Vào trại mãng xà

29/07/2010 04:40 GMT+7

(TNTS) “Sát thủ đầm lầy”, “Ác mộng rừng xanh”, “Chúa rắn”… những biệt danh nghe rùng rợn của các loài rắn độc rừng rậm phương Nam từ lâu đã quy tụ đủ mặt tại một trang trại. Ở đó, người ta ước rằng chất độc của chúng đủ để giết hàng vạn người. Nhưng kỳ lạ, chính trại rắn độc này mấy mươi năm nay đã gián tiếp giúp cứu sống hàng vạn người.

“Chung cư” rắn

Trên một vùng đất ẩm thấp bên bờ sông Tiền (xã Bình Đức, H.Châu Thành, Tiền Giang), có một khu “chung cư” kỳ lạ. Hàng loạt những “căn hộ” thấp lè tè, nằm san sát trong khuôn viên rộng mát, được xây với nội thất duy nhất là cái hang nhô cao, chiếm phần lớn diện tích bên trong. Dù vậy, đây được coi như là nơi ở sang trọng và “lịch sự” nhất cho các cư dân không chân, vốn sống gắn liền với rừng rú, bụi rậm, trong sự cảnh giác cao độ từ bên ngoài. Người ta ví von nơi này là “khu chung cư của rắn”. Cơ man là rắn, từ rắn hổ ngựa “lãng tử” có tốc độ tia chớp, đến rắn hổ đất “mặt trăng” lầm lì, từ các loài rắn lục ẩn dật đến rắn hổ chúa (hổ mây) “đi mây về gió” có bản năng gần như tuyệt hảo của loài rắn thống lĩnh, tất cả đều “chịu phép” ở đây. Chúng được con người bảo vệ, và ngược lại cũng bảo vệ con người, bằng… nọc độc của mình (!).

Trại rắn Đồng Tâm (có tên khác là Trung tâm Dược liệu Quân khu 9) từ lâu đã là trang trại nổi tiếng bậc nhất miền Tây, cả về phương diện đánh thức hiếu kỳ, lẫn tầm ảnh hưởng trong nghề “dụng” rắn. Trại thành lập từ tâm huyết cháy bỏng của vị bác sĩ quân y, cũng là cao thủ trị rắn Trần Văn Dược (Tư Dược). Nhiều người coi ông là nhân vật huyền thoại. Người ta nói thầy rắn Tư Dược đã đạt tới đẳng cấp có thể khiển rắn từ xa, có thể cứu người bị rắn cắn khi các cao thủ khác bó tay. Trong thời gian theo kháng chiến, Tư Dược đã để lại nhiều giai thoại ở vùng đầm trũng Đồng Tháp Mười. Như lần ông đã “dạy” lão thầy thuốc rắn coi rẻ mạng sống của nạn nhân. Sau khi cứu sống một cô gái đẹp bị rắn hổ đất cắn bất tỉnh, Tư Dược bị lão thầy rắn, trước đó từ chối cứu cô gái, dè bỉu rằng “chỉ biết cứu gái đẹp”. Anh bộ đội Trần Văn Dược đã gọi con rắn hổ đất từ hốc cây, được cho rằng chính nó đã cắn cô gái, bò ra “diện kiến” trước sự thán phục của lão thầy thuốc rắn và nhiều người đến xem. Tư Dược cho rằng ông thầy thuốc rắn đã chưa hết lòng cứu chữa, vì sợ “mang tiếng” mà đành đoạn bỏ mặc nạn nhân trước cái chết cận kề. Lão thầy thuốc rắn phục sát đất tài của anh bộ đội, hứa về sau sẽ hết lòng cứu chữa cho các nạn nhân bị rắn cắn, không vụ lợi.


Ấp trứng rắn

Mùa mưa năm 1977, ông Tư Dược đeo ba lô về cắm đất tại vành đai quân sự Đồng Tâm, vùng ngoại ô của thành phố Mỹ Tho. Tháp tùng ông lúc ấy có 5 đồng sự thuộc biên chế quân đội và 3 con rắn hổ mang “làm vốn”. Sự kiện đầu tiên để sau này, khi ông Tư Dược mất, tại vùng đất ẩm ướt bên sông Tiền, thế hệ sau ông đã phát triển trại rắn thành nơi tầm cỡ bảo tồn và phát huy tiềm năng của loài rắn giúp ích cho cuộc sống. Trại rắn có quy mô bề thế nhất Việt Nam này đã là chốn trú thân của hàng ngàn con rắn. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà những người trại Đồng Tâm được giao là bảo tồn hai loài rắn hổ mang bành và rắn hổ chúa, vốn có nọc độc nhất trong dòng họ nhà rắn hổ, nhưng cũng bị săn bắt ráo riết nhất, được nhà nước ban hành lệnh cấm nuôi nhốt, săn bắt, mua bán, giết mổ... Rắn ở đây được bảo vệ an toàn, sinh sản và lại cho nọc độc để từ đó bào chế ra nhiều dược liệu quý. Trong số này, đặc biệt quý là loại huyết thanh chữa trị cho người bị rắn độc cắn được trại Đồng Tâm phối hợp với Viện Vaccine Nha Trang bào chế, trang bị cho hệ thống bệnh viện trên khắp cả nước... 


“Chùm” rắn lục vắt vẻo trên cây tại trại Đồng Tâm. Ảnh: Nhật Hào

Người – rắn “tạo dựng lòng tin”

Một thời gian dài, khách tới trại rắn Đồng Tâm rất hay thấy hình ảnh quen thuộc là các chàng trai tay cầm lủng lẳng rắn hổ mang, miệng cười tươi như các diễn viên xiếc. Loài rắn vốn khét tiếng với nọc cực độc “đoạt mạng” cũng trở nên hiền như con mèo, con chó trong nhà. Khả năng dị thường ấy không khỏi khiến người xem dễ liên tưởng tới bùa ngải thần bí. Rằng những người ở trại Đồng Tâm có khả năng bảo rắn nghe lời… Về sau này, việc tay không bắt rắn biểu diễn tại trại Đồng Tâm đã có lệnh hạn chế, nhưng không vì thế mà mối quan hệ giữa con người và các loài rắn ở đây bị thay đổi.


Chuyển nhà cho một chú rắn hổ mang

Vị thiếu tá quân đội dựng chiếc xe đạp cọc cạch, từ tốn tiếp người đến hỏi chuyện bên băng ghế dưới tán cây to. Khung cảnh yên ả buổi trưa không làm giảm cảm giác rờn rợn của người mới đến khi biết rằng mình đang ngồi ở giữa một vùng đất đầy rắn độc. Từ các loại rắn nhỏ chít chắt đến các “ông” rắn khổng lồ đủ đẳng cấp để làm mưa làm gió chốn rừng xanh; từ loài rắn hiền như cục đất đến loài có thể phun nọc độc giết người từ xa… đều có mặt trong bộ sưu tập độc nhất vô nhị này. Tuy thiếu tá Trần Văn Hồng (Trưởng bộ phận nuôi trồng, Trại rắn Đồng Tâm) cho biết trong lịch sử trên 30 năm nay, ở đây không có chuyện rắn rời khỏi “nơi ăn chốn ở”, ra ngoài tấn công người. Nhưng khi bước chân vào lãnh địa mà bốn bề đều gặp những chiếc mang phùng to như khiêu chiến của bầy rắn hổ, hay từng chùm rắn lục quấn cục vắt vẻo trên ngọn cây… không ít người đã phải cóng chân. Là “tổng quản” khu vực này, ông bảo rằng các chàng trai của ông đều là những người “được chọn lựa rất kỹ”.


Luôn vất vả khi chuyển nhà cho rắn hổ chúa (hổ mây), dù khi rắn có kích cỡ chưa to

Phủ nhận những yếu tố bùa ngải, ông Hồng giải thích sở dĩ những người ở đây có thể bắt rắn hằng ngày là do “hiểu rắn và làm cho rắn hiểu mình”. Theo ông Hồng, rắn không chủ động tấn công người nếu chúng tin rằng mình không làm hại chúng. Vì vậy mà người và rắn phải “tạo lòng tin” lẫn nhau. Trước hết, con người phải hiểu “sinh lý, sinh thái” của rắn, lúc nào nó đói, lúc nào nó sắp thay da, buổi nào nó đi kiếm ăn, lúc nào nó tỏ thái độ không hài lòng...  Trung tá Vũ Ngọc Lương chia sẻ: Để  tránh những động tác gây “nghi ngờ” cho rắn, con người phải có thái độ rõ ràng và khi bắt rắn thì hành động phải dứt khoát, không chần chừ. Để được như vậy, người bắt rắn phải có tâm lý vững vàng, không sợ sệt… dù rằng tiếp xúc với mình là những con vật có thể giết người bằng nọc độc.


Ảnh: shutterstock

Phá vỡ những điều được các thầy rắn dân gian xem là cấm kỵ trong nghề rắn, những người ở đây dần phát lộ những bí ẩn của rừng rậm. Những uy quyền của rừng rậm được bảo vệ và khai thác không phải từ kết quả của săn đuổi mà từ sự thông hiểu và lòng tin của con người với loài vật vốn tiềm tàng những bản năng hoang dã. “Con người còn có tâm trạng lúc này lúc khác, huống hồ loài rắn”, thượng úy Nguyễn Hữu Viên, người trực tiếp coi sóc khu vực nuôi rắn đúc kết. Ở đây, bao nhiêu mối hiểm nguy tiềm ẩn được bảo đảm bằng tường rào, lưới sắt. Trừ họ, những người cố gắng “hiểu” rắn.

Buổi trưa, tình cờ tôi đã theo thượng úy Viên và các đồng sự “chuyển nhà” cho rắn. Anh Viên giải thích rằng phần lớn những con rắn ở đây không muốn “chuyển nhà”. Mỗi khi chuyển sang chỗ mới, chúng trở nên dè dặt với con người, lúc cho ăn, chúng cũng “nhát mồi” hơn. Tuy nhiên, việc dời chỗ ở cũng phải làm thường xuyên, khi rắn tới kỳ “làm nhiệm vụ” hay tới lứa phải “ra riêng”. Trong trại này, chỉ trừ 4 con rắn hổ mây hơn 10 năm tuổi là được thiết kế nơi ở riêng, to hơn rất nhiều lần những nơi ở khác. Nguyên do là bởi cơ thể của chúng cũng đã “bề thế” hơn các loài rắn khác, có thể đạt trọng lượng đến 20 kg và lượng nọc đủ để giết hàng chục người. Người dân miền Tây cho rằng, nếu dưới sông cá hô là cá vua thì trên rừng rắn hổ mây là rắn chúa. Loài rắn này gắn liền với những câu chuyện huyền bí ly kỳ ở những địa danh đặc biệt như U Minh, Núi Cấm hay rừng mưa Phú Quốc… với hình ảnh biểu trưng là đôi mãng xà khổng lồ trị vì nơi liêu tịch. Dòng họ mãng xà đó chính là rắn hổ mây quý hiếm được bảo tồn tại trại Đồng Tâm. Tuy thân hình to và dài, nhưng chúng luôn nhanh và đầy sức mạnh. Anh Viên nói, rắn hổ chúa chỉ chuyển nhà khi còn nhỏ thôi, nhưng mỗi lần chuyển “nhà” là mỗi lần vất vả. Kế đến mới là loài rắn lục đầu dồ, có thể tấn công bất thần ở mọi tư thế, rồi cả rắn hổ mèo với đòn phun nọc độc…, rất nguy hiểm.


Tại bệnh viện trị nọc rắn độc của Trại rắn Đồng Tâm luôn có nạn nhân đến cầu cứu. Bệnh viện này miễn toàn bộ viện phí

Khi cho rắn ăn lại là một thách thức khác. Rắn hổ chúa tuy được nuôi nhốt nhưng vẫn giữ bản năng săn mồi chốn hoang dã. Chúng có khả năng đánh hơi con mồi ngay từ xa, nên lắm khi xách xô thức ăn chưa tới, chúng đã nhảy tới cửa đón! Không giống với nhiều loài rắn khác, món ăn khoái khẩu của rắn hổ chúa lại là… rắn. Nên thường, hai con rắn hổ chúa không thể sống chung nếu nó cùng giống, bởi điều này rất dễ dẫn đến một cuộc “thư hùng”. Còn khi con đực và con cái ở chung, chúng sẽ là một cặp khó rời. Tuy nguy hiểm thế, nhưng rắn hổ còn có thể dễ đón được “tâm tánh” hơn các loài rắn lục. Rắn hổ khi tấn công còn tỏ trước “thái độ”, còn rắn lục thường tấn công bất ngờ. “Gây án” xong, rắn hổ thường bỏ chạy thục mạng, còn rắn lục vẫn cứ nằm ì một chỗ và cũng có thể tiếp tục tấn công nhiều lần. Anh Viên kể, những khi trời mưa gió, chính lũ rắn lục thường hay “gây sự”, nhau nháu bò lên cây kiếm đường “phi” ra ngoài. Nhưng hệ thống tường rào ở đây được xây chắc chắn nên đã ngăn khả năng “tạo phản” của đám rắn lục. Tuy nhiên, cũng có lần chúng bất ngờ tấn công người thường xuyên tiếp xúc và cho chúng ăn. Năm rồi, một đồng sự của Viên bị rắn lục bất ngờ nhảy lên bổ vào tay. Hay như Viên, có lần sơ suất đã cho nguyên ngón tay vào… miệng rắn hổ, lần này không phải là lỗi của rắn. Sau đó anh phải điều trị nhiều ngày mới qua khỏi. Viên nói, rất may là anh bị thương ngay tại trại Đồng Tâm, được cấp cứu tại chỗ, còn nếu ở xa, với lượng nọc đó vào cơ thể có lẽ đã không toàn mạng.

Có một kỳ tích tại Trại rắn Đồng Tâm mà không đâu làm được: từng cứu sống hàng vạn người bị rắn độc tấn công từ khắp các tỉnh miền Tây chở đến. Trong mỗi giai đoạn, những người ở đây đã hoàn thiện phương pháp cấp cứu và điều trị nọc rắn độc. Trung tá Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc trại rắn tự tin rằng, bất kể là nọc độc của rắn gì, nếu đưa đến kịp lúc thì các bác sĩ của ông sẽ cứu sống 100%. Đến năm 2005, với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 9, bệnh viện chuyên điều trị rắn đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được xây dựng trong khuôn viên trại rắn, miễn toàn bộ viện phí cho bệnh nhân, vốn đa số là người nghèo.

Bài & ảnh: Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.