Vì sao phụ nữ khó ngủ hơn nam giới?

17/02/2016 15:26 GMT+7

Ai cũng cần giấc ngủ ngon, nhưng phụ nữ rất ít khả năng để có được giấc ngủ ngon như nam giới.

Ai cũng cần giấc ngủ ngon, nhưng phụ nữ rất ít khả năng để có được giấc ngủ ngon như nam giới.

Phụ nữ ít có khả năng ngủ ngon như nam giới - Ảnh: Shutterstock Phụ nữ ít có khả năng ngủ ngon như nam giới - Ảnh: Shutterstock
Một cuộc thăm dò của Quỹ Giấc ngủ Quốc gia Mỹ (National Sleep Foundation) tiết lộ rằng có đến 2/3 phụ nữ gặp trục trặc đối với giấc ngủ ít nhất một vài đêm/tuần và khoảng 50% phụ nữ thường bị thức giấc nửa đêm cũng như thường xuyên cảm thấy rất mệt mỏi.
Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia giấc ngủ cho biết các yếu tố sinh học liên quan đến các vấn đề thực tế như: chăm sóc em bé, kinh nguyệt, tuổi tác… khiến giấc ngủ của phụ nữ kém chất lượng hơn nam giới.
Kinh nguyệt
Mức estrogen và progesterone dao động trong chu kỳ kinh nguyệt gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của phụ nữ. Dianne Augelli - chuyên gia về giấc ngủ tại Trung tâm Cornell Weill - phát biểu trên New York Times cho biết nồng độ estrogen ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh, từ đó tác động đến chu kỳ của giấc ngủ. Những biến động của hormone này là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể.
Mang thai có thể gây ra khó ngủ - Ảnh: Shutterstock

Mang thai và có con
Mang thai có thể gây ra khó ngủ, điển hình là cảm giác khó chịu về thể chất, thường xuyên đi tiểu và ợ nóng. Hội chứng chân bồn chồn và ngưng thở khi ngủ cũng có thể xảy ra trong khi mang thai và can thiệp trực tiếp vào giấc ngủ.
Sau khi mang thai và sinh con, việc chăm sóc em bé cũng khiến giấc ngủ của phụ nữ bị xáo trộn.
Mãn kinh
Mãn kinh cũng gây rắc rối cho giấc ngủ của phụ nữ do các triệu chứng nóng bừng và đổ mồ hôi đêm tác động đến.
Hiện tượng ngưng thở trong khi ngủ cũng có xu hướng tăng lên trong thời kỳ mãn kinh và sau mãn kinh.
Căng thẳng, lo âu và trầm cảm
Phụ nữ có xu hướng dễ bị tổn thương hơn so với nam giới khi cảm thấy buồn và lo lắng.
Theo một số nghiên cứu, phụ nữ luôn cảm thấy bị áp lực và căng thẳng hơn so với đồng nghiệp nam, cả trong công việc xã hội và gia đình.
Phụ nữ khi có tuổi, đồng hồ sinh học thay đổi nên dễ dẫn tới mất ngủ - Ảnh: Shutterstock

Tuổi tác
Các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như đi tiểu thường xuyên hoặc đau mãn tính có thể khiến người cao niên liên tục thức giấc nửa đêm. Hơn nữa, khi có tuổi, đồng hồ sinh học dần dần điều chỉnh giờ đi ngủ sớm hơn.
Nếu không lắng nghe cơ thể và đi ngủ quá sớm, thiếu ngủ là điều chắc chắn xảy ra.
Chế độ ăn uống
Nếu bị khó ngủ, chế độ ăn uống cũng có thể là nguyên nhân. Buồn ngủ vào ban ngày và chất lượng giấc ngủ kém là những triệu chứng phổ biến ở những người béo phì.
Theo Mercola, thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp chống lại điều này, bất kể trọng lượng cơ thể ra sao.
Một số loại thực phẩm được biết đến có tác dụng thúc đẩy giấc ngủ ngon như: sữa ấm, trà hoa cúc, quả anh đào, quả hạnh, rau bina.
Ngoài ra, ăn một bữa ăn nhẹ giàu protein vài giờ trước khi đi ngủ cũng có thể giúp ngủ ngon, vì nó cung cấp L-tryptophan cần thiết cho việc sản xuất melatonin và serotonin. Trong khi đó, các thực phẩm và đồ uống có quá nhiều caffeine lại gây trở ngại cho giấc ngủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.