UB ATGT: 'Trừ điểm bằng lái giúp cải thiện hành vi, ý thức người lái xe’

06/09/2020 10:16 GMT+7

Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, trừ điểm bằng lái là đề xuất hợp lý, sẽ cải thiện hành vi, ý thức của người lái xe. Đây cũng là bước đột phá so với hình thức bấm lỗ bằng lái trước kia.

Dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ 2008 có nhiều điểm mới so với luật hiện hành, trong đó nổi bật là việc trừ điểm bằng lái.
Nghị quyết số 123/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8.2020 cũng thống nhất quy định về điểm của GPLX (trừ điểm bằng lái) khi thảo luận về dự thảo Luật này.
Theo đó, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của bằng lái là một biện pháp quản lý hành chính theo hướng bằng lái được cấp 12 điểm/năm.

Theo Dự thảo luật, mỗi bằng lái có 12 điểm và có 28 lỗi vi phạm sẽ bị trừ điểm bằng lái. Số điểm trừ cụ thể sẽ được thông báo trong thời gian tới

Ảnh: Vũ Phượng

Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại bằng lái; còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho bằng lái hằng năm.
Thông tin trên tạo nhiều luồng ý kiến tranh cãi của giới tài xế, người thì ủng hộ, người thì không vì cho rằng “không có tác dụng gì”, thậm chí dễ phát sinh tiêu cực.

11 lỗi vi phạm nào bị CSGT tước ngay bằng lái theo dự thảo luật mới?

Đề xuất hợp lý!

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhận định đây là đề xuất hợp lý.
Theo ông Minh, qua các nghiên cứu về hành vi của tài xế, cho thấy mức phạt là một vấn đề quan trọng, nhưng cách thức phạt là điều quan trọng hơn. Do đó, ngoài việc điều chỉnh mức phạt cho phù hợp với mức độ vi phạm, nhiều quốc gia tiên tiến đã xây dựng hệ dữ liệu về vi phạm trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông để quản lý điểm với bằng lái, quản lý vi phạm và xử phạt lũy tiến với tái phạm.

Trừ điểm bằng lái được đánh giá là có hiệu quả rất tốt về mặt cải thiện hành vi và ý thức của người lái xe

Ảnh: Vũ Phượng

Cụ thể, mỗi hành vi vi phạm sẽ tương ứng với một số điểm nhất định, khi chủ thể vi phạm thì số điểm đó sẽ được tích vào hồ sơ của cá nhân vi phạm. Khi tổng số điểm vượt quá một mốc nhất định (thông thường là 12 điểm) thì cá nhân vi phạm sẽ phải học lại, hoặc thi lại, hoặc cả học lại và thi lại với mức độ khó hơn bình thường. Mức hình phạt cho tái phạm sẽ tăng cao gấp nhiều lần.
“Vào năm 2012, có tới trên 20 quốc gia trong tổng số 27 thành viên của Liên minh châu Âu áp dụng giải pháp này”, ông Minh dẫn chứng.

Có sức răn đe tốt

Ông Minh cho rằng, hình thức bấm lỗ bằng lái trước đây cũng được thực hiện với mục tiêu giúp tài xế nâng cao ý thức khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi đã bị bấm lỗ bằng lái rồi, sẽ tham gia giao thông cẩn trọng, không để vi phạm luật giao thông nữa.
“Tuy nhiên đây là hình thức thay đổi về vật chất đối với bằng lái, lạc hậu, thủ công, mất mỹ quan và dễ làm giả. Về cách thức thực hiện, phương pháp quản lý trừ điểm trên hệ dữ liệu như hiện nay là bước đột phá, khác hoàn toàn với trước đây, khắc phục được tất cả các nhược điểm của phương pháp bấm lỗ”, ông Minh nhận xét.
Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho rằng, đây không phải là giải pháp mới, vì đã được áp dụng rộng rãi có hiệu quả rất tốt về mặt cải thiện hành vi và ý thức của người lái xe.
Báo cáo của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy giải pháp này có thể giúp giảm tới 15-20 số vụ, số người chết và số người bị thương. Về mặt hành vi giúp giảm tới 30% số hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, giảm tới 50 số vụ nhập viện do tai nạn giao thông.

Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng trừ điểm bằng lái từ lâu

Ảnh: Vũ Phượng

Ông Minh giải thích: “Lý do chính là vì khi tài xế đã vi phạm một lần, họ sẽ luôn nhớ được trong đầu nếu tái phạm sẽ bị trừ điểm và có thể phải thi sát hạch lại bằng lái hoặc sẽ phải đóng mức phạt cao hơn rất nhiều. Như vậy là tác dụng nhắc nhở giáo dục và răn đe rất tốt. Không giống như hình thức tước chỉ áp dụng với vi phạm nghiêm trọng, quản lý điểm có thể áp dụng với bất cứ lỗi nào, qua đó có tác động rất lớn tới hành vi của người tham gia giao thông”.
Theo ông Minh, để thực hiện được việc này thì phải hình thành được hệ thống dữ liệu quốc gia để lưu trữ được tất cả các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông.
Ngoài ra, cần có hệ dữ liệu địa chỉ và quy định cập nhật địa chỉ, mã hóa lỗi để có thể trừ điểm bằng lái nhanh chóng và quan trọng hơn là phải chia sẻ dùng chung giữa các cơ quan, cho phép người dân kiểm tra điểm, khai thác để dùng công cụ kinh tế điều chỉnh mức bảo hiểm. Và sau một thời gian nếu không vi phạm (ví dụ sau 1 năm) thì số điểm sẽ được đưa trở về mức ban đầu 12 điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.