Tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở xứ sương mù: Leo đồi truy vết F1, F2

14/08/2021 16:51 GMT+7

Khi nhận được lệnh, đội quân tuyến đầu chống dịch của CDC Lâm Đồng xuất quân ngay, dù ngày hay đêm, để truy vết nhanh nhất các trường hợp liên quan ca nhiễm Covid-19 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Có lệnh lên đường ngay

Suốt 3 tháng qua, đội quân tuyến đầu chống dịch Covid-19 thuộc Khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Lâm Đồng ứng trực ngày đêm, khi có lệnh là xuất quân ngay. Mục tiêu truy vết nhanh nhất các trường hợp liên quan bệnh nhân Covid-19 nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời.
Thạc sĩ Mai Ngọc Trung, Phó Khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm (CDC Lâm Đồng), cho biết đợt đi dài ngày nhất của đội quân CDC Lâm Đồng vào đầu tháng 7.2021, khi ở H.Đạ Tẻh xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên từ H.Hóc Môn (TP.HCM) về địa phương. Đợt đó, ông cùng các đồng nghiệp phải cắm chốt ở Đạ Tẻh suốt 22 ngày đêm, đến khi dịch được khống chế mới quay về Đà Lạt. Tiếp đó lại đi H.Đơn Dương rồi đến H.Đức Trọng để khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm phòng dịch...

Xuất quân truy vết trong đêm khi có thông tin ca dương tính mới

ẢNH: KIM CÚC

Thế nhưng, điều để lại nhiều cảm xúc nhất là suốt một tuần qua, từ ngày 5.8, khi phát hiện ổ dịch tại Công ty Sợi Đà Lạt (xã Trạm Hành, TP.Đà Lạt), đội quân tuyến đầu chống dịch ngoài cán bộ, nhân viên CDC Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đà Lạt, còn có sự tăng cường lực lượng của Trung tâm Y tế Lạc Dương và Trung tâm Y tế Lâm Hà, tổng cộng khoảng 60 người ngày đêm bám trụ, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và chuyển người đi cách ly, điều trị Covid-19.

Làm sao biết mình từng mắc Covid-19 và tự khỏi | BÁC SĨ ƠI số 6

Cắm chốt truy vết ngày đêm

Lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng cho biết Công ty Sợi Đà Lạt có trên 200 công nhân ở các xã Trạm Hành, Xuân Trường (TP.Đà Lạt) và H.Đơn Dương đến làm việc hằng ngày. Do đó việc truy vết, lấy mẫu để phòng dịch là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu để khoanh vùng và khống chế dịch bệnh lây lan.

Có ngày leo núi để đến vài gia đình lấy 2 mẫu xét nghiệm Covid-19

ẢNH: KIM CÚC

Từ đêm 6.8, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đối với 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường để phòng chống dịch Covid-19, do đó lực lượng y tế cũng cắm chốt làm việc bất kể ngày đêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc CDC Lâm Đồng, để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, hằng ngày, các lực lượng y tế chia trung bình 10 đội để đi địa bàn. Mỗi đội có ít nhất 3 - 5 người gồm 1 người thuộc tổ Covid-19 cộng đồng của địa phương dẫn đường và các cán bộ y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, truy vết, khử khuẩn...

Tổ truy vết, lấy mẫu thực hiện nhiệm vụ tại xã Trạm Hành

ẢNH: KIM CÚC

Thạc sĩ Mai Ngọc Trung cho biết thêm, các tổ truy vết phải len lỏi trên các nương rẫy cà phê để vào nhà dân. Khi phát hiện có F0, F1 thì sẽ báo cho Trung tâm Y tế Đà Lạt và chính quyền địa phương phối hợp đưa đi cách ly điều trị sớm nhất theo quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Hai xã Xuân Trường và Trạm Hành có địa hình đồi núi, các cụm dân cư ở cách xa nhau, đường xá đi lại khó khăn nên các tổ truy vết rất vất vả. Để tiếp cận dân nhanh nhất, có lúc phải tận dụng tối đa xe máy của các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng, ai cũng mặc áo quần bảo hộ nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân khi làm nhiệm vụ truy vết khẩn cấp.
“Có những ngày mưa phải bỏ xe máy, leo đồi trơn trượt để đến vài ngôi nhà ở một rẻo cao và chỉ lấy được vài mẫu xét nghiệm. Hễ có thông tin xét nghiệm có ca dương tính mới thì lập tức chúng tôi chia tổ truy vết F1, F2 ngay trong đêm, trong mưa, làm việc quên ăn, không nhớ ngày tháng…”, ông Trung chia sẻ.

Đến từng nhà dân lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng để dập dịch Covid-19 tại xã Trạm Hành

ẢNH: KIM CÚC

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe (CDC Lâm Đồng), đồng hành cùng đội quân truy vết của CDC, cho biết có nhiều đêm anh chị em làm việc tới hơn 2 giờ sáng mới được nghỉ ngơi, đến sáng lại tiếp tục công việc.
“Các lực lượng y tế chúng tôi cắm chốt tại hai xã vùng xa này thực hiện 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Khi dịch cơ bản được khống chế mới được trở về CDC Lâm Đồng nghỉ ngơi”, bà Cúc chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc CDC Lâm Đồng, cho biết suốt trong một tuần ròng rã cắm chốt, hàng chục cán bộ y tế phối hợp với 41 tổ Covid-19 cộng đồng thuộc xã Xuân Trường và 28 tổ Covid-19 cộng đồng xã Trạm Hành làm việc ngày đêm đã lấy mẫu xét nghiệm trên 13.440 trường hợp, phát hiện 109 ca dương tính với Covid-19. Trong đó xét nghiệm cho toàn bộ F1, F2; sàng lọc cộng đồng tại Xuân Trường 5.930 người/6.467 người (chiếm 91,69%), tại Trạm Hành 5.025 người/5.349 (đạt 92,36%) và 543 người trong khu công nghiệp Phát Chi.

Lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch tại xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt

ẢNH: CDC LÂM ĐỒNG

Nhờ đó, dịch Covid-19 tại Công ty Sợi Đà Lạt và 2 xã Trạm Hành, Xuân Trường cơ bản được khống chế. Từ ngày 13.8, CDC Lâm Đồng bàn giao lại cho Trung tâm Y tế TP. Đà Lạt tiếp tục rà soát, lấy mẫu khi có các ca bệnh Covid-19 phát sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.