Ướt sũng trong lễ hội té nước ở Thái Lan

15/04/2015 11:06 GMT+7

(TNO) Songkran là tết truyền thống của Thái Lan, diễn ra từ ngày 13-15.4 hằng năm. Vào những ngày này, mọi người thường té (tạt) nước vào nhau như một cách rửa sạch những điều phiền muộn, xui xẻo, đem lại sự tươi tắn, sạch sẽ cho năm mới.

(TNO) Songkran là tết truyền thống của Thái Lan, diễn ra từ ngày 13-15.4 hằng năm. Vào những ngày này, mọi người thường té (tạt) nước vào nhau như một cách rửa sạch những điều phiền muộn, xui xẻo, đem lại sự tươi tắn, sạch sẽ cho năm mới. Tại nhà, người dân thường làm lễ tắm Phật. Họ dùng nước thơm để tưới lên tượng.

 

Ướt sũng trong lễ hội té nước ở Thái Lan - Thực hiện: T.Tiên
Bạn trẻ từ nhiều quốc gia đến Thái Lan tham dự lễ hội té nước
Với quan niệm người nào càng bị tạt nước nhiều thì càng may mắn. Vì thế, đi ngoài đường dịp này, ai cũng luôn chuẩn bị tinh thần “ướt sũng”. Người dân mang cả thùng nước lớn ra đứng ngay vệ đường, chờ người đi ngang để tạt. Thậm chí có nhiều người còn lái xe tải nhỏ, chất đầy “biệt kích” cầm súng ngồi phía sau sẵn sàng “nã nước” vào người đi đường.
Súng nước đủ loại từ súng lục nhỏ bằng bàn tay đến súng máy dài cả mét, có hẳn chiếc bình gần 20 lít dự trữ. Nước được bơm miễn phí, nhưng nhiều chỗ có dịch vụ châm nước đá (để dội nước lạnh hơn, “phê” hơn) với giá 5-10 baht (khoảng 3.000-7.000 đồng). Phấn rôm, đất sét màu (gọi là “din sor pong”) cũng được bán đầy đường để bôi lên mặt nhau như một trò chơi đem lại niềm vui, chúc nhau bảo vệ, tránh xa những điều xấu.
Tại Bangkok, khách du lịch và người dân đã tụ về trung tâm thương mại Central World, khu Silom và Khao san. Nhạc mở ầm trời, đường được chặn lại làm phố đi bộ với rất nhiều hoạt động như: đá bóng dưới nước, thổi bọt xà bông, văn nghệ, đấu súng… thu hút cả trăm ngàn người. Từ già trẻ lớn bé, đủ mọi quốc tịch, tất cả đều hòa mình xịt nước lẫn nhau rất vui vẻ và hồn nhiên.
Dịp này, giới trẻ Việt Nam sang Thái chơi cũng đông không kém. Vào những khu Silom, Khao san, không khó để nghe tiếng Việt. “Tết Songkran, rất vui và lạ. Họ tạt nước lẫn nhau, không phân biệt già trẻ để đem lại niềm vui, may mắn”, Nguyễn Thị Duyên, quê ở Thanh Hóa, lần đầu tiên dự Tết Songkran, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.