Ước mơ tuổi 18 của chàng trai cả nhà bị bị lũ cuốn trôi

18/03/2017 09:12 GMT+7

Năm 2005, một trận lũ lớn đã cuốn trôi ông bà, cha mẹ của cậu bé Thào A Khay - dân tộc Mông, ở bản Hàng Tấu, xã Túc Đán, H.Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. A Khay bơ vơ giữa núi rừng khi mới lên 6 tuổi.

Sau khi đọc bài viết về em Thào A Khay của nhà báo Cao Ngọ trên Báo Thanh Niên số phát hành ngày 24.10.2005, bà Phạm Thị Lan, Chủ tịch HĐQT Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Thanh Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM đã nhận Thào A Khay về nuôi nấng, cho ăn học tại trường. Thấm thoắt đã gần 12 năm trôi qua, cậu bé Thào A Khay ngơ ngác ngày nào giờ đã trưởng thành.
Nhiều năm liền đạt học sinh giỏi
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn - Phó hiệu trưởng nhà trường, nhớ lại: “Lúc mới vào trường, Thào A Khay nhút nhát, chưa biết tiếng Kinh trông thương lắm. Hồi đó trường còn có các lớp mầm non nên cũng thuận lợi cho em. Tuy nhiên, do phải mất 2 năm để học tiếng Việt, quen với môi trường sống mới cho em vào lớp 1”.
Cũng theo thầy Sơn, khi còn học tiểu học, Thào A Khay không nổi trội trong học tập, nhưng từ khi vào lớp 6, việc học của em mới bắt đầu tiến bộ, và từ lớp 8 đến nay, em luôn là học sinh giỏi.
Do học trễ nên đã 18 tuổi nhưng Thào A Khay đang học lớp 10, và tất nhiên, cậu bé ấy đã trưởng thành hơn từ vóc dáng đến tâm hồn. Chỉ có sự kiệm lời, ít cười vẫn như xưa.
Khi Thào A Khay học lớp 4, nhà trường hỏi em thích sau này sẽ làm gì, em không ngần ngại cho biết muốn trở thành thầy giáo. Còn bây giờ, Thào A Khay thích trở thành kỹ sư cơ khí. “Em thích mày mò, khám phá các loại máy móc, thích được sáng chế xe hay các máy công nghiệp nên chắc sau này em sẽ thi vào ngành cơ khí”, Thào A Khay chia sẻ.
Thào A Khay và cô Hữu hiện nay
Mong được mơ thấy mẹ!
Trong những ngày này, Báo Thanh Niên và Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Thanh Bình đang chuẩn bị hồ sơ để lo thủ tục nhập hộ khẩu, làm căn cước công dân và nhiều giấy tờ khác cho em Thào A Khay tại H.Hóc Môn, TP.HCM. Ban Biên tập Báo Thanh Niên cũng đã quyết định sẽ cấp học bổng cho em Thào A Khay trong suốt những năm học đại học sau này nếu em tiếp tục việc học.
Sống và học tập tại trường nên Thào A Khay được nhà trường chu cấp toàn bộ, từ học phí, ăn uống, đồ dùng cá nhân và các chi phí sinh hoạt hằng ngày. Ngoài Thào A Khay, nhà trường còn nhận nuôi nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi… và đó là những người bạn, là anh chị em trong gia đình của Thào A Khay.
Nhờ có “đại gia đình” này mà việc học của Thào A Khay ngày càng tiến bộ khi các em cùng học nhóm, cùng chia sẻ những tâm tư, tình cảm trong sinh hoạt đời thường.
“Chúng em cũng hay được nhà trường đưa đi chơi, giao lưu với học sinh các trường khác. Ngày lễ tết, có lúc em được các thầy cô trong trường chở về nhà chơi, em thấy sống và học ở trường rất thoải mái”, Thào A Khay kể.
Thào A Khay nói: “Hồi nhỏ, em có thấy mẹ trong mơ. Nhưng lâu rồi em không còn mơ thấy mẹ và cũng không thể hình dung được gương mặt mẹ ra sao. Cũng quá lâu rồi… Hiện ao ước cháy bỏng nhất là trong mùa hè này là được trở lại quê hương, được nhìn thấy đời sống của đồng bào mình, và có thể tìm lại những người thân đang sinh sống nơi quê nhà...”.
Nghe ước mơ ấy của cậu học trò, bà Phạm Thị Lan mỉm cười: “Như đã bàn bạc với Báo Thanh Niên lúc nhận Thào A Khay vào trường, sau khi em học tập xong, sẽ tổ chức đưa em trở lại quê nhà để em sống gần với bà con họ hàng cũng như đóng góp cho quê hương. Nếu hè này có điều kiện và em đã đủ 18 tuổi, trường tạo điều kiện giúp em thực hiện ước mơ của mình”.
Trước băn khoăn của chúng tôi về việc sau khi tốt nghiệp THPT, nếu Thào A Khay đậu đại học thì việc ăn ở của em sẽ ra sao, bà Phạm Thị Lan khẳng định chắc chắn nhà trường vẫn tạo điều kiện cho em ăn ở tại trường. Sau khi em tốt nghiệp đại học, có việc làm thì việc tiếp tục ở lại trường, về quê hay như thế nào là tùy thuộc vào quyết định của em”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.