Trừ điểm bằng lái: Lo ngại 'thương lượng' nhưng lái xe an toàn thì lo gì trừ điểm

03/09/2020 19:34 GMT+7

Từ hôm qua đến nay, mạng xã hội thảo luận sôi nổi việc trừ điểm bằng lái (GPLX), nếu trong 1 năm bị trừ hết 12 điểm phải thi lại. Nhiều người đánh giá điều này khiến tài xế ngại thi lại, lo ngại 'thương lượng' trên đường.

Nghị quyết số 123/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8.2020 thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe (GPLX, trừ điểm GPLX) khi thảo luận về dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của GPLX là một biện pháp quản lý hành chính theo hướng GPLX được cấp 12 điểm/năm. Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại GPLX; còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho GPLX hằng năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.
Thông tin này nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới tài xế nên các hội, nhóm về giao thông trên mạng xã hội thảo luận sôi nổi.

'Lái xe an toàn, lo gì trừ điểm'

Tài khoản Facebook Bùi Duy Quang nêu ý kiến: "Nếu không đi sai thì không ai trừ được điểm của bạn cả. Khi uống rượu bia vào mà vẫn lái xe ầm ầm thì việc bị trừ điểm là điều đương nhiên, chứ lỡ ra đường tông vào người khác thì ai chịu trách nhiệm? Lái xe an toàn, đúng luật thì lo gì trừ điểm. Mọi người phải đặt mình trong trường hợp có người nhà bị người vi phạm luật gây tai nạn thì mới hiểu được".

Việc trừ điểm bằng lái được đánh giá là văn minh, giúp người lái xe nâng cao ý thức khi tham gia giao thông

Ảnh: Vũ Phượng

Ý kiến này nhận được nhiều tranh luận, tuy nhiên, tác giả của câu bình luận vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình bằng cách đưa ra nhiều lập luận khác nhau. Anh cho rằng, pháp luật chỉ hướng đến việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vì lợi ích chung đặt lên hàng đầu. "Không đi sai thì xem có bị trừ điểm không", anh Quang nhấn mạnh.
Facebooker Linh Sơn thì cho rằng, chưa có quyết định chính thức, đây chỉ là điều vừa thông qua nhưng nhiều tài xế lại lo sợ và suy nghĩ này nọ. Tài khoản này bình luận: "Người đề xuất ra quy định đã chọn giải pháp mang tính xây dựng để phát triển hơn chứ không phải lỏng lẻo để cho người dân chủ quan coi thường luật giao thông nữa. Thay vào việc phản đối chính quyền, các bác nên chấp hành đúng thôi".
Đồng quan điểm, nickname Ngô Phú nhận xét: "Cũng có mặt tích cực đấy chứ. Bao nhiêu vụ đi ẩu, nhầm chân ga, rượu lái gây hậu quả nghiêm trọng rồi. Trừ điểm sẽ giúp các tài xế đi cẩn thận hơn".

E ngại 'thương lượng' trên đường

Dù có các ý kiến ủng hộ tích cực là vậy, nhưng phần đông ý kiến của người dùng mạng xã hội e ngại việc trừ điểm GPLX sẽ gia tăng "thương lượng" trên đường vì chẳng ai muốn mất thời gian đi thi lại bằng lái.
Người dùng mạng xã hội tên Hoàng Việt bày tỏ: "Lỗi vi phạm giờ phạt rất nặng so với đồng lương của lái xe nên đến lúc trừ hết điểm e rằng sẽ có "thương lượng". Anh em lái xe làm được gì khác ngoài lái xe nên ai muốn mất cần câu cơm của gia đình mình đâu".

Nhiều ý kiến cho rằng đi đúng luật thì không lo gì trừ điểm GPLX

Ảnh: Vũ Phượng

Nickname Đức Trân cũng chia sẻ, lái xe lành nghề có kinh nghiệm thi lại là chuyện dễ, nhưng bắt thi lại phải nghỉ việc đi học rồi nộp tiền... tóm lại ra luật lẩn quẩn quá.
Tương tự, Facebooker Hồng Nhung nêu quan điểm: "Người dân nào mà chẳng sợ trừ điểm nên sẽ chọn... cách khác. Thà rằng phạt tiền cho nộp online thẳng vào ngân sách cho nhanh gọn, hạn chế tham nhũng để đỡ có ấn tượng không tốt với lực lượng thi hành công vụ và lực lượng này cũng đỡ vòi vĩnh người dân".
Tài khoản Pham Tuan Anh thì thắc mắc: "Lái xe làm cách nào để biết mình được cộng trừ như nào, làm có chuẩn hay không, nếu có khiếu kiện thì kiện ai, như nào, ai chịu trách nhiệm trong trường hợp sai sót mà có hậu quả về kinh tế".

Nâng cao ý thức giao thông

Trao đổi với PV Thanh Niên về việc trừ điểm GPLX, đại diện Cục CSGT nhận xét đây là dự thảo văn minh vì một số lỗi thay vì bị tước quyền sử dụng bằng lái như luật hiện hành thì nay chuyển sang trừ điểm.

Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại trừ điểm GPLX sẽ càng dễ phát sinh những cuộc "thương lượng" giữa lực lượng chức năng và người vi phạm

Ảnh: Vũ Phượng

"Khi bị trừ điểm, người chạy xe sẽ ở trong tâm thế gần có khả năng bị tước bằng, buộc họ phải nâng cao ý thức giao thông. Việc trừ điểm GPLX đánh giá đúng quá trình lái xe an toàn của tài xế, không làm ảnh hưởng đến việc đi lại, thậm chí là công cụ kiếm kế sinh nhai của người chạy xe. Điều này quốc tế đã áp dụng từ lâu, chúng ta dựa trên kinh nghiệm ấy đưa vào luật cho phù hợp với hoạt động giao thông ở Việt Nam hiện nay”, đại diện Cục CSGT nêu ý kiến.
Trong Dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đã quy định 28 lỗi vi phạm bị trừ điểm GPLX (độc giả tham khảo tại đây), cụ thể điểm trừ cho từng lỗi vi phạm sẽ được thông báo trong thời gian tới.
Lãnh đạo một đội CSGT nhiều năm kinh nghiệm ở TP.HCM cũng cho rằng đây là quy định đổi mới hợp lý, các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Theo vị CSGT này, việc trừ điểm GPLX giúp tài xế biết được mình đang bị trừ bao nhiêu điểm, như một "án treo" từ đó tuyệt đối chấp hành luật giao thông, không vi phạm luật giao thông nữa.
"Có những lỗi nằm trong khung trừ điểm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ. Tâm lý người bị trừ điểm cũng hiệu quả hơn là việc tước bằng. Vì thực tế khi bị tước bằng, nhiều tài xế vẫn tiếp tục lái xe. Chỉ khi bị CSGT thổi phạt nữa thì mới "lộ" ra là đang bị tước bằng", lãnh đạo đội CSGT chia sẻ.
Vị CSGT này cũng cho rằng, trừ điểm GPLX là văn minh hơn so với việc bấm lỗ trên bằng lái trước kia về cả yếu tố thẩm mỹ lẫn tâm lý. 
Ông Lê Tâm Tấn, Giám đốc Hợp tác xã ô tô vận tải du lịch Tân Bình, nhận định, trừ điểm GPLX là quy định tiên tiến và sẽ đạt hiệu quả tốt với giới tài xế khi chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ và người tham gia giao thông. 
"Tâm lý người lái xe, đặc biệt là người đã bị trừ điểm GPLX sẽ rất sợ bị trừ hết điểm, phải đi thi lại nên có thể phát sinh "thương lượng". Quan trọng tài xế lái xe an toàn, chấp hành luật giao thông, lực lượng chức năng cũng phải làm đúng quy trình tuần tra kiểm soát. Khi vi phạm, tài xế nộp phạt và ký biên bản thì không lo gì chuyện tiêu cực trên đường", ông Tấn bày tỏ. 
Hiện Chính phủ giao Bộ Công an tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.