Tuổi 15 của từ điển mở Wikipedia

23/01/2016 09:05 GMT+7

Cách đây 15 năm, Wikipedia ra mắt thế giới với tham vọng 'gom hết tri thức nhân loại vào một chỗ và mở toang mọi cánh cửa tiếp cận tri thức' của hai người đàn ông Mỹ.

Cách đây 15 năm, Wikipedia ra mắt thế giới với tham vọng 'gom hết tri thức nhân loại vào một chỗ và mở toang mọi cánh cửa tiếp cận tri thức' của hai người đàn ông Mỹ. 

Đến năm 2005, một chỗ đứng vững chắc đã được xác lập khi tạp chí khoa học Nature, trong vai trò trung gian, công bố kết quả so sánh 42 bài báo khoa học đăng trên bách khoa toàn thư truyền thống “đóng” Encyclopedia Britannica và bách khoa toàn thư trực tuyến mở Wikipedia. Độ chính xác gần như tương đương!
Trang Wikipedia tiếng Anh hiện nay là một trong 291 phiên bản Wikipedia và là trang lớn nhất với hơn 5 triệu bài viết. Nếu tính hết toàn bộ các phiên bản thì Wikipedia đã tải hơn 38 triệu bài viết. Đường vào tri thức rộng cửa với tất cả mọi người như lời chia sẻ mới nhất của đồng sáng lập - ông Jimmy Wales: “Sức mạnh của Wikipedia là tinh thần đoàn kết, hợp tác”. Cuộc chơi “mở” theo kiểu Wikipedia (ai cũng có thể chỉnh sửa, biên tập các bài viết) cũng lắm điều dở khóc dở cười, như một cái giá phải trả. Bởi chính 1 trong 2 người sáng lập là ông Larry Sanger lại là người chỉ trích Wikipedia dữ dội nhất. Ông rời bỏ Wikipedia 1 năm sau ngày thành lập vì cho rằng trang này thiếu tính chính xác và thể hiện thái độ không nghiêm túc đối với tri thức. Trong khi đó, Jimmy Wales vẫn đồng hành cùng Wikipedia và cho biết sẵn sàng đối phó với những thách thức lớn của thế giới phẳng.
1. Đâu chỉ là từ điển mở !
Ngày 13.11.2015, cả thế giới bàng hoàng trước vụ khủng bố tấn công ở Paris. Ngay liền lúc đó, một người ở London đã viết một bài ngắn gọn mô tả lại thảm kịch này rồi trong vòng 2 tiếng, bài viết được biên tập hàng trăm lần, tập hợp 10 nguồn tham khảo khác nhau. Không ngừng lại ở đó, các Wikipedian liên tục cập nhật thông tin mới cho bài viết này, biến Wikipedia thành một trang tin tức nóng hổi, không đơn chiều trong cách tường thuật. Tính đến cuối năm 2015, bài viết bằng tiếng Anh này có hơn 250 nguồn tin và 4.500 lần biên tập, được chuyển ngữ sang 80 ngôn ngữ khác trên Wikipedia và được đọc bởi hàng triệu người.
Khi thế giới nổ ra tranh luận tại sao chỉ có Paris mới được “ưu ái” đến thế với những lời kêu gọi như “Hãy cầu nguyện cho Paris” và so sánh nhiều nơi khác đau thương hơn thì các biên tập viên tình nguyện của Wikipedia vẫn tiếp tục không bỏ sót vụ 2 kẻ đánh bom liều chết ở thủ đô Beirut của Lebanon khiến 43 người chết cũng như liên tục cập nhật cuộc nội chiến ở Syria. Jimmy Wales, trong một bài báo viết cho tờ The Guardian, cho biết: “Giữa tình hình rắc rối và phức tạp, chúng tôi vẫn luôn tìm kiếm sự thật từ mớ hỗn độn của thông tin cũng như sự đồng cảm từ những biến đổi liên tục của thông tin”.
2. Chiều cao bị… gian lận
Trong lịch sử 15 năm của bách khoa toàn thư này, có lẽ đây là vụ nhầm lẫn dễ thương nhất. Đầu tháng 9.2015, rapper người Mỹ Ja Rule đã phàn nàn trên Twitter rằng tiểu sử của mình trên trang Wikipedia đã bị “ăn gian” chiều cao khi cho biết anh cao 5 foot 6 inch trong khi con số thực tế phải là 5 foot 9 inch. Ngay lập tức anh được mách nước là bản thân anh có thể tự biên tập lại con số và thế là Ja Rule tranh thủ “xóa” ngay con số khiêm tốn này khỏi trang Wikipedia.
3. Bản cáo bạch… trong sạch
Từ năm 2005, Wikimedia Foundation (cơ quan “mẹ” của Wikipedia và các dự án khác như Wiktionary, Wikiquote, Wikibooks, Wikinews, Wikiversity, Wikidata, Wikivoyage...) tổ chức đại hội thường niên Wikimania. Gây tiếng vang lớn nhất là Wikimania năm 2014 khi công bố thông tin về hàng loạt lời yêu cầu xóa bỏ hay biên tập lại nội dung đã đăng trên Wikipedia cũng như cung cấp dữ liệu về người sử dụng. Theo đó, tổ chức phi lợi nhuận do Jimmy Wales thành lập năm 2003 cho biết họ không chấp nhận 304 lời yêu cầu gỡ bỏ và thay đổi thông tin không có bản quyền từ các cá nhân, chính quyền và các tổ chức đa phần ở Mỹ, Anh và Đức. Wikipedia chấp nhận 24 trong 25 lời yêu cầu xóa các thông tin đã có bản quyền cũng như 8 trong 56 yêu cầu về thông tin người sử dụng.
4. Biểu tình online
Ngày 18.1.2012, Jimmy Wales chạy dòng tweet: “Hỡi các sinh viên, hãy làm bài tập về nhà sớm!” bởi phiên bản tiếng Anh của Wikipedia “tắt điện” suốt 24 tiếng đồng hồ và chỉ để lại một lời nhắn: “Hãy tưởng tượng một thế giới không có kiến thức miễn phí”. Đây là cách Wikipedia phản đối 2 dự luật Đình chỉ hoạt động vi phạm bản quyền trực tuyến (SOPA) và PROTECT IP (PIPA) đang được bàn thảo tại quốc hội Mỹ. Hai dự luật này được xây dựng để hỗ trợ cơ chế pháp lý cho các chủ sở hữu tác quyền (các hãng phim và ca nhạc) nhằm chống nạn vi phạm bản quyền kỹ thuật số xảy ra trên các trang mạng ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty công nghệ lại cho rằng dự luật này dễ bị áp dụng sai, dẫn đến việc internet bị kiểm duyệt mà không cần theo đúng trình tự và khiến các công ty web non trẻ phải đóng cửa. Reddit, Google, Firefox, WIRED cũng offline, kêu gọi hàng triệu người ký vào kiến nghị chống SOPA và thế là các nghị sĩ Mỹ đành phải xếp xó các dự luật này. Tờ TIME nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy quyền lực của những kế hoạch vận động hành lang ở Washington đã “chuyển từ Hollywood sang Thung lũng Silicon”.
5. Biên tập viên, anh là ai ?
Tháng 3.2007, chân dung thật của một biên tập viên “kỳ cựu” của Wikipedia (người chịu trách nhiệm các thay đổi và chỉnh sửa nội dung của hàng ngàn bài viết đồng kiêm “trọng tài” trong các cuộc tranh cãi giữa những tác giả) đã lộ ra sau hơn 1 năm rưỡi “núp” dưới danh phận một giáo sư tôn giáo đến từ đại học tư. Ryan Jordan, người thanh niên năm đó 24 tuổi, sống ở Kentucky (Mỹ) đã biện hộ rằng anh dùng lá chắn này để bảo vệ bản thân trước những người ganh ghét vị trí biên tập viên Wikipedia. Chính Jimmy Wales ban đầu cũng bênh vực Jordan nhưng khi bị hứng mũi dùi chỉ trích đã yêu cầu Jordan từ chức.
6. Những cái chết giả
Là một từ điển mở, Wikipedia không ít lần rơi vào tình huống dở khóc dở cười do cái tính thích dựng chuyện của nhiều người. Những người nổi tiếng như ca sĩ Miley Cyrus hay diễn viên Sinbad từng là nạn nhân của những trò giật gân này. Năm 2007, Sinbad nhận được tin báo “qua đời” của con gái sau khi Wikipedia loan tin ông mất vì đau tim. Thay vì làm rùm beng và đòi kiện cáo, Sinbad chỉ đùa: “Thứ bảy, tôi thoát khỏi tay tử thần và rồi lại chết… tiếp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.