Từ 11.2019, hôn người dưới 16 tuổi có thể bị tội dâm ô trẻ em?

02/11/2019 08:06 GMT+7

Từ ngày 5.11 tới, một số hành vi có tính chất tình dục dù không nhằm quan hệ tình dục như: hôn vào miệng, cổ, vai, gáy... người dưới 16 tuổi, cũng là căn cứ để xác định hành vi dâm ô .

Từ ngày 5.11 tới, Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về các điều 141 đến 147 của bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi chính thức có hiệu lực.
Ảnh chụp màn hình vụ Nguyễn Hữu Linh “nựng” bé trong thang máy

Ảnh chụp màn hình vụ Nguyễn Hữu Linh “nựng” bé trong thang máy

Thông tin trên tràn ngập mạng xã hội hôm qua với nhiều ý kiến tranh luận khá căng thẳng. Nhiều cư dân mạng cho rằng, đó là hướng dẫn tốt để ngăn chặn các vụ án dâm ô liên tục xảy ra vừa qua. Số còn lại cho rằng, văn hóa Việt Nam hay ôm hôn, liệu chăng với hướng dẫn này sẽ khiến nhiều người thể hiện tình cảm với trẻ em là phạm tội?

Dâm ô ở mức báo động

Thời gian qua, nhiều vụ xâm hại trẻ em đã khiến dư luận báo động về cả tính chất lẫn cách xử lý. Vụ án Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái 4 tuổi trong thang máy chung cư ở TP.HCM mới đây bị tuyên phạt 18 tháng tù; hay trước đó, vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô bé gái ở Vũng Tàu phải lĩnh 3 năm tù…
Tất cả đều phải trải qua một hành trình khó khăn để “yêu râu xanh” nhận tội và bị kết tội. Vì thế, cư dân mạng cho rằng nghị quyết (NQ) trên như một sự củng cố cụ thể cho việc xác định tội danh của kẻ dâm ô. NQ giải thích rõ, ngoài bộ phận sinh dục, các “bộ phận nhạy cảm” trên cơ thể trẻ sẽ gồm háng, đùi, mông, vú... “các bộ phận khác” là miệng, lưỡi, mũi, gáy, cổ, bụng... Nếu có hành động chạm tay, miệng, hoặc tiếp xúc dụng cụ tình dục vào các bộ phận này, kể cả qua áo quần và không nhằm mục đích quan hệ tình dục, cũng sẽ bị xử lý hình sự.
Đại đa số ý kiến của dân mạng đều cho rằng việc “cụ thể hóa” này là cần thiết. “Phải khắt khe với hành vi dâm ô để đủ sức răn đe cho xã hội”, tài khoản Thanh Tâm bày tỏ quan điểm.

Vẫn rất khó để kết tội

Trao đổi với Thanh Niên, một giảng viên Trường đại học Cảnh sát nhân dân cho rằng, để kết tội hành vi không chỉ dựa vào lời khai mà buộc phải có bằng chứng cụ thể.
Cũng theo vị giảng viên này, thực tế có nhiều câu chuyện dâm ô trong xã hội, những người thực hiện hành vi này đôi khi giải thích: "Tôi thấy dễ thương tôi nựng thôi" là huề cả làng! Mặt khác, theo văn hóa truyền thống của người Việt, người lớn tự cho mình quyền cưng nựng trẻ em, thậm chí là thản nhiên vạch quần xem cơ quan sinh dục của trẻ.
Do vậy, NQ đặt ra đúng cho xu thế tương lai gần, nhưng thực tại ở xã hội VN để xử lý vụ việc dâm ô vẫn rất khó cho các cơ quan chức năng.

Mở hành lang pháp lý bảo vệ trẻ trước “yêu râu xanh”

Còn theo quan điểm của luật sư Trần Ngọc Hòa (Đoàn luật sư TP.HCM), NQ này vẫn còn một số lỗ hổng. “Theo văn hóa ứng xử của người Á Đông, việc cô dì, chú bác trong gia đình cưng nựng một đứa trẻ là cách thể hiện tình cảm rất phổ biến. Thậm chí, một người khách tới nhà khi thấy đứa trẻ trong gia đình kháu khỉnh, cũng có thể bẹo má, xoa đầu”, luật sư Hòa phân tích.
Ông cho rằng việc đưa ra các định nghĩa, quy định cụ thể về hành vi dâm ô đúng là sẽ nâng cao sự răn đe, tính giáo dục. “Nếu đã cụ thể hành vi, chúng ta nên cụ thể cả độ tuổi của trẻ. Vì một đứa trẻ 2 tuổi cũng là “dưới 16 tuổi”, nếu ẵm bồng, hôn bé cũng chịu tội dâm ô thì liệu có ổn không?”, luật sư góp ý kiến.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, việc ban hành NQ đã góp phần đáp ứng công tác xét xử các tội phạm về tình dục có hành vi dâm ô với trẻ em.
“Mặc dù điều này có thể làm thay đổi các quan niệm ứng xử theo tập quán lâu nay của người dân, nên không khỏi có những ý kiến trái chiều. Nhưng để nghiêm trị những kẻ rắp tâm có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì việc ban hành NQ nêu trên đã vô hình trung góp phần mở rộng thêm hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em trước “yêu râu xanh”. Đây là điều được mọi người hoan nghênh ủng hộ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.