Vì sao tối qua TP.HCM mưa ngập khắp nơi và hàng loạt cây đổ?

01/11/2020 10:55 GMT+7

Chiều 31.10, TP.HCM bất ngờ xuất hiện mưa rất to kèm dông lốc khiến hàng loạt cây xanh ngã đổ. Mưa ngập kèm triều cường ở mức báo động II, làm nhiều tuyến đường chìm trong biển nước.

Khoảng 15 giờ ngày 31.10, bầu trời TP.HCM xám xịt vì mây đen phủ kín khắp nơi. Đến khoảng 16 giờ, bất ngờ xuất hiện mưa rất to ở các Q.Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Q.1, Q.3,... Hôm nay cũng là ngày triều cường ở mức báo động II nên nhiều tuyến đường ở TP chìm trong biển nước mưa ngập.
Tối 31.10, anh Đỗ Ngọc Thanh (ngụ Q.8) cho biết, trong lúc đi làm về ngang đường Võ Văn Kiệt (đoạn gần cầu Rạch Cây) anh đã chứng kiến hàng loạt cây xanh ngã đổ rạp xuống đường khiến các phương tiện lưu thông khó khăn.

Mưa ngập nhiều tuyến đường tại Q.7

Ảnh: Bùi Văn Hậu

Cây xanh trên đại lộ Võ Văn Kiệt bật gốc nằm la liệt vì mưa gió

Theo thông tin ban đầu từ Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM, cơn mưa lớn kèm gió giật mạnh trong chiều qua đã khiến 6 cây loại 2 (cây có chiều cao trưởng thành trung bình > 10m đến 15m) bị gãy nhánh, 45 cây xanh (trong đó có 40 cây loại 2, 5 cây loại 1 - cây có chiều cao trưởng thành nhỏ ≤ 10m) bị ngã đổ. Các cây xanh bị gãy nhánh và ngã đổ chủ yếu nằm trên đường Võ Văn Kiệt và khu vực Q.6.
Người dân sống tại khu vực chợ Minh Phụng (Q.6) cũng cho hay, chiều tối qua xuất hiện kèm gió rất mạnh, sấm chớp khiến nhiều người chạy xe tham gia giao thông khó khăn, có nhiều người phải dừng lại vì gió quá mạnh đánh lạc hướng tay lái.

Hàng loạt cây xanh đổ rạp trên đường Võ Văn Kiệt

Ảnh: Quang Vinh

Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, ngày 31.10, rãnh áp thấp ở phía nam vắt qua phía nam mũi Cà Mau nối với hoàn lưu bão Goni trên khu vực miền trung Philippines. Rãnh áp thấp này có xu hướng nâng nhẹ trục lên phía bắc. 
Nam bộ chịu ảnh hưởng kết hợp của rìa phía nam lưỡi cao lục địa kết hợp với rìa phía bắc rãnh áp thấp, với hội tụ gió có xu hướng hình thành trên khu vực. Vì vậy, Nam bộ thời tiết chuyển xấu đi, mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực và xảy ra ở diện rải rác tập trung về chiều tối, có nơi mưa vừa, mưa to và dông.
Đến khoảng 20 giờ, trời tạnh mưa nhưng nhiều tuyến đường nước rút chậm vì chiều tối nay, mực nước tại trạm Nhà Bè ở mức 1,50m (mức báo động II) khiến nhiều tuyến đường vẫn còn chìm trong biển nước. 

Mưa lớn, gió lốc phá tan hoang Trường Trung học phổ thông Bình Phú ở TP.HCM

Mưa kèm gió rất to tại khu vực chợ Minh Phung

Ảnh cắt từ clip Hoàng Khang

Lượng mưa đo được tại một số trạm trong cơn mưa tối qua như sau: Thủ Đức 62mm, Bình Chánh 51,8mm, Cát Lái 34,8mm, Củ Chi 28,6mm, Hóc Môn 34,6mm, Lê Minh Xuân 37,6mm.
Theo ông Quyết, cơn mưa to vào cuối mùa mưa không có gì là bất thường, sắp tới sẽ có những trận mưa lớn hơn. Mùa mưa năm nay được dự báo sẽ kết thúc vào khoảng giữa tháng 11. Hiện nay theo quan sát đang có hướng chuyển sang gió Đông Bắc, đây là dấu hiệu chuẩn bị kết thúc hoạt động gió mùa Tây Nam, đồng thời kết thúc mùa mưa.
Nói về hiện tượng cây xanh bị ngã đổ hàng loạt ở khu vực Q.6 sau cơn mưa chiều tối, ông Quyết cho rằng, đây là vì có dông lốc xuất hiện. Mùa này mưa thường xuất hiện kèm dông lốc nên ông Quyết cũng lưu ý người dân cần hạn chế ra đường trong cơn mưa và khi trời sắp chuyển mưa.
Theo dự báo, vài ngày tới nếu bão Goni di chuyển xuống thấp thì Nam bộ sẽ có mưa nhiều. Cũng theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước cao nhất ngày vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai lên chậm trong những ngày tới. Đỉnh triều đợt này xuất hiện vào ngày 2-3.11 ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động III 0,04m (báo động III là 1,60m). Vì vậy, TP.HCM vẫn có thể bị mưa ngập trong những ngày tới.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.