Việt kiều tường thuật bên ngoài Nhà Quốc hội Mỹ: Sau 'Ngày đen tối' chuyện gì đã xảy ra?

08/01/2021 10:28 GMT+7

Đúng hai tháng sau ngày 7.11 lịch sử, khi truyền thông đồng loạt công nhận Joe Biden là Tổng thống đắc cử của Mỹ và đúng 1 ngày sau sự kiện những người biểu tình tấn công, tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ, tôi quay trở lại đồi Capitol...

Hôm nay thứ năm ngày 7.1.2021 (giờ Mỹ). Khác với ngày hôm qua gió lạnh, trời nhiều mây mù, không khí ảm đạm, đau thương của một thảm cảnh kinh thiên động địa mà cả thế giới sửng sốt chứng kiến, hôm nay khô ráo, nắng to, trời trong vắt xanh không một gợn mây, miền Đông Mỹ giữa mùa đông lạnh lẽo bỗng xinh đẹp hơn bao giờ hết.

Tòa nhà Quốc hội giữa ngày nắng ráo ngay trong ngày thứ năm 7.1

Nguyễn Hữu Tài

Chung quanh khu vực Nhà Quốc hội Mỹ, nơi tập trung quyền lực lớn nhất nước Mỹ, mọi thứ đã trở về với cuộc sống bình thường. Người đưa vật phẩm UPS miệt mài làm việc; cô gái chạy bộ mặc áo quần ngắn và thoải mái nhất có thể vẫn thở đều đặn qua lớp khẩu trang; dân cư chậm rãi dắt chó đi dạo trên vỉa hè; vài người lớn tuổi ngồi trước cửa nhà tắm nắng; xa đồi Capitol một chút, người vô gia cư tụ tập ngay công viên chia nhau điếu thuốc bất chấp dịch Covid-19 đang diễn ra khốc liệt; du khách thong thả đi tham quan những tòa nhà đá hoa cương lịch sử…

Lực lượng Vệ binh quốc gia tăng cường bảo vệ

Nguyễn Hữu Tài

Nhưng có một khác biệt lớn nhất dễ dàng nhận thấy, cảnh sát và Vệ binh Quốc gia Mỹ (National Guard) được trang bị vũ khí hạng nặng có mặt khắp mọi ngả ra vào ngọn đồi để đảm bảo an ninh cho các nhà lập pháp.

Ba người phụ nữ ủng hộ Tổng thống Donald Trump

Nguyễn Hữu Tài

Cho tới tận bây giờ và có lẽ hàng trăm năm sau đó, chắc chắn một điều, lịch sử sẽ mãi nhắc và không ai có thể quên được những gì đã chứng kiến, sự hỗn loạn trên tivi trong buổi chiều mà Tổng thống đắc cử Joe Biden bảo là “ngày đen tối nhất trong lịch sử Mỹ” khi hàng trăm người ủng hộ tổng thống Donald Trump hừng hực khí thế, xô ngã hàng rào và một lượng cảnh sát (ít ỏi), để tràn vào tòa nhà quốc hội la hét, chiếm lĩnh, đập phá, khiến những nghị sĩ lần đầu tiên trong đời mình phải run sợ nép dưới ghế, hành lang, mang mặt nạ chống độc sợ hãi tìm nơi ẩn trú.
Văn phòng của họ bị đột nhập. Giấy tờ bay tơi tả khắp nơi. Người biểu tình leo lên chiếc ghế mà không lâu trước đó Phó Tổng thống Mike Pence đang ngồi chủ trì cuộc họp phản đối kết quả bầu cử Arizona. Họ vô tư gác chân lên bàn làm việc của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rồi tươi cười chụp ảnh. Cửa sổ bị đập nát. Cửa chính bị xô ngã.
Đoàn người đông đúc với lá cờ Mỹ và khẩu hiệu MAGA (Make America Great Again) chen chúc trước mặt tiền tòa nhà Quốc hội. Súng nổ. Hơi gas bắn ra. Thủ đô Washington D.C. và Virginia ban bố lệnh giới nghiêm. Những người Mỹ gốc Việt như tôi khi đó không thể ra đường. Vệ binh quốc gia được điều tới. Máu đã đổ. Một người phụ nữ bị bắn được đưa lên cáng đi cấp cứu (sau đó tử vong) ngay trên nền gạch tòa nhà thiêng liêng nhất của đất nước vĩ đại này.

"Trump still won!" (tạm dịch: Dù gì thì Trump vẫn thắng), dòng chữ trên một chiếc xe

Nguyễn Hữu Tài

Những người yêu dễ chịu thì bảo đơn giản đó chỉ là một cuộc biểu tình quậy phá. Người gay gắt hơn thì coi đó là cuộc tấn công vào đầu não nước Mỹ. Người cực đoan thì bảo đó là cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền và mồi lửa là những lời khích động về cuộc bầu cử bị đánh cắp của Tổng thống Donald Trump và cộng sự thân cận của ông diễn ra trong suốt 60 ngày qua kèm lời kêu gọi tiến về đồi Capitol trong bài phát biểu hừng hực giữa đám đông vài mươi phút trước.
Chứng kiến những gì đang diễn ra trên tivi, tôi cứ ngỡ mình đang xem lại series phim Hollywood nổi tiếng: Octopus Has Fallen Angel Has Fallen (Nhà Trắng thất thủ) hay cuộc bạo loạn ở các quốc gia châu Á, Đông Âu hay châu Phi nào đó vào nhiều năm trước khi người dân phản đối, giành lấy chính quyền chứ không phải ở trên nước Mỹ.

Nhân viên UPS vẫn làm công việc giao hàng như bình thường

Nguyễn Hữu Tài

Phóng viên Mỹ được trang bị nhiều thiết bị hiện đại

Nguyễn Hữu Tài

Mấy mặt của tòa nhà Quốc hội, lực lượng Vệ binh quốc gia đang cầm súng, đứng ngồi, rải đều làm bức tường vững chắc. Xe cảnh sát chớp đèn và hú còi khắp nơi. Ở mặt Tây, nơi tôi đang đứng, Vệ binh và cảnh sát nhìn công nhân đang lắp đặt hàng rào thép cao đến 7ft (khoảng 2,13m) dự định sẽ bọc hết khuôn viên đồi Capitol, để bảo vệ an ninh cho các nghị viên lẫn buổi tuyên thệ của ông Joe Biden trong hai tuần sau đó.
Phóng viên chuyên nghiệp lẫn không chuyên với máy móc đồ sộ có mặt khắp nơi. Chàng trai da trắng đạp xe đi ngang qua, hét to “Donald Trump” vang dội. Một anh thanh niên khác - da trắng, to béo, đội nón, để râu, không đeo khẩu trang, cầm cờ “Trump 2020” - đang được vây quanh phỏng vấn bởi phóng viên và người đi đường. Anh ta vẫn chắc chắn một điều, ông Trump là người thắng cuộc. Bầu cử 2020 đã bị đánh cắp, ngài ấy vẫn chưa chịu thua, sẽ có những kế hoạch đang diễn ra đúng theo dự định, đầm lầy sẽ bị tát cạn trong hai tuần tới, 20.1 sẽ chứng kiển buổi tuyên thệ nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Vài phụ nữ gốc Nam Mỹ đứng ngay góc đường vẫy cờ “Keep America Great” (Giữ nước Mỹ luôn vĩ đại) la to tên vị tổng thống yêu thích nhất của họ bất chấp người chung quanh đưa mắt nhìn rồi cười tủm tỉm.

Cảnh sát chặn nhiều ngả đường

Nguyễn Hữu Tài

Cô gái đứng gần tôi qua lớp khẩu trang dày, cười to, tôi thật sự không hiểu được ở đâu mà họ có năng lượng và niềm tin vĩ đại đến như vậy. Cho tới giờ phút này khi Quốc hội đã chứng nhận Joe Biden là tổng thống kế tiếp, ông Trump đã chấp nhận sẽ chuyển giao quyền lực thì những người này vẫn miệt mài bấu víu vào các thuyết âm mưu mà thần tượng của họ cùng với các cố vấn thân tín rao giảng trong suốt mấy tháng qua.
Rồi đây, những người viết sử Mỹ sẽ đánh giá công, tội lẫn những thành quả, hủy diệt lẫn di sản mà Tổng thống Donald Trump để lại cho hậu thế mai sau.

Các phóng viên đang tác nghiệp

Nguyễn Hữu Tài

Tôi quay bước trở lại xe khi dòng người tới tham quan ngày một đông, nguy cơ lây nhiễm virus cao gấp bội. Trời vẫn trong, nắng chói chang, không khí trong lành và ấm áp. Sau cơn mưa trời lại sáng. Người dân Washington D.C. sau những giây phút sốc tới tận óc, rồi đau buồn vì sự hỗn loạn diễn ra ngay nơi mình đang sống, giờ đây có thể thở phào.
Tôi mở tin online, cách nơi mình đang đứng vài chục bước chân, có những nhà nhà lập pháp Mỹ suốt một đêm không ngủ vẫn đang trấn an người dân và thảo luận tìm cách bãi chức ông Trump vì sợ trong 13 ngày ít ỏi sắp tới sẽ có thêm nhiều chuyện động trời xảy ra. Nhiều người trong số đó đề cập tới những mâu thuẫn về sắc tộc, màu da luôn tồn tại trong lòng nước Mỹ. Nhưng cũng chính vì sự đa sắc tộc hỗn loạn này đã làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ, khi mà những người từ khắp nơi trên thế giới với lòng hăng say làm việc, đã tìm đến nơi này tự tay gầy dựng “Giấc mơ Mỹ” của riêng mình dẫu ngày một khó khăn hơn giữa bất ổn chính trị và dịch bệnh.
Tạm biệt năm 2020 nhiều biến động. Tạm biệt Tổng thống Donald Trump. Chào mừng Tổng thống Joe Biden. Mùa xuân sẽ đến trong hai tháng nữa thôi và tôi tin niềm vui lẫn sự yên ổn sẽ trở lại đất nước này, nơi mà tôi đã gắn bó phần lớn những năm tháng thanh tân rực rỡ nhất của mình để kiếm tìm một giấc mơ đậm mùi Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.