Vợ chồng trẻ chia việc nhà

11/09/2015 09:00 GMT+7

Con gái chị bạn tôi 'bắt chước' mẹ nó, mới chân ướt chân ráo bước vào đời đã nhanh nhảu, vội vàng bước chân vào cuộc sống gia đình khi vừa chớm đủ tuổi kết hôn.

Con gái chị bạn tôi “bắt chước” mẹ nó, mới chân ướt chân ráo bước vào đời đã nhanh nhảu, vội vàng bước chân vào cuộc sống gia đình khi vừa chớm đủ tuổi kết hôn.
Minh họa: DAD
Minh họa: DAD
Chồng thì vẫn còn mải chơi, chưa đủ bản lĩnh để chèo lái “con thuyền gia đình”. Vợ thì chưa sẵn sàng để cáng đáng trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Cả hai cùng chưa ổn định việc làm, cũng có nghĩa thu nhập để lo cho cuộc sống còn rất bấp bênh, chủ yếu vẫn phải dựa dẫm kinh tế vào “ông bà” hai bên nội ngoại.
Mới đầu còn cảnh vợ chồng son rỗi, rảnh tay rảnh chân chưa vướng bận con cái, lại có nguồn tài trợ dồi dào nên anh ả vẫn còn vui vẻ, lạc quan lắm. Tuần bảy ngày thì ngày nào cũng là cuối tuần, chồng còn bận “giao tiếp xã hội”, vợ thì bận “chăm sóc sắc đẹp”, chẳng ai chịu lăn vào bếp, thế là cả vợ lẫn chồng cùng “lăn” ra quán cho tiện cả mọi bề: cơm không phải nấu, bát không phải rửa, nhà khỏi phải dọn, khỏi phải chợ búa gì cho mất thời gian, dơ chân bẩn tay...
Nhưng từ khi bé con ra đời thì đúng là “vợ chồng son thêm đứa con thành... bốn”, nhà cửa bắt đầu hỗn loạn cả lên.
Xung đột hai nhà tài trợ
Trước khi sinh mấy tháng, cô vợ “mắc bệnh” shopping nên rất năng nổ trong việc đi “giải ngân” cho mục đích “vì tương lai con em chúng ta”, khuân ùn ùn về nhà các loại quần áo, tã, vớ, bao tay, yếm dãi, sữa tắm, phấn thơm, bình sữa... “Đấy nhé, những việc lích rích, tỉ mẩn là tôi lo hết rồi, còn anh là chồng lo việc lớn đi, làm sao để tìm nguồn tài trợ, rót vốn cho tôi có nguồn mà giải ngân”. Thế là chồng cự nự: “Ông bà nội đã lo đủ thứ sinh hoạt hằng ngày cho con cái rồi, giờ lại còn lo cả cho cháu nữa! Thế ông bà ngoại lo gì?” (?). “Vụ lùm xùm” này cũng mất đến cả tuần mới lấy lại được trật tự vì như có “giác quan thứ sáu”, bỗng dưng bà ngoại vác tiền đến đưa cho con gái để mua đồ chuẩn bị đón “cháu của bà” chào đời!
Hằng ngày, vợ phải lo chuyện cho con ăn, tắm cho con (tất nhiên phân chia công việc là thế, nhưng thực tế vợ nhờ bà ngoại lo hộ thì vợ vẫn được coi là hoàn thành nhiệm vụ), chồng thì phải lo việc giặt giũ, lau dọn nhà cửa do em bé (và cả bố mẹ của bé) bày ra. Chồng đang quen nhàn rỗi, lâu nay chả đụng chân đụng tay vào việc gì, đành vời “bà nội” lên cáng đáng giùm. Thế là sinh chuyện, hai bà đụng độ nhau một nhà, cộng với đứa trẻ quấy khóc oe oe, nhà cửa chẳng kém gì cái chợ.
Bà nội dăm ba ngày mới ghé qua nhưng muốn khẳng định “chủ quyền” trong cái nhà này (vì ông bà nội mua nhà cho vợ chồng trẻ ở riêng) nên “điều binh khiển tướng”, “ra dáng ra dàng” (theo lời chị bạn tôi) khiến cho bà ngoại “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”. Thế là xung đột phe phái nổ ra, mới đầu thì âm ỉ, sau bốc đùng đùng, rốt cuộc là bà ngoại bỏ về “nhà tao tao ở, chả phải lép vế với ai nhé, chúng mày không còn con nít gì, tự thân mà lo. Nếu không tự lo được thì thuê người giúp việc”. Nhưng ai sẽ được phân công trả tiền thuê người giúp việc?
Thương lượng phân chia
Riêng cái chuyện ru con ngủ thôi cũng thành cả một vấn đề phải “tranh chấp, thương lượng”. Tối đến còn mỗi hai vợ chồng với đứa con, cũng lại lục đục chuyện ai có trách nhiệm phải ru con ngủ? Chồng bảo “ru con ngủ là thiên chức của người mẹ”, phụ nữ mới phù hợp với việc này. Vợ thì bảo con là con chung, không phải tự một mình tôi đẻ ra được nó nên bố nó cũng phải có trách nhiệm, không thể tồn tại tình trạng đêm nào bố cũng thẳng tay thẳng chân ngáy o o, trong khi mẹ thì quầng cả mắt vì thức chong chong suốt đêm để dỗ con ngủ, cho con bú, thay bỉm, thay tã... “còn gì là nhan sắc nữa”, rồi anh lại chóng chán tôi, anh mây mây gió gió ở bên ngoài!
Qua bao nhiêu “vòng đám phán”, cuối cùng phải tìm đến “giải pháp kinh điển”: hai-tư-sáu, ba-năm-bảy, còn ngày chủ nhật thì tuần này vợ, tuần sau đến chồng. Haiza! Phờ râu!
Không biết sau này bé con lớn hơn, nảy sinh thêm nhiều việc, rồi lại còn “nảy sinh” thêm em bé thứ hai nữa thì việc nhà sẽ được phân chia thế nào đây?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.