Việt kiều Mỹ 'trải nghiệm' Giáng sinh 2020 thê lương: Tiệm nail ngáp ngắn ngáp dài

24/12/2020 19:08 GMT+7

Noel 2020, thông xanh bán chạy như tôm tươi ở Mỹ có lẽ ở nhà không có gì làm nên mua về trang trí cho bớt... stress. Thôi chấp nhận một Giáng sinh buồn cho những mùa Giáng sinh lẫn lễ hội năm sau tưng bừng, rực rỡ.

Mùa Giáng sinh với khẩu trang

Tháng mười hai. Gió lạnh từ rặng Appalachia dọc phía Tây Maryland ùa về xao xác. Gió thổi như cắt mặt, len vào các khe hở áo quần, làm đông cứng từng tế bào da thịt. Bước ra khỏi nhà, cứ như có ai bê nguyên thau nước đá tạt vô mặt. Thành phố vẫn lờ mờ trong ánh điện đường vàng hiu hắt. Những cành cây khẳng khiu, trơ trọi, đứng lẻ loi bên ngoài cửa sổ. Vài lữ khách trong tấm áo dày, ngồi co ro chờ xe buýt. Mọi thứ chung quanh trơ trọi, buồn tẻ và ảm đạm bởi thiếu màu xanh của hoa lá, cỏ cây. Mới bốn giờ, mặt trời đã bỏ đi đâu mất. Mấy con sẻ trốn biệt, chẳng xù lông hót véo von bên mái hiên trước ban công nhà.
Giáng sinh năm nay nhìn sơ thì không có gì khác khi mỗi sáng lái xe đi làm, bật kênh radio nào cũng nghe những giai điệu vui tươi, rộn rã. Hết Jingle bell, White Christmas, Joy to the world tới Last Christmas… Trên góc phố, người ta bán cây thông Noel xanh thẫm, đồng giá. Những vòng lá xanh có trái thông nâu, chuông vàng và dải băng đỏ thắm được treo trên cột điện. Hoa trạng nguyên phơn phớt đỏ trong văn phòng. Hang đá, máng cỏ, Đức Mẹ đồng trinh, Chúa hài đồng nhấp nháy trong ánh đèn đêm rực rỡ. Có điều du khách ngoài đường ai cũng có thêm trên mặt cái khẩu trang đủ sắc màu và giữ khoảng cách với người bên cạnh.

Covid-19 không ngăn được bà con đi mua sắm dù phải đeo khẩu trang kín mít

Nguyễn Hữu Tài

Thế giới và nước Mỹ đang trải qua những ngày cuối cùng u buồn của năm 2020 đầy biến động khi có gần 80 triệu người nhiễm Covid-19 với gần 1,7 triệu người tử vong. Và nước Mỹ không lấy gì làm tự hào khi vươn lên dẫn đầu số người nhiễm lẫn tử vong, khi chiếm tới gần 1/4 toàn thế giới. Nhiều thành phố lớn và bang Mỹ đã quay trở lại giai đoạn 1 hay 2 của tiến trình đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Mấy ngày gần đây, lại xôn xao về chủng virus mới có nguy cơ lây nhiễm gấp nhiều lần xuất phát từ Anh. Mùa đông năm nay, chắc chắn sẽ tang thương và vô cùng khốc liệt.

Ông già Noel vẫy tay chào khi tôi đưa máy lên chụp hình. Khách hàng sẽ ngồi trên bục đỏ trước mặt ông ngừa dịch bệnh.

Nguyễn Hữu Tài

Thông xanh lề đường tăng giá, bán sạch sành sanh

Nhưng không vì thế mà người Mỹ lại bỏ qua hai ngày lễ còn lại của năm. Nhất là Giáng sinh, ngày lễ lớn và quan trọng nhất. Về độ siêng làm, có lẽ những người ở Mỹ thuộc dạng đứng đầu thế giới. Một năm, các công ty tư nhân chỉ 7 - 8 ngày nghỉ lễ, kèm theo 2 - 3 tuần nghỉ phép và năm ngày nghỉ bệnh. Mà nghỉ lễ cũng chỉ một ngày, sau đó đi làm chứ không có du di bù biếc. Giáng sinh rơi vào thứ tư, thì ba và năm vẫn phải tới công ty. Nếu muốn nghỉ nhiều hơn thì lấy ngày phép. Nên bên này có khái niệm gọi là “long weekend - cuối tuần dài”. Thiệt ra cũng không dài gì đâu khi lễ rơi vào thứ sáu hay hai, cộng thứ bảy với chủ nhật, thế là bà con mặc sức đi chơi xa, kiểu như cả nước Mỹ cùng nhau ra đường vậy.
Năm nay cả Giáng sinh và Năm mới đều rơi vào thứ sáu nên phần lớn mọi người sẽ có "long weekend" ở nhà với người thân. Cách đây mấy bữa, Tổng thống Donald Trump và thống đốc Larry Hogan cũng đã ký sắc lệnh cho phép nhân viên chính phủ và tiểu bang Maryland được nghỉ có lương vào thứ năm trước ngày Giáng sinh sau nhiều hy sinh và mất mát.

Cây thông Giáng sinh quốc gia (National Christmas Tree) ở bãi cỏ trước Nhà Trắng. Ngoài cây thông to này, sẽ có thêm hơn 50 cây thông nhỏ của 50 bang và các lãnh thổ ngoại quốc của Mỹ được trang trí bằng những quả cầu thủy tinh có hình ảnh danh lam thắng cảnh nổi tiếng

Mọi năm, giờ này đi các khu shopping, bất kể ngày nào trong tuần, bạn phải vật vã tìm được chỗ đậu xe, bởi người ta hầu như không thèm ở nhà mà đổ vô các khu mua sắm để chọn quà cho người thân, bè bạn. Năm nay thì khác, thậm chí cuối tuần, trung tâm Tyson Corner ở Virginia vắng vẻ thấy thương bởi kinh tế khó khăn hạn chế mua sắm. Ai đủ điều kiện thì mua online cho tiện. Mấy anh mặc áo vàng điều tiết giao thông đã trở thành dĩ vãng. Bên trong, dẫu không nhộn nhịp nhưng người ta vẫn đi mua sắm và ngắm nghía khắp nơi. Nhưng ai cũng phải đeo khẩu trang và né người như né cọp. Mỗi tiệm luôn có hàng người đứng chờ, vì họ chỉ cho phép một số lượng người nhất định vào mua sắm. Rạp chiếu phim AMC vắng tanh. Mấy cái poster phim cũng u buồn như rạp chiếu. Dịch vụ chụp hình với ông già Noel luôn là nguồn thu khổng lồ, nhưng năm nay thưa vắng thấy lạ. Việc chụp hình vẫn diễn ra, nhưng trẻ em không được ngồi trong lòng ông già như mọi năm mà phải ngồi phía trước, cách xa gần 2m. Coi như Santa Claus năm nay chỉ làm nền trong bức ảnh.

Thông điệp chống dịch trên cao tốc 495 nối liền Virginia, Maryland và Washington D.C.: Không đâu bằng nhà mình. Mùa lễ hội này, hạn chế du lịch.

Nguyễn Hữu Tài

Dịch bệnh thì thế, nhưng giá cả lại mắc mỏ, leo thang thấy ớn. Giờ cầm trăm đô đi chợ chẳng mua được gì. Mỗi thứ tăng giá vài chục cent tới 1 -2 đô la. Cộng dồn lại mới thấy. Thông xanh bán lề đường mấy năm trước chỉ có giá chừng 29,99 đô hoặc 39,99 thôi, năm nay nhảy cái vèo lên 49,99 mà lại không thơm như năm cũ. Mấy chỗ bán thông như hoa Tết bên Việt Nam, bán ngày bán đêm trong vòng một tháng. Có điều khác với bên nhà, gần tới Giao thừa người ta bán đổ bán tháo cho mau hết về ăn Tết, bên này người bán thông vẫn kiên định với giá cũ, còn dư thì chở về chứ nhất quyết không hạ.
Năm nào tới gần Christmas Eve (đêm trước Giáng Sinh) cũng thấy họ chất đống bỏ xe chở về. Vậy mà năm nay mới 21.12 đã thấy sạch sành sanh. Ở nhà không có gì làm nên họ mua thông về trang trí cho bớt... stress. Nghe đâu doanh số cây thông Noel năm nay ở Mỹ lên tới 2 tỷ đô la (trong đó có một phần nhỏ đóng góp của tôi). Dịch bệnh, vận chuyển hàng hóa lẫn cuộc chiến thương mại cũng đã góp phần vào việc khan hiếm đồ trang trí. Amazon dù giá trên trời nhưng gần như cạn kiệt nguồn hàng. Walmart, Home Depot hay Target cũng không có nhiều. Tôi phải tìm đỏ mắt bên trong Dollar Tree cũng không đủ đồ. Phải chạy tới mấy chợ và chấp nhận giá cao trên Amazon mới gọi là tạm đủ.
Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ, mấy ngày nay, có hơn một triệu người đi qua các cửa khẩu hàng không đi khắp nước Mỹ. Chưa tính số người lái xe ngoài đường. Trên cao tốc 95 chạy từ Maine tới tận Florida, không lúc nào thưa vắng xe cộ hết. Bất chấp lời cảnh báo của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ), người Mỹ đi làm xa vẫn trở về nhà với gia đình. Ngồi quây quần bên cây thông Noel, ăn bữa cơm cuối năm với mẹ cha, anh em, ra quán ngồi nhâm nhi với bạn cũ. Đó là văn hóa, truyền thống mấy trăm năm nay của họ, không một sớm một chiều dứt bỏ được. Họ vẫn không chấp nhận sự thật là những chuyến thăm hỏi, tụ tập vào lễ Tạ Ơn đã góp phần làm cho tình trạng dịch bệnh của Mỹ ngày trầm trọng hơn. Số ca nhiễm ngày hôm sau phá kỷ lục của ngày hôm trước.

Cây thông Giáng sinh trong căn hộ bừa bộn của tôi

Nguyễn Hữu Tài

Nguy cơ bị đuổi ra đường

Giáng sinh, nhưng nỗi lo bị mất nhà cửa đang lởn vởn trên đầu, vì vào ngày cuối cùng của năm 2020, sắc lệnh đuổi người nợ tiền nhà của CDC sẽ hết hạn. Lúc đó, chủ nhà có quyền đuổi người nợ tiền do ảnh hưởng bởi Covid-19 mà không gặp bất kì cản trở nào (còn những người không chứng minh được chuyện mất việc do dịch bệnh trước quan tòa thì vẫn bị đuổi ra như thường trong suốt mấy tháng qua). Với người làm nghề cho thuê mướn như chúng tôi, phải đắn đo, cẩn thận tìm hiểu từng trường hợp một. Nếu ai ở lâu mà gặp bất trắc, nợ nần thì cũng du di. Ai mới dọn vô mà nợ cả đống thì không thể nào nhắm mắt làm ngơ được. Gần cả năm nay, chúng tôi chỉ đuổi có một lần những ca khó đòi. Có người ở gần mười tháng trời không trả xu nào. Không lấy lại nhà chắc chúng tôi bị chủ đuổi mất.

Người thiếu nợ tiền nhà bị quăng đồ ra đường

Vào cuối ngày chủ nhật 20.1, quốc hội đã thông qua gói cứu trợ kế tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Thay vì 1.200 đô la như hồi đầu xuân, lần này tấm ngân phiếu cho mỗi người trưởng thành thu nhập dưới 75.000 đô la sẽ giảm đi một nửa, còn 600 đô (thêm 600 đô cho mỗi trẻ em, thay vì 500 đô như cũ). Nhưng điều đáng mong đợi là hai đảng đã đã thông qua tiền trợ cấp thất nghiệp thêm 300 đô mỗi tuần cho tới tận tháng ba. Coi như người chưa kiếm được việc hay vật vã vì bị cắt giờ có thêm thu nhập. Lệnh cấm đuổi người nợ tiền nhà sẽ kéo dài thêm một tháng nữa. Nhưng thêm một hay hai tháng cũng chẳng ích lợi gì nhiều. Theo hãng tin Vox, số người Mỹ đối diện nguy cơ bị đuổi ra đường lên tới 40 triệu người khi lệnh của CDC chấm dứt.
Mùa Giáng sinh, các chương trình cứu trợ thực phẩm cũng được mở ra nhiều hơn. Hầu như tuần nào quận tôi cũng có vài lần phát thực phẩm cho người cao tuổi, tàn tật, lẫn các gia đình gặp khó khăn. Không cần đăng ký, tứ tới xếp hàng sẽ được nhận cả thùng. Đi ô tô thì cứ ngồi trong xe, có người mở cửa bỏ vào luôn. Có nơi chỉ chờ khoảng vài mươi phút là có đồ mang về, có chỗ xếp hàng dài tới mấy dặm đường, chờ mút mùa Lệ Thủy mới nhận được thực phẩm.
Mọi năm, lúc này là thời điểm hốt bạc của người Việt khi nhà hàng, tiệm tóc và đặc biệt là tiệm nail khách xếp hàng dài chờ tới lượt làm đẹp. Nhưng năm nay, ngáp ngắn ngáp dài, ngày được trăm bạc là mừng hết lớn. Có bữa chẳng có khách nào ghé lại, lên nói chuyện rồi về. Ngành làm đẹp ở California và New York là hai nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi lệnh đóng cửa/mở cửa cứ liên tục nối tiếp nhau, chủ lẫn thợ không biết trở tay cho kịp. Nếu như ở New York tình trạng chế tài người vi phạm nặng hơn, thì ở California, đường như sheriff (cảnh sát trưởng) cũng chẳng thèm quan tâm, bắt bớ dựa trên lệnh cấm của thống đốc Gavin Newsom. Coi như trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Họ bảo người dân chịu đựng quá đủ rồi, vẫn cần tiền để sống.
Cơ hội cho người này, thất vọng cho người khác. Trong khi nhiều người khó khăn xếp hàng lãnh trợ cấp thức ăn, không có việc, chịu đựng nỗi lo chất chồng tiền bạc, vợ chồng, con cái cãi nhau, số ca nghiện rượu lẫn sốc thuốc tăng chóng mặt, thì nhiều người chạy vắt chân lên cổ vẫn không hết việc để làm. Nhân viên siêu thị hầu như phải tăng ca, thêm giờ, không thở nổi.
Nhân viên giao hàng của Amazon lúc nào cũng có việc. Tài xế Uber, Lyft hay nhân viên nhà hàng đã chuyển qua làm cho Amazon hết trơn. Ở Mỹ còn có thêm dịch vụ đi chợ mua hàng giùm. Instacart là trang web ăn nên làm ra lắm. Bạn chỉ cần ngồi nhà mua hàng hóa online từ áo quần, giày dép, đồ điện tử tới đồ ăn, thức uống, thịt, sữa, trứng…, vài mươi phút sau sẽ có người đem giao tới trước cửa nhà bạn liền. Những người này không sống bằng lương, chủ yếu là hoa hồng và tip của bạn. Công ty tôi vẫn mở cửa, không đóng ngày nào. Người ta vẫn trả tiền nhà mỗi tháng, dẫu ít hơn, nhưng tiết kiệm được rất nhiều các chi phí râu ria thành ra chủ vẫn ấm bụng. Chúng tôi vẫn giữ thu nhập để lo cho gia đình và tiết kiệm cũng nhiều vì chẳng đi đâu chơi hay tiêu xài hoang phí.
Sau cơn mưa trời lại sáng. Nhớ rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và uống nhiều nước sả gừng kèm Vitamin C giữ sức khỏe, đó là điều mà chúng tôi vẫn thầm nhắn nhủ cho nhau mỗi ngày khi gặp nhau trên công ty hay liên lạc với nhau qua mạng. Lễ lộc không còn tụ họp, cưới xin cũng chẳng thể về, thậm chí tang lễ cũng không dám đi, chỉ tiễn biệt nhau qua Facetime, Viber hay Zoom các kiểu. Đi làm về là trốn trong nhà. Thậm chí chở trẻ con đi ngắm đèn Giáng sinh ở các khu nhà giàu hay giáo đường cũng ngần ngại. Chúng tôi còn trẻ, đường tiếp cận vaccine vẫn còn khá dài. Nên cách tốt nhất là bảo vệ sức khỏe bản thân lẫn những người chung quanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.