biết bao nhiêu nơi, ở không biết bao nhiêu gầm cầu, xó chợ và không biết bao nhiêu lần lả đi vì đói", võ sư Mã Vĩnh Trinh, chưởng môn phái Quảng Nam võ đạo - người bị cụt mất bàn tay phải và nhiều năm nay được bạn bè trong giới võ lâm phong là... độc thủ đại hiệp của Việt Nam, không hề ngần ngại khi nhớ về quãng đời bĩ cực đã qua của mình như vậy.

Trưa mùng bốn Tết, trong một căn nhà nhỏ nằm sâu hút ở ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM, võ sư Mã Vĩnh Trinh bùi ngùi kể lại với chúng tôi quãng đời "hành hiệp" mấy mươi năm của mình. Ở tuổi 66 hồi tưởng lại những chuyện đã qua, có lúc người võ sư này đã phải kéo tay áo chùi nhanh nước mắt.

Ông là người có đến ba tên. Tên thường gọi là Võ Đình Quý, trong giấy tờ là Tôn Thất Quang, còn Mã Vĩnh Trinh là "sản phẩm" của nghiệp võ và kỷ niệm đau buồn. Ông kể, là cháu ba đời của cụ Võ Quang Liêm, một võ tướng dưới triều vua Thành Thái đồng thời là người sáng lập ra môn phái Quảng Nam võ đạo nên từ nhỏ ông đã sớm lao vào khổ luyện. Trong một tập "sổ tay võ thuật" của Nhà xuất bản TP.HCM phát hành từ năm 1996 mà khi tiếp xúc với chúng tôi ông lấy nốt bản cuối cùng ra đề tặng, ông đã từng bộc bạch về tuổi thơ của mình: "Tôi có thể chắc rằng, từ thuở ấy, võ thuật đã ăn sâu vào máu thịt tôi, bắt tôi say mê. Ngày nào không múa roi đi quyền, không nghe chuyện võ là ngày đó tôi buồn vô hạn".

Nhưng cha mẹ ruột đều lần lượt qua đời tại đập nước Vĩnh Trinh ở làng Đông Yên, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, cậu bé con nhà võ sớm chịu cảnh mồ côi phải theo ông bà nội trôi dạt ra Bình Định, rồi được gửi vào trại Dục Anh ở liên khu 5, một nơi dành riêng cho "trẻ em chiến tranh" để tránh cái đói vào thời đó. Đến năm 13 tuổi cậu bé ấy được cùng ông bà nội trở lại quê nhà, nhưng 5 năm sau thì hai người thân cuối cùng đó cũng lần lượt qua đời. Không chịu nổi cảnh cô đơn, chàng trai 18 tuổi đã bỏ nhà bỏ quê "hành hiệp" lang thang giang hồ. May mắn duy nhất mà số phận chưa nỡ tước đi của ông là những người thầy dạy võ, đặc biệt là những bậc danh võ ở Bình Định. "Mã là tinh thần mã thượng còn Vĩnh Trinh là tên một con đập chứa nước lớn ở quê hương, nơi cha mẹ tôi chết ở đó", ông lý giải với chúng tôi về cái tên thứ ba của mình như thế.

Trong tập Chuyện võ Quảng Nam - Đà Nẵng do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 2003, võ sư Võ Kiểu có kể một lần thượng đài gay cấn của Mã Vĩnh Trinh mà ông bảo rằng "không thể nào quên được" trong suốt đời võ nghiệp của mình. Trận đấu ấy diễn ra từ đêm 11.7.1967, tại xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang (Quảng Nam) của đoàn võ đài lưu động Phương Nam do võ sư Mút - Tây - Da (Campuchia) liên hệ tổ chức và võ sĩ Mút - Tây - Đô thủ đài. Những năm đó phong trào đấu tự do trên võ đài rất thịnh hành nên khán giả đến xem rất đông. "Thuở ấy những lò mổ bò ở Sài Gòn khi muốn thịt một con bò, thợ phải dùng búa tạ đập vào đầu cho đến chết rồi mới chọc tiết. Đối với Mút - Tây - Da, ông chỉ dùng vài cú Nghịch Lân Cước vào ức con bò là có thể giao cho thợ mổ. Đến đầu những năm sáu mươi, Mút - Tây - Da đã đào tạo một đệ tử có cú đá còn hơn ông. Mút - Tây - Đô để giết bò chỉ cần một cú Nghịch Lân Cước là bò đã ngã lăn quay", võ sư Võ Kiểu mô tả tài nghệ của đối thủ mà Mã Vĩnh Trinh phải đối mặt trên võ đài như vậy. Còn Mã Vĩnh Trinh, vóc dáng thấp nhỏ nhưng lanh lợi và săn chắc như báo rừng, ngồi ở hàng võ sĩ dự khuyết đã nằng nặc xin lên thi đấu khi thấy đồng đội của mình là Đội Quế, một võ sĩ cừ khôi của làng võ Quảng Nam lúc đó bị hất tung khỏi sân đài rồi ngã vật xuống bất tỉnh sau khi trúng đòn cước của Mút - Tây - Đô. Nhưng trận đài đêm ấy đã được kết thúc bằng tiếng reo hò vang dậy của người xem hoan hô võ sĩ Mã Vĩnh Trinh toàn thắng, sau khi Mút - Tây - Đô trúng đòn "Chấn động càn khôn" của Mã Vĩnh Trinh đánh song quyền từ hạ sườn xốc lên.


Võ sư Mã Vĩnh Trinh ký tặng phóng viên Thanh Niên tập thơ Bến vắng chiều xưa. ảnh: V.K

Năm ấy Mã Vĩnh Trinh 27 tuổi, ông bắt đầu trở thành tâm điểm thu hút học trò làng võ và miệt mài gầy dựng lại môn phái Quảng Nam võ đạo của cha ông để lại. Nhưng chiến tranh chưa chấm dứt và những tai họa còn chưa buông tha ông. Năm 28 tuổi ông bị mất bàn tay phải và những năm sau này không ít lần ông đã hồi tưởng lại sự kiện ấy bằng nước mắt. "Trong một đêm tận cùng của cái ác chiến tranh, bàn tay phải của tôi đã bị mất, và mất luôn một vùng thịt bụng bởi quả đạn pháo vô tình. Phải nói sao cho hết nỗi đau và sự bất hạnh của tôi lúc này. Tôi bắt đầu tập lại từ cái ăn, cái mặc, cách luyện võ đến việc cầm viết để viết chữ. Và hơn hết là tập bỏ cái mặc cảm nặng trĩu tâm hồn và thể xác của tôi bấy giờ", trong tập 2 bộ Tìm hiểu và thực hành môn phái Quảng Nam võ đạo, ông đã tâm sự với tác giả Phương Tấn như vậy. Ông chiến đấu với số phận và năm 30 tuổi đã được Tổng cuộc quyền thuật miền Nam lúc đó cấp chứng nhận cho hành nghề huấn luyện viên võ thuật, mở lò võ ở Long Khánh (Đồng Nai) rồi lại tiếp tục bị cảnh ngộ đẩy trôi đi... Ông kể: "Năm 35 tuổi và gần suốt 15 năm trời sau đó tôi đã trải qua không biết bao nhiêu nghề, dừng lại không biết bao nhiêu nơi, ở không biết bao nhiêu gầm cầu, xó chợ, bến xe và không biết bao nhiêu ngày lả đi vì đói. Nhưng hoàn cảnh nào, tình huống nào tôi vẫn luôn luôn tập luyện và còn được các danh sư truyền nghề thêm các môn phái khác".

Ông bà ta nói "phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí", năm 1980, người vợ chịu nhiều cực nhọc của võ sư Mã Vĩnh Trinh cũng qua đời, để lại cho ông hai đứa con mà đứa lớn nhất chỉ mới lên 4. Giữa cảnh gà trống nuôi con, ông nhận được sự giúp đỡ chí tình của võ sư đại lực sĩ nổi tiếng Hà Châu, chưởng môn Hồng Gia phái và được trở thành hội viên Hội võ cổ truyền TP.HCM. Từ đó, người ta thường thấy một người đàn ông cụt tay hằâng ngày đứng bán thuốc lá tại đường Kỳ Đồng kiếm tiền nuôi con, chiều tối lại có mặt ở Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên Quận đoàn 3 dạy võ cho các môn sinh.

"Người mất một chân không dùng được thượng cước, thượng phong thì dùng ngay xà cước, hạ phong vẫn công hãm được đối phương. Người mất một bàn tay nhưng với khúc tay suông đuột dễ tuột ấy khác nào một đoản côn. Nếu tung đòn chính xác thì lợi hại khôn lường, đối phương làm sao bắt, nắm, khóa... trong khi khúc đoản côn thì cứ đâm mạnh vào" - lý lẽ của ông vẫn "hừng hực lửa" như thế và không phải đợi đến bây giờ mà ngay từ những năm đầu thập niên 90, nhiều người đã gọi ông là "độc thủ đại hiệp" của Việt Nam.

Hiện nay chưởng môn Mã Vĩnh Trinh đang phụ trách hai lớp dạy môn phái Quảng Nam võ đạo ở Trung tâm văn hóa quận 12 và ở đình Nguyễn Anh Thủ (chợ Cầu, quận 12), với gần 100 môn sinh theo học. Thời gian rảnh rỗi thì vị võ sư này làm thơ. Ông cho biết năm ngoái đã xuất bản tập Bến vắng chiều xưa, dự định năm nay sẽ cho ra mắt thêm hai tập Tiếng gọi mưa đêm và Gió vọng rừng chiều. 

(Còn tiếp)

Võ Khối - Lữ Đắc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.