Vợ đẹp có tình yêu 'cổ tích' với người 3 lần đi tù: Ma túy, 1 triệu và án chung thân

Hoài Nhân
Hoài Nhân
28/03/2019 10:35 GMT+7

3 lần tù tội, Nhân làm lại và từng có chuyện tình yêu đẹp với cô gái trẻ xinh xắn. Trinh chấp nhận quá khứ, đồng hành cùng chồng làm lại cuộc đời. Ai ngờ, chỉ vài cuộc gặp, bạn tù đẩy đưa, một gói ma túy và 1 triệu đồng tiền công Nhân lãnh án chung thân.

Trưa, Trinh đứng trước cửa phòng xử án, chăm chăm nhìn vào trong. Trên hàng ghế bị cáo, Nhân ngồi tựa hờ vào vách, xoay người ra ngoài nhìn vợ. Nhân huơ tay cố gắng ra dấu cho cô, có lẽ rất nhiều điều muốn nói, nhưng chiếc còng số 8 khiến điều đó trở nên khó khăn.
Tay Trinh bấu vào nhau đến tội nghiệp, hàng nước mắt chảy dài. Án chung thân trùm màu đen tối lên một gia đình…

3 lần vào tù và chuyện tình 'cổ tích' với cô gái xinh đẹp

Quá khứ bất hảo của Nhân (41 tuổi) khởi đầu từ một gia đình 3 anh em nghèo khó, sống chật vật trong căn nhà xập xệ ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Năm 1998, Nhân bị xử phạt 6 tháng tù giam về hành vi cướp giật tài sản. “Ngựa quen đường cũ”, năm 2001, Nhân lại tiếp tục lãnh án 15 tháng tù giam. Đến năm 2010, Nhân lại nhận thêm 3 năm tù giam vì tham gia mua bán ma túy.
Nhiều lần vào tù ra khám, thấy bản thân trượt dài trên lầm lỗi, Nhân quyết tâm làm lại cuộc đời. Ba mẹ Nhân cũng bất ngờ và vui mừng về sự thay đổi của con, khi thấy anh chí thú làm ăn. Anh mở một sạp phụ kiện điện thoại, đồ lạc-xoong ven đường để kiếm sống.
Mọi thứ lại càng trở nên tươi sáng khi Nhân gặp Trinh (29 tuổi), một cô gái xinh đẹp và hiền hậu. Câu chuyện tình “cổ tích” của một cô gái trẻ đàng hoàng chấp nhận về chung nhà với người chồng tù tội, sinh 2 con kháu khỉnh, khiến ai nấy đều tin cuộc đời Nhân sẽ bước sang một trang mới.
Cho đến đầu tháng 9.2018, Nhân tình cờ gặp lại Tuấn, một người Nhân từng quen trong lúc cùng cải tạo ở trại giam Thủ Đức, nay cũng đã mãn hạn tù.
Thấy hoàn cảnh khó khăn, Tuấn lời ngon tiếng ngọt bảo sẽ giúp đỡ người anh em chút chi phí để làm ăn, chăm sóc vợ con. Trong cuộc gặp, Tuấn có đưa cho Nhân một điếu thuốc. Sau khi hút xong, Nhân mới biết trong đó có ma túy – thứ anh đã từng chật vật từ bỏ kể từ khi làm lại cuộc đời.
Ít hôm sau, Tuấn lại đến chơi nhà Nhân. Tại đây, Tuấn đưa Nhân một gói ni-lông màu đen nhờ cất giữ giúp. Bán tín bán nghi, Nhân hỏi, Tuấn trả lời gọn lỏn “gạo” (tiếng lóng chỉ heroine), rồi bỏ đi. Trong lúc Nhân phân vân chưa biết xử lý thế nào thì Tuấn gọi điện bảo Nhân mang “gạo” đi giao cho một người chị của Tuấn, về sẽ trả công 1.000.000 đồng.
Thế nhưng khi đến chung cư COPAC (Q.4), đi bộ vào khu vực thang máy block A chờ giao “hàng”, Nhân đã bị bắt quả tang. Riêng Tuấn và người chị nói trên không thể xác minh lai lịch, địa chỉ.
Lần thứ 4, Nhân đứng trước vành móng ngựa HOÀI NHÂN

Luật pháp vẫn nghiêm minh

“Đã từng tù tội, đáng ra bị cáo phải hiểu rõ hành vi của mình sẽ để lại hậu quả thế nào. Tại sao đã từ bỏ được quãng đời sai lầm, cuối cùng chỉ vì 1 triệu đồng mà lại đánh mất tất cả. Bị cáo tham tiền hay còn vì động cơ gì khác?”.
“Bị cáo biết đó là heroine. Bị cáo giữ ở nhà sợ liên lụy vợ con, gia đình, nên đành mang ra ngoài cho xong. Cuối cùng thì cũng "xong"… Bị cáo biết tội”.
Phần xét hỏi, tranh luận diễn ra nhanh chóng. Những “hoàn cảnh gia đình khó khăn, nuôi 2 con nhỏ”, những “ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo”,… mà luật sư Trần Ngọc Hòa cố gắng đưa ra, dường như khó cứu vãn được khi án chung thân đang chực chờ…
Luật sư Hòa (Đoàn luật sư TP.HCM)  cố gắng trấn an gia đình bị cáo trong lúc tòa nghị án HOÀI NHÂN
Tòa nghị án. Ba mẹ và vợ Nhân bần thần bước ra ngoài chờ đợi. Luật sư Hòa cũng nhanh chóng bước theo để trấn an gia đình bị cáo. Ông luôn luôn như thế, làm nghề “luật” bằng tất cả cái “tình”, dù không ai bắt buộc, dù khá nhiều luật sư chỉ "đóng tròn vai" trong những phiên tòa chỉ định (như tôi từng thấy).
Ông Hòa khiến ba mẹ Nhân bình tĩnh hơn. 3 lần ngồi sau lưng Nhân trước vành móng ngựa, chẳng biết bao nhiêu lần xót xa nhìn con trong nơi cải tạo, ngót nghét ngoài 60, ông bà lại sắp một lần nữa nghe con mình bị buộc tội. Lần cuối cùng…
“Chúng tôi khuyên nó hết lời, có khó khăn gì thì cả nhà cố gắng, đừng làm bậy nữa. Nhìn nó quay đầu, lấy vợ sinh con, tôi thở phào. Con Trinh, nó thương chồng hơn tất cả. Hai đứa động viên nhau, đứa bán bánh cuốn, đứa bán đồ cũ để chăm lo con cái. Chấp nhận thằng Nhân đã thiệt thòi cho nó rồi, giờ vầy không biết nó sống làm sao. Còn hai đứa trẻ ở nhà…”, ba Nhân nói, giọng yếu ớt.
Rồi ông sực nhớ đứa trẻ chiều nay đến trường vẫn chưa có ai đón về. Trinh đòi đưa chúng lên tòa gặp ba, nhưng ông bà không cho, quy định tòa cũng không cho. Đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 2 tuổi, quá sớm để chúng biết những gì ba mình đã làm và đang chịu.
Tôi muốn nói với Trinh dăm ba điều, nhưng cô không còn biết gì xung quanh nữa. Trong mắt cô chỉ còn Nhân đang ngồi đó. Hai người nói với nhau mấy câu, nhưng khoảng cách quá xa chẳng ai nghe rõ. Khoảng cách của tình nghĩa vợ chồng và công lý, khoảng cách của ăn năn và tù tội. Khoảng cách nào cũng xa xôi.
Luật sư Hòa nói với tôi, ông nể phục người vợ đứng đó. “Tôi tìm hiểu gia cảnh, nhiều lần tiếp xúc cô ấy. Đó là người phụ nữ đã vực Nhân dậy, từ bỏ hành vi phạm pháp, từ bỏ ma túy, để rồi giờ đây tốn không biết bao nhiêu nước mắt. Thử hỏi, có người phụ nữ nào chấp nhận quá khứ của chồng như thế, còn chấp nhận cho đến tận giờ phút này! Những ngày qua, cô ấy nhiều lần nói với tôi một câu khiến tôi xót dạ: “Những con đường mà anh ấy từng chở em qua, bây giờ em không dám đi lại nữa…” Tiếc cho cái nghĩa vợ chồng, nhưng luật pháp vẫn là luật pháp”, ông xót xa.
Những giọt nước mắt người thân HOÀI NHÂN
Toàn tuyên án: Chung thân. Những lời đanh thép của công lý được đọc lên, xen lẫn trong tiếng khóc của người vợ khuỵa chân xuống giữa những phút cuối của phiên tòa.
Vẫn còn phiên xử khác tiếp diễn trong buổi chiều, Nhân vẫn phải ngồi đó, chờ đợi áp giải. Bên ngoài, Trinh vẫn đứng đó nhìn chồng, không ngưng khóc. Tôi thấy Nhân cười động viên cô. Nụ cười của một người vừa nhận án chung thân, vì quá muộn màng để anh có thể làm gì khác cho gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.