Từ những cây ớt xiêm 'bị bỏ rơi' đến mỹ vị Jrai

28/01/2020 13:28 GMT+7

Từ các loại gia vị bình thường, anh Lê Đức Nam ở TP.Pleiku (Gia Lai) chế biến thành những mỹ vị với các sản phẩm muối ớt xiêm, muối tre lá é... góp phần đưa phong vị ẩm thực nơi đại ngàn bay xa.

Từ những cây ớt bị "bỏ rơi"...

Trong những ngày đi làm thuê cho một doanh nghiệp ở xã Ia Pếch (H.Ia Grai, Gia Lai), Lê Đức Nam (35 tuổi) nhận thấy nhiều nhà dân để mặc những cây ớt xiêm rụng quả, không thèm thu hoạch vì lợi nhuận thấp. Nam nghĩ có thể dùng loại ớt này cùng với công thức chế biến các loại đồ chấm của người bản địa Jrai để thành các sản phẩm đưa ra thị trường. Nghĩ là làm, Nam thuê 1 sào đất chỉ để trồng ớt xiêm.

Sản phẩm ớt xiêm đã tăng giá trị thương phẩm sau khi chế biến

Ảnh: Trần Hiếu

Chàng trai nghèo trưởng thành từ phố thị Pleiku, gần những làng bản địa Jrai là lợi thế lớn. Những đồ ăn, thức uống và cách chế biến những thức chấm cũng chẳng xa lạ gì với Nam.
Đối với cộng đồng bản địa, những thứ thịt, cá nướng đều có những thức chấm, tuy đơn giản nhưng rất tinh tế, đặc sắc phong vị ẩm thực cao nguyên. Đấy đơn giản chỉ là muối hạt, mỳ chính, ngò gai, lá é… Song, gia giảm thế nào để thành một thức chấm ngon là cả một quy trình chế biến tinh tế.
Phải nói thêm rằng, loại ớt xiêm thường trồng hoặc mọc hoang ở rẫy, vườn nhà của người dân bản địa quả nhỏ, có vị cay, thơm hơn các loại ớt khác. Nhưng năng suất khá thấp, cần công thu hái nhiều nên người bản địa ít trồng để bán mà chỉ dùng để ăn.

Sản phẩm muối ớt xiêm Jrai được chế biến rất kỹ càng và hợp vệ sinh

Ảnh: Trần Hiếu

Đầu tiên, cơ sở của Nam chế biến ớt xiêm ngâm trong ống tre. Ớt sau khi hái về được trụng sơ qua nước sôi để loại bỏ các loại vi khuẩn, bỏ vào các ống tre và đổ hỗn hợp gồm muối, dấm, đường phèn vào để nuôi, đặt vào chỗ thoáng mát.
Hằng ngày phải quan sát để thêm nước vào từng ống tre. Độ một tuần thì dùng được. Món ớt ngâm hỗn hợp này cộng với hương của ống tre có vị giòn thơm đặc biệt. Ngay từ buổi đầu đưa ra thị trường đã được nhiều khách hàng chào đón.
Nam nói: “Những thức chấm của người bản địa rất tinh tế, tồn tại từ bao đời nay qua các cộng đồng làng. Mình muốn chế biến thành những sản phẩm để giới thiệu văn hoá ẩm thực của người Jrai cũng như cộng đồng bản địa Gia Lai, Tây Nguyên vang xa. Vị cay, thơm của lá é, của ớt xiêm, vị mặn mòi của muối trong mỗi thức chấm hẳn chẳng bao giờ quên được, nhất là những người xa xứ. Đây cũng là sự thu hút, hấp dẫn đối với nhiều du khách”.

... đến tinh túy đất trời Tây Nguyên

Nam bắt đầu chế biến thêm những sản phẩm như muối tre lá é (một loại cây như lá quế có vị thơm thường được người bản địa dụng để giã muối), muối tép Biển Hồ, ớt bay tre đá, muối ngũ vị.
Tất cả đều được chế biến cầu kỳ và đặc biệt sản phẩm không có chất điều vị, không chất bảo quản. Tất cả đều là sản phẩm organic. Từ cơ sở chế biến nhỏ ở 507 Lê Duẩn, TP.Pleiku, sản phẩm đã đến tay nhiều khách trong và ngoài nước.
Để chế biến thành các loại muối, Nam đã dùng muối hạt bỏ vào ống tre, hơ trên lửa nhỏ trong môi trường yếm khí từ 5-7 ngày, sau đó đem ra loại bỏ phần tre cháy, chỉ lấy phần nhỏ cật tre với muối xay nhuyễn để chế biến tiếp.
Tép cũng được Nam tuyển chọn kỹ từ loại tép của Biển Hồ (một thắng cảnh nổi tiếng của phố núi Pleiku), sau đó về làm sạch, xay trộn với muối rồi sấy khô rồi chế biến thành sản phẩm.

Nhiều người dân bản địa cũng được hưởng lợi khi trồng ớt xiêm cung cấp cho Nam

Ảnh: Trần Hiếu

Nam dùng chai thuỷ tinh, được thiết kế rất bắt mắt, để đựng sản phẩm. “Mình muốn làm chai thuỷ tinh cũng để hưởng ứng việc nói không với rác thải nhựa. Sản phẩm nhìn cũng thích hơn. Hơn một năm nay kể từ khi khởi nghiệp, sản phẩm đã được bán tại nhà và kênh online hàng chục ngàn sản phẩm. Nhiều người rất thích sản phẩm của mình và cho phản hồi rất tốt. Đó là sự động viên để mình tiếp tục giới thiệu sản phẩm mang đặc trưng phong vị ẩm thực Tây Nguyên đến với khách hàng mọi miền. Đấy cũng là slogan cho sản phẩm của mình là Tinh tuý đất trời Tây Nguyên”, Nam nói.
Người dân bản địa cũng được hưởng lợi từ quá trình khởi nghiệp của Nam. Những cây ớt xiêm lay lắt nơi vườn nhà, nương rẫy bỗng nhiên có giá trị. Cứ 1kg ớt xiêm, Nam mua 30.000 đồng, so với 17.000 đồng nếu bán bên ngoài.
Nam nói rằng đang cung cấp giống ớt cho người bản địa rồi bao tiêu sản phẩm và có kế hoạch tăng giá mua vào lên 40.000 đồng/kg cho bà con để tăng thu nhập.
Nam chia sẻ: “Sắp tới mình muốn mở rộng cơ sở, mở rộng vùng nguyên liệu trồng ớt xiêm, lá é, chào hàng đến các siêu thị, mở thêm kênh phân phối để các sản phẩm này được nhiều người biết hơn".

Ớt xiêm trái nhỏ, vị thơm và cay nồng luôn là gia vị không thể thiếu trong thức chấm của người bản địa

Ảnh: Trần Hiếu

Nhiều khách du lịch tỏ ra thích thú với sản phẩm này

Ảnh: Trần Hiếu

Từ những sản phẩm này, nhiều người bản địa đã có thu nhập khá ổn định. Anh Ksor Giới (một người dân ở xã Chư Á, TP Pleiku) nói: “Nhà mình bán cho Nam cả hàng trăm kg ớt xiêm. Có tiền đấy! Nhà mình cũng đỡ khổ. Mấy loại muối này mình đem về dùng thử, rất ngon, hợp với người bản địa của mình nữa”.

Những lọ muối ớt xiêm đã có mặt ở trong và ngoài nước

Ảnh: Trần Hiếu

Chỉ cần lấy mở sản phẩm lấy một ít vào chén, vắt vào một vài giọt chanh để chấm cùng những món nướng, hẳn cả những thực khách khó tính cũng khó thất vọng! Đấy cũng là mỹ vị Jrai, là đặc trưng phong vị ẩm thực nơi đại ngàn quyến rũ.
Tết này, hàng ngàn lọ muối ớt xiêm của Nam đã đi đến các vùng miền trong và ngoài nước, đến tận những bữa tiệc ngày Tết của bao gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.