Ứng xử thiếu văn hóa ngày càng tăng: Giáo dục nhân cách là quan trọng

15/10/2016 10:32 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 13.10 đăng bài Ứng xử thiếu văn hóa ngày càng tăng .

Tuổi mới lớn thích thể hiện
Tình trạng học sinh đánh nhau với tần suất ngày càng nhiều, mức độ nguy hiểm ngày càng cao đã đến mức báo động. Đành rằng tâm lý tuổi mới lớn thì hay thích thể hiện mình nên đôi khi đánh nhau, nhưng hiện nay nhiều học sinh đánh bạn rất dã man.
Đã có nhiều sự việc dẫn đến tử vong, có trường hợp nạn nhân cảm thấy nhục nhã rồi tự tử. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh ngay thì hậu quả sẽ khôn lường. Nhất là khi thời buổi hiện nay các phương tiện truyền thông, mạng xã hội phát triển thì tình trạng này càng dễ lây lan.
Nguyễn Thái Phong
(Q.7, TP.HCM)
Lo cho các em
Tình trạng ứng xử thiếu văn hóa ngày càng tăng, đã đến mức báo động trong khi gia đình thì đổ cho nhà trường, trường học thì nói do xã hội… Không thể chấp nhận hình ảnh các em học sinh còn mặc đồng phục mà vừa tan học lại xúm vô đánh bạn đến thương tật như vậy.
Đã thế, nhiều em còn quay phim rồi đưa lên mạng, xem là trò vui. Còn nhỏ mà đã ứng xử hung hăng, bất chấp tính mạng người khác thì lớn lên, các em sẽ trở thành người như thế nào? Giáo dục về kiến thức cho các em là cần thiết nhưng giáo dục nhân cách mới là quan trọng nhất.
Trần Trọng Nhân
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
Trách nhiệm chung
Nhà trường, gia đình và cả xã hội phải có trách nhiệm. Nếu chỉ cho các em nghỉ học rồi thôi thì các em sẽ càng lún sâu vào vòng xoáy thiếu văn hóa, việc cần làm kế tiếp là phải đưa các em vào các cơ sở giáo dục. Thậm chí, có thể xử phạt các em phải lao động công ích để các em suy nghĩ, nhận thức về hành vi của mình. Em nào hối cải, thay đổi thì tiếp tục cho học lại. Ở tuổi các em chưa ý thức được tương lai nên việc cho nghỉ học cũng chưa làm cho các em biết sợ. Thậm chí khi không được đi học, các em càng dễ tiếp cận với cái xấu, và sẽ trở thành kẻ tội phạm.
Đặng Quốc Trung
(Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Đừng làm ngơ
Gần đây, liên tục những đoạn clip được tung lên mạng với cùng nội dung là nhiều học sinh lao vào đánh một em đến ngất xỉu, thương tích trước sự cổ vũ của bạn bè. Đã có trường hợp có em phải nhập viện, có em tử vong. Mỗi lần xem các clip đó, tôi đều cảm thấy phẫn nộ, nhưng đáng buồn là tình trạng này ngày càng tăng. Phải chăng nhà trường, xã hội đang làm ngơ trước thực trạng này. Theo tôi, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các học sinh có hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Nhẹ thì tạm đình chỉ học tập, cho ở lại lớp, nặng thì phải đuổi học, đưa về giáo dục tại địa phương. Ở nước ngoài, người ta có các biện pháp quản chế trẻ em phạm tội bằng cách cho đeo các thiết bị giám sát, chỉ cần bước chân ra khỏi cửa nhà là còi báo sẽ vang lên. VN cũng nên nghiên cứu các biện pháp này để giảm tình trạng bạo lực học đường.
Nguyễn Bình Nguyên
(Q.7, TP.HCM)
Nguyễn Thị Quỳnh Yến
Tuy nhà trường không thể giám sát hàng ngàn học sinh mọi nơi mọi lúc nhưng học sinh trường mình vi phạm thì phải có trách nhiệm, ngành giáo dục cần phải có bộ quy chuẩn ứng xử trong nhà trường, cho cả học sinh và giáo viên. Bên cạnh đó, rất cần thiết phải có sự kết hợp của gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục học sinh có hành vi vi phạm.
Nguyễn Thị Quỳnh Yến 
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Nguyễn Hoàng
Thật nhức nhối trước tình trạng thiếu văn hóa trong trường học. Đó là hậu quả của việc chỉ dạy "quyền" mà quên đi việc dạy "trách nhiệm" cho trẻ em. Quan tâm đến kiến thức mà quên đi giáo dục đạo đức cho học sinh. Trách nhiệm của nhà trường, xã hội với học sinh chỉ là hình thức, khẩu hiệu. Muốn các em ứng xử có văn hóa thì trước hết người lớn phải dạy dỗ các em đến nơi đến chốn về mọi mặt.
Nguyễn Hoàng
 
(Q.12, TP.HCM)
T.T - Sơn Hải
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.