Việt kiều Mỹ 'lạc' giữa La Boca vì thần tượng Diego Maradona: Tình yêu duy nhất một ngôn ngữ

26/11/2020 12:47 GMT+7

Nhìn thấy sân vận động của đội Boca Juniors từ xa, mấy chữ Boca màu xanh viền vàng hiện lên giữa nền trời xanh thôi, là lòng dạ gì cũng đã thấy bồi hồi, mê mẩn khi đặt chân đến quê hương của huyền thoại Diego Maradona .

Tuổi thơ "dữ dội" với những trận bóng đá thâu đêm

Mùa hè 1994, tôi chỉ là một cậu bé chưa đầy 13 tuổi nhưng cũng đã “học đòi” anh chị và hàng xóm thức đêm thức hôm dán mặt vào cái tivi Hitachi nội địa má mới mua để coi những trận cầu nảy lửa cách đó nửa ngày trời bên kia nước Mỹ. Có thể nói đó là lần đầu tiên tôi coi đá banh một cách si mê đến vậy. Trước đó thì chỉ ngó cho vui và đọc mòn tờ báo mấy ông anh mua về giúp vui cho khách tới hớt tóc.
Vậy mà ông trời nỡ phụ lòng người khi gieo vào lòng tôi hai nỗi buồn không gì đong đếm nỗi: Thiên thần đuôi ngựa Roberto Baggio sút trái penalty quyết định lên trời để nước mắt những chàng trai thiên thanh Italy rơi xuống mặt sân khi chứng kiến người Brazil nâng cao chiếc cúp vô địch.
Và trước đó, một cú sốc to lớn hơn khi người hùng Diego Maradona của Argentina sau những lùm xùm về thuốc phiện, treo giò, đã quyết định quay trở lại đội tuyển để mong một lần nữa đưa vũ điệu tango lên ngôi vô địch bằng đôi chân ma thuật. Nhưng sau trận chiến thắng tưng bừng trước Nigeria, người hâm mộ toàn thế giới một lần nữa phải ôm đầu "choáng váng" khi Maradona không vượt qua được sự cám dỗ của doping. Sau chiến thắng chẻ tre anh, mất Maradona và dẫu vẫn còn Batistuta và Caniggia nhưng tuyển Argentina như rắn mất đầu, gục ngã dưới chân những đóa hoa hồng Bulgaria và bị Romania loại ở vòng 1/16.

Vũ điệu tango trên đường phố Buenos Aires

Nguyễn Hữu Tài

Tôi khóc. Nhiều người Ninh Hòa nức nở. Hàng triệu cổ động viên Việt Nam yêu mến Maradona bật khóc. Đất nước Argentina suy sụp. Và hàng tỉ người thần tượng Maradona không giấu nổi những giọt nước mắt của mình. Nhưng kỳ lạ thay, hầu như không một ai trên cõi đời này hờn giận hay quở mắng cậu bé vàng lắm tài nhiều tật ấy. Và đó là giải đấu cuối cùng của anh trong vai cầu thủ.
Ba mươi mấy năm qua, mỗi lần xuất hiện, Maradona vẫn đốt cháy các trang báo khắp toàn thế giới về những lần ăn chơi, hút chích, ra tòa, li dị vợ, con rơi, bồ trẻ, lẫn thời gian ngắn ngủi trên ghế huấn luyện viên (nhưng không thành công), những phát ngôn tranh cãi và cả sự bảo vệ không gì đong đếm nỗi cho đàn em Messi của mình.
Lớn lên, tôi mới biết, đơn giản, với chúng tôi, Maradona không phải là người trần mắt thịt. Anh là thần là thánh. Là một tượng đài bất khả xâm phạm. Với nhiều người, hơn cả Pele, Maradona là cầu thủ vĩ đại nhất trên toàn cõi đời này. Người ta sẵn sàng tha thứ, bỏ qua hết tất cả lỗi lầm của anh dù thời hoàng kim của Maradona đã lùi lại hơn ba mươi năm về trước.

Đến Argentina vì thần tượng

Tôi mang ước mơ đi thăm quê hương của Maradona suốt hơn hai mươi năm trời. Và khi đặt chân đến đất nước Argentina xinh đẹp, hình ảnh của Maradona lại trở về từng phút từng giây trong những ngày rong chơi ngắn ngủi.
Chuyến bay hơn mười tiếng đồng hồ của United Airlines cuối cùng đã đưa tôi đến thủ đô Buenos Aires của Argentina, đất nước được coi là “tận cùng trái đất”. Đáng lẽ tôi đi vào tháng 9 để làm quà mừng sinh nhật cho mình, nhưng sực nhớ ra lúc ấy Nam bán cầu đang vào mùa đông. Mà tôi thì ngán cái lạnh của miền buốt giá, nên dời lại tới tháng 11 để hưởng không khí ấm áp khi trời đất vào xuân mơn mởn.

Một góc phố Boca

Nguyễn Hữu Tài

Thủ tục thông quan dễ dàng. Mất chưa tới năm phút, tôi đã được cô hải quan nở nụ cười tươi, đóng dấu cái cộp, chào mừng đến với đất nước xinh đẹp này. Tôi hít một hơi thật dài để không khí trong lành chen lẫn mùi hoa xuân thơm phức, theo những “ngọn gió dịu êm ” chui vào lồng ngực. Xe buýt chạy vào khu Palermo trẻ trung, thời thượng, đầy các nhà hàng, khách sạn nhưng vẫn giữ trong lòng nốt trầm tĩnh lặng bằng các quán cà phê ven đường với vài chiếc ghế đủ màu và lắm khách nhàn du ngồi thưởng ngoạn. Khắp nơi, phượng nở bung cành, màu hoa tím lãng mạn diệu kỳ tô điểm bầu trời trong veo và những tòa nhà bằng đá hoa cương trắng muốt.
Ở nơi xa xôi và không có nhiều thời gian đi hết 48 barrio (khu phố), cách tốt nhất là book tour lẻ khoảng 50 đô la bán trên Expedia, Travelocity hay Get your guide. Sẽ có xe rước tận khách sạn và chở bạn đi thăm các điểm nổi tiếng. Cô hướng dẫn đưa chúng tôi ra Avenida 9 de Julio (Đại lộ 9 tháng 7 - kỷ niệm ngày độc lập của Argentina) rộng nhất thế giới với hơn 140 m và có 14 làn xe xuôi ngược. Để sang bên kia đường, phải mất cỡ mười 15 phút băng qua mấy trạm chờ xe buýt, công viên rợp bóng cây xanh và hệ thống đường ray dày đặt. Trong mấy ngày lưu trú ở đây, mỗi khi đi đến bất kì địa điểm du lịch nào, tôi đều phải băng qua con phố kẹt xe này. Nó giống như một xương sống, nối hai nửa của Buenos Aires, để phục vụ cho sự phát triển ngày càng cao của đô thị.
Xe đi qua những con phố yên tĩnh rợp bóng cây xanh chen phượng tím trước các tòa nhà đậm chất Gô-loa. Người ta gọi Buenos Aires là một “Paris ở phương Nam” nhờ kiến trúc Pháp không bị pha lẫn bởi chất Mỹ Latin cuồng nhiệt. Xe chạy dọc dòng River Plate (Río de la Plata) rộng như biển, là biên giới tự nhiên giữa Argentina và Uruguay. Dù mang tên là dòng sông Bạc, nhưng River Plate lại có màu nâu đỏ do thượng nguồn là mạch núi thần thoại Sierra de La Plata, tương truyền có nhiều mỏ bạc nên nhuộm đục dòng nước trong. Cô hướng dẫn dắt chúng tôi vào Phố cổ San Telmo. Hai nghệ sĩ đường phố say sưa nhảy tango trước quán cà phê quên hết đất trời. Đôi chân của họ điêu luyện tới mức xuất quỷ nhập thần, chẳng thèm để ý đến đám đông đang vây quanh, reo hò thưởng ngoạn.

Tác giả ở Boca

NVCC

Quảng trường tháng Năm (Plaza de Mayo) mang tên cuộc cách mạng năm 1810 giúp Buenos Aires tách khỏi Tây Ban Nha và góp phần thúc đẩy cuộc Chiến tranh giành độc lập của Argentina, đang bị rào lại một phần để sửa chữa. Vào mỗi buổi chiều thứ năm, giữa đàn bồ câu tung cánh trên quảng trường, là những người phụ nữ đội khăn trùm màu trắng, đi biểu tình phản đối chế độ độc tài trước kia, đã cướp mất đi chồng và những đứa con thân yêu của họ.
Khu nghĩa trang Cementerio Recoleta của giới thượng lưu Buenos Aires được xây dựng từ năm 1822, luôn là điểm hút nhiều du khách. Hơn 4.500 ngàn ngôi mộ đậm chất Gothic và các bức tượng san sát dọc theo những con đường lát đá chật hẹp, không tạo cho người ta cảm giác thê lương ma quái mà giống như đang lạc vào một thành phố thu nhỏ dành cho người chết. Phần lớn du khách đến nơi này chỉ vì một người, Eva (Evita) Perón, đệ nhất phu nhân, vợ thứ hai của thủ tướng Juan Perón.
Với người Argentina, bà là một vị thánh sống đã dành tâm huyết đấu tranh giành quyền bầu cử cho phụ nữ, đảm bảo lợi ích cho người lao động và thành lập nhiều bệnh viện cũng như trại mồ côi. Không khó để tìm ra mộ Evita. Cứ theo dòng người đông đúc, hoặc men theo lối nào mòn nhất, tìm đến ngôi mộ đông người và nhiều hoa hồng rực đỏ nhất sẽ là nơi yên nghỉ khuất sâu giữa ngõ hẹp của Evita cùng với năm thành viên khác trong gia đình. Khắp mọi nơi trên đất nước này, những bức tượng, con đường, lẫn tinh thần và niềm cảm hứng vô tận của Evita luôn hiện hữu một cách sống động, không bao giờ biến mất.

Maradona ngự trị trong trái tim của La Boca

Xe dừng lại ở điểm tham quan cuối cùng trong ngày, khu phố sắc màu La Boca của những ngôi nhà rực rỡ và niềm đam mê bóng đá vô tận. Cô hướng dẫn bảo mọi người chỉ nên đi lòng vòng trong ba góc đường chật hẹp, không xe cộ này thôi để bảo đảm an ninh và an toàn tính mạng. Chứ bước ra ngoài kia khu phố ổ chuột rộn ràng, trong chớp mắt, không biết chuyện gì sẽ xảy ra nhé. Tôi đưa mắt nhìn sân vận động của đội Boca Juniors từ xa. Sân nhỏ và thấp lè tè, nhưng chỉ cần mấy chữ Boca màu xanh viền vàng hiện lên giữa nền trời xanh thôi, là lòng dạ gì cũng đã thấy bồi hồi, mê mẩn.
La Boca lắm sắc màu bởi những bức tường được vẽ graffiti lộng lẫy và những ngôi nhà nơi đây giống như những khối hộp nhiều màu sắc xanh đỏ tím vàng được chồng và để cạnh nhau với những cửa sổ hay ban công với các bức tượng đồng của cô gái phồn thực, cậu bé tươi cười hay một ông già đầu bạc đang tươi cười chào bạn. Bên dưới, những họa sĩ trẻ già ăn mặc lập dị, hay những cụ bà đầu bạc đang ngồi thơ thẩn vừa chơi, vừa bán những bức tranh tự vẽ hay vòng đeo tay, nam châm treo tủ lạnh.

Mùa xuân hoa phượng tím nở khắp thành phố Buenos Aires

Nguyễn Hữu Tài

Đôi mắt những người bán hàng ở đó ánh lên nét hân hoan kỳ lạ khi tôi nhắc đến cái tên Diego Maradona huyền thoại. Ở đây, bóng đá với họ là một tôn giáo nhiệm màu, giúp người ta vượt qua những khổ đau, đói nghèo lẫn những bất công của xã hội. Và Maradona là một vị thánh của hàng ngàn vị thánh khác. Không cần tượng đài, cũng chẳng cần những bức tranh treo khắp cùng nhà cửa, Maradona ngự trị trong trái tim, trong dòng máu nóng, trong suy nghĩ và trong cả ước mơ của hàng triệu con người. Bà họa sĩ già bằng giọng Anh bập bẹ, trong đôi mắt ánh lên niềm tự hào bất tận, nói với tôi, ngày còn trẻ, bà đã đến đây với người yêu, xếp hàng chờ đợi, để được vô sân xem thần tượng của mình đá bóng. Vé nhiều tiền lắm, nhưng thích là được thôi.
Mấy cậu bé gần đó vẫn hang say tâng bóng, hò la bất chấp trời nắng chói chang và cả cái khó nghèo vây lấy. Phải đam mê như thế mới sản sinh ra được thiên tài. Từ những khu phố ổ chuột này, hai thiên tài bóng đá với chiều cao chưa tới 1m7, niềm đam mê bất tận của tôi Diego Maradona và Leonel Messi với đôi chân ma thuật (và bàn tay của Chúa) của mình, đã chinh phục toàn thế giới, để cho giới chuyên môn bóng đá phải đắm say và ngưỡng mộ đến đê mê.
Và suốt mấy ngày ngắn ngủi ở đó, những người Argentina thân thiện luôn chào đón một cách nhiệt tình khi biết tôi là người Việt Nam (dù sống ở Mỹ). Ở đây họ gặp nhiều người Trung Quốc, nhưng Việt Nam thì hiếm lắm (dù giữa trung tâm có tiệm phở Sài Gòn to đùng, gợi nhớ). Lễ tân khách sạn, người bán pizza ngoài đường, ông cụ bán hoa và đặc biệt là những người ngồi chung bàn khi tôi đi xem tango và ăn tối, dù phải dùng Google Translate để nói chuyện, nhưng chỉ cần tôi nhắc tới tên Maradona, và kể cho họ nghe ký ức của mình về mùa World Cup 1994 thôi, là họ hào hứng nói cho tôi nghe một lô một lốc, cả tràng câu chuyện về vị thần bất tử trên quê hương họ. Tiếc ghê, tôi không rành tiếng Tây Ban Nha, chứ không chắc tôi sẽ thu thập thêm thật nhiều câu chuyện về ngôi sao bóng đá yêu thích nhất của mình.
Ở tuồi gần bốn mươi, tình yêu bóng đá của tôi cũng nguội lạnh dần sau những thất bại liên tiếp của Italia và Argentina. Tôi cũng không còn say mê tennis nhiều như xưa khi Nadal và Serena đã bắt đầu những năm tháng cuối của sự nghiệp. Nhưng có một điều không thể nào lãng quên được, tôi chưa một lần hết si mê và cuồng nhiệt khi xem và đọc về Maradona. Tình yêu ấy vẫn cháy bỏng, nồng nàn như cậu bé tuổi 13 năm nào lần đầu dán mắt vào màn hình tivi, nhìn đôi chân ngắn ngủn nhưng như làm xiếc với từng đường bóng một.
Nếu như Evita kêu người Argentina đừng khóc cho mình "Don't cry for me Argentina" thì tôi nghĩ, trước khi nhắm mắt giã biệt cõi đời, gã đàn ông hoang đàng, thiên tài của đất nước đẹp xinh ấy chắc cũng không muốn ai đó nhỏ lệ xót thương cho cuộc đời 60 năm đầy bão giông của mình.
Vĩnh biệt ông - Maradona, cậu bé vàng của làng túc cầu thế giới. Mãi mãi sẽ không thể có thêm một ai khác thay thế được hình ảnh ông trong trái tim hàng tỷ người hâm mộ khắp vũ trụ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.