'Vẽ' tranh bằng mảnh gốm

02/01/2016 16:11 GMT+7

Không chọn chất liệu sơn dầu, cũng không chọn màu nước, họa sĩ Thanh Thủy phải lòng gốm và quyết định mang chất liệu này vào tranh.

Không chọn chất liệu sơn dầu, cũng không chọn màu nước, họa sĩ Thanh Thủy phải lòng gốm và quyết định mang chất liệu này vào tranh. 

Họa sĩ Thanh ThủyHọa sĩ Thanh Thủy
Tranh ghép gốm không mới, nhưng để sáng tác tranh trên một bề mặt có kích thước nhỏ là một thử thách không phải ai cũng đủ can đảm “mở lối đi riêng” như chị.
Ai cũng cản !
Họa sĩ Thanh Thủy tâm sự rằng chị thích những thứ lắp ghép tỉ mỉ. Sau khi hoàn tất chương trình thạc sĩ ở Đại học Mỹ thuật, chị được cơ duyên đưa đẩy đến con đường làm tranh gốm. Khi hỏi về quá trình sáng tác tranh ghép gốm, chị Thanh Thủy như cá gặp phải nước, và cứ thế chị thao thao bất tuyệt về chuyện nghề. “Đầu tiên vẽ tranh sơn dầu hoặc bằng bất cứ chất liệu gì. Khi hoàn chỉnh, bẻ những mảnh gốm theo màu bức tranh của mình. Gốm đã nung men màu rồi. Những mảnh gốm này phải do mình làm. Những công trình kiến trúc (hoặc tranh trên tường) có thể lấy mảnh sành sứ có sẵn được vì khi ghép lên bề mặt bằng xi măng độ lồi lõm của gốm sẽ từ điều chỉnh được. Còn khi làm tranh, tôi phải dán những mảnh gốm lên bề mặt tranh, nếu không chọn những mảnh gốm có độ dày bằng nhau, bề mặt tranh sẽ không bằng phẳng. Bên cạnh đó, không tự làm ra những mảnh gốm thì màu sắc của bức tranh sẽ không phong phú mà theo kiểu có gì ghép nấy, có màu nào xài màu đó. Vậy thì chẳng thể nào sáng tạo ra một bức tranh được bởi làm tranh đôi khi phải diễn tả những màu không có thể tìm được trên thị trường gốm sứ”, chị kể.
Không than phiền về những khó khăn khi làm tranh ghép gốm, họa sĩ Thanh Thủy lại tâm tư về chuyện dòng tranh này khá kén người thưởng thức ở Việt Nam. Thậm chí khi chị chọn tranh ghép gốm làm đề tài tốt nghiệp thạc sĩ thì “nhiều người cản tôi không nên làm. Vì thật sự dòng tranh này còn khá lạ và đối tượng nghiên cứu cũng hiếm. Ở Việt Nam cũng chưa có sách nào chỉ dẫn hay viết về dòng tranh này hết. Khi bắt đầu bén duyên, tôi có mua một vài cuốn sách ở nước ngoài nhưng viết nhưng cũng không được đầy đủ lắm. Và nó không phải là tranh, người làm hầu như là những người thợ. Hầu hết người ta làm tranh theo những hình có sẵn chứ không phải sáng tác”.
'Vẽ' tranh bằng mảnh gốm 2
Không phải trò xếp gạch !
Chuyển từ tranh sơn dầu qua tranh ghép gốm là một sự thay đổi về đường nét lẫn màu sắc rất lớn. Nhiều người vẫn nghĩ tranh ghép gốm giống như trò chơi xếp gạch, chỉ cần xếp gốm lại với nhau rồi dán lên trên một bề mặt là đã có một bức tranh hoàn chỉnh. “Khi bẻ gốm để ghép vào tranh thì chẳng có mảnh nào giống mảnh nào. Ghép theo kiểu khác nhau sẽ ra hình thù khác. Nhưng do giới hạn về hình thù của từng mảnh gốm nên đường nét trong tranh không khoáng đãng như tranh sơn dầu. Người làm tranh ghép gốm sẽ không có chuyện có thể đi một đường cọ ngẫu hứng hay vẽ chồng lên đường nét cũ như ở tranh sơn dầu”, chị tâm sự.
Theo họa sĩ Thanh Thủy, chất liệu gốm cũng không dễ “chế biến” như một số chất liệu khác. Để có màu tím thì phải pha màu đỏ và màu xanh. Để có được màu gốm theo ý muốn thì không phải chỉ cần tô màu lên gốm rồi đem đi nung là xong. Người họa sĩ ghép tranh gốm phải tính toán được khi tô màu lên những mảnh gốm tỷ lệ nào, nung bao nhiêu độ mới có thể có được màu cần dùng. “Chuyện muốn làm mẻ gốm màu này, nhưng lại ra màu kia là chuyện bình thường. Nghĩ theo một cách lạc quan thì nếu kết quả là một màu mới hoàn toàn so với với ý định ban đầu, mình có thể để dành cho các bức tranh sau, hoặc lúc đó mình sẽ có thể sáng tạo thêm những chi tiết mới cho bức tranh”, chị Thanh Thủy tiết lộ.
Vì đường nét của tranh ghép gốm không được mềm mại nên khó nhất là “vẽ” chân dung. Nhưng hình như chuyện gì càng khó thì càng tạo cho chị thêm động lực để chinh phục. “Chân dung khó làm vì phải diễn tả được thần thái. Đường nét của các mảnh gốm khi ghép với nhau phải uyển chuyển hơn”, chị cho biết. Một trong những đề tài mà nữ họa sĩ này đang nung nấu là sáng tác tranh hoa dừa bởi “tôi yêu loài hoa này lắm! Nó đẹp, gần gũi với người Việt Nam và mỗi lần nhìn nó tôi lại thấy thư giãn. Sắp tới, tôi sẽ sáng tác tranh ghép gốm hoa dừa để thỏa niềm đam mê”.
Kích thước nhỏ nhất của tranh ghép gốm là 20 x 20 cm. Họa sĩ Thanh Thủy chia sẻ rằng kích thước của tranh càng nhỏ thì độ khó càng cao và thời gian làm càng lâu. Việc một bức tranh mất chừng ba đến bốn tháng mới hoàn thành là chuyện thường. Làm xong rồi, lột ra để ghép lại cũng không có gì lạ nên “phải yêu mới có thể gắn bó được lâu với dòng tranh này”.
'Vẽ' tranh bằng mảnh gốm 3
'Vẽ' tranh bằng mảnh gốm 4
'Vẽ' tranh bằng mảnh gốm 5

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.