Trong thế giới ô sin: Thay người như... thay áo

22/11/2017 09:32 GMT+7

Có những gia đình đã đổi đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ô sin. Ngược lại, tình trạng ô sin nhảy việc liên tục cũng phổ biến. Lý do thì nhiều vô kể, kể cả khi... không có lý do gì!

Mỏi mắt tìm ô sin
Bà Đậu, ngụ khu Trung Sơn (H.Bình Chánh, TP.HCM) là một trong những “khách hàng thân thiết” của nhiều trung tâm môi giới giúp việc nhà tại TP.HCM. Cứ vài ba bữa, bà lại gọi điện đến thông báo vừa đuổi ai đó hoặc họ không chịu làm chỗ bà nữa, và đề nghị tìm người thay thế.
20 năm tha phương cầu thực
Bà Út (57 tuổi, quê Trà Vinh) là một trong những ô sin kỳ cựu với 20 năm trong nghề. Chồng chết, bà gửi hai đứa con cho người thân rồi lên thành phố kiếm sống. “Ngoài bắc trong nam mình đều lăn lộn hết. Giờ không thể nhớ đã ở cho bao nhiêu gia đình rồi”, bà Út kể. Đi đến đâu, bà cũng ki cóp mua quà gửi về cho con, cháu. Bà ao ước lần này người ta thuê bà lâu hơn, để có tiền sửa lại cái nhà bị dột. Khi được hỏi lúc nào giải nghệ, bà Út cười buồn: “Cứ làm suốt, đến khi nào hết sức thì thôi. Về quê, trừ căn nhà nhỏ xíu, không có cục đất chọi chim, biết lấy gì sống?”.

Chị Lan, một người thân của bà Đậu, cho hay: “Hơn 15 năm nay, bà Đậu đã thuê hàng trăm ô sin rồi. Có những người làm vài ngày rồi nghỉ, bà không chịu trả tiền. Hai bên gây gổ, đập bàn đập ghế, thiếu điều lao vào đánh nhau”.
Số ô sin “qua tay” bà Đậu thuộc nhiều hoàn cảnh, vùng miền, lứa tuổi, kể cả một số trẻ em và người già 76 tuổi. Chị Mỹ (quê Hà Tĩnh), một trong những người từng giúp việc nhà cho bà Đậu, so sánh: “Thời buổi này người ta toàn thuê 5 - 6 triệu đồng/tháng, còn bà Đậu thuê giá bèo, chỉ có 4 triệu đồng. Vì vậy các công ty chẳng mặn mà giới thiệu người giỏi cho bà. Đã vậy, bà đối xử tệ, hay chê bai và chửi mắng người làm bằng những lời tục tĩu. Bản thân tôi lỡ tay làm rớt cái muỗng, bà quát: Đồ đĩ, mày bị đui à?”.
Chị Mỹ vừa ra đi, bà Đậu thay ngay một ô sin khác và buộc người này viết cam kết “làm tới tết mới được nhận lương”. Tuy nhiên, rốt cuộc chính bà Đậu phá vỡ lời hứa, cho chị này “lên đường” sau khoảng một tuần. Hiện bà lại tuyển người mới...
Nhớ không xuể số ô sin đến rồi đi, bà Đậu bĩu môi: “Nhiều người kỳ cục lắm, làm không được còn bày đặt lên mặt. Bực nhất là họ cứ nhăm nhăm ăn cắp đồ của mình. Sau khi họ đi, mình phát hiện bị mất mấy chai dầu gió, bột ngọt, đường, dầu ăn và nhiều thứ khác” (?!).

Dịu giọng một chút, bà Đậu phân trần: “Thực ra người nào biết chuyện, sạch sẽ, chu đáo, thấy việc gì trái mắt thì làm chứ không chờ nhắc nhở là tui ưng bụng. Nếu có trả lương cho họ 4,5 - 5 triệu đồng, tui cũng sẵn lòng. Nhưng cái số tui hiếm khi nào gặp được người như vậy!”.
“Oải lắm!”, chị Thảo Vy (ngụ Q.2, TP.HCM) lắc đầu ngao ngán lúc chúng tôi nhắc tới đề tài người giúp việc. Chị Vy bực bội: “Ô sin nhà tôi rất nhiều chuyện.


Thực tình cô muốn làm lâu dài cho gia đình họ. Nhưng cô không chịu nổi khi chủ nhà bằng tuổi con cô mà nó chửi cô ngu

Bà Út (57 tuổi, quê Trà Vinh)

Gia đình tôi có việc gì là bả kể hết cho cả xóm. Bả còn tự động kêu những người khác về nhà ăn uống, không thèm hỏi tôi một tiếng. Chưa hết, ông làm vườn cho tôi lại ra mặt ghen tuông với bạn bè tôi là nam giới... Những người như vậy, mình không muốn giữ lại”.
Khi tôi thôi giúp việc nhà trong chung cư gần đường Lê Trọng Tấn, Q.Bình Tân, chủ nhà được đổi miễn phí ô sin khác. Tuy nhiên, cô chủ cho hay chỉ sau hai ngày đã không còn thuê người này nữa, bởi vì: “Chị này vừa ẵm em bé vừa xem ti vi. Mình ở nhà mà còn vậy, lúc đi vắng chẳng biết chỉ làm gì nữa”.
Trăm kiểu chia tay
Chị Nguyệt (quê Quảng Nam) đã trải qua hơn 4 năm giúp việc nhà. Chị siêng năng, rất khỏe nên có biệt danh “Lực sĩ”. Chị giao kèo trước với chủ nhà: “Cực thế nào con cũng chịu được. Nhưng xin đừng chửi, nếu chửi là con đi”. Khi chủ nhà “vi phạm”, chị bỏ đi ngay và luôn.

tin liên quan

Trong thế giới ô sin: Những ngày quần quật
Với tiền công 40.000 - 50.000 đồng/giờ (làm theo giờ) hoặc 4 - 7 triệu đồng/tháng (bao ăn ở), ô sin thời nay có mức thu nhập không thua cử nhân, thạc sĩ mới ra trường. 
Nhớ cái đêm ngủ lại trong công ty môi giới và cung ứng lao động ở P.15, Q.Tân Bình, tôi được một số ô sin tâm sự vì sao họ bỏ việc. Bà Út (57 tuổi, quê Trà Vinh) ngậm ngùi: “Thực tình cô muốn làm lâu dài cho gia đình họ. Cô không muốn quay về đây nằm chờ việc, tốn kém tiền ăn uống. Nhưng cô không chịu nổi khi chủ nhà bằng tuổi con cô mà nó chửi cô ngu”, bà Út ngậm ngùi.
Các ô sin chờ việc làm ở một công ty môi giới và cung ứng lao động tại TP.HCM Ảnh: Như Lịch



Khó kiếm việc vì... chảnh
Một số ô sin khó kiếm được việc hoặc thường bị gia chủ “trả về” là do lười nhác, chảnh chọe. Hôm trước tại trung tâm giới thiệu người giúp việc, khi tôi từ chối làm cho một giám đốc lương 6 triệu đồng/tháng, một cô ô sin trẻ đẹp nhìn tôi như sinh vật lạ: “Ca đó ngon lắm sao không nhận? Chị có phòng riêng, toilet riêng, ăn rồi nằm phè ra. Chủ yếu chị vô coi nhà, bê nước, gọt trái cây cho ổng ăn thôi... Tui được phỏng vấn rồi mà tại tui ăn nói bạt mạng quá nên họ không nhận”. Với suy nghĩ kiểu đó, tôi mới hiểu vì sao cô này có biệt danh "chuyên gia... bị chủ nhà trả về nhiều nhất".

Một phụ nữ trẻ ở Sóc Trăng cho biết ông chủ nhà có máu dê. Mỗi lần chị cúi xuống lau nhà là ông cứ nhìn lom lom khiến chị “thấy ghét”. Nhưng “ghét” nhất là lần chị tranh thủ làm hết việc để ra tiệm gội đầu, làm đẹp, bà chủ nhà mỉa mai rằng ô sin mà có thói hưởng thụ như đại gia. Chị phản ứng: “Tui xài đồng tiền mồ hôi nước mắt của tui chứ bà có cho đồng nào đâu mà xỉa xói. Bà làm như ô sin là con ở, là mọi rợ không biết gì đến cuộc sống xung quanh...”. Và thế là ra đi.
Dù sao, đó cũng là những cuộc chia tay có lý do. Trên thực tế, khá nhiều ô sin bất ngờ nghỉ việc mà chẳng có lý do gì khiến chủ nhà rơi vào thế bị động.
Sáng 3.10, một chủ nhà trực tiếp đến gặp người điều hành Công ty T.Đ trên đường Cống Lở (Q.Tân Bình, TP.HCM) và than phiền: “Tôi chán nản quá rồi, thuê cả trăm người mà không có ai làm được lâu cả, lại còn tốn biết bao nhiêu chi phí môi giới”.
Người phụ trách công ty mềm mỏng: “Cả trăm người mà không ai trụ lại thì lỗi không chỉ do phía người làm. Chị nên xem lại cách sắp xếp của gia đình mình”.
Chỉ vào một ô sin ngồi bên cạnh, chủ nhà khá gay gắt: “Lý do không phải bên tôi. Như con bé này nói, nhà chị không có gì để chê hết, mà giờ em có việc, em không làm nữa. Nhiều người làm nhận xét nhà mình rất tốt, nhưng họ làm 4 - 5 ngày lại xin nghỉ”.
Những ngày gia nhập đội quân giúp việc nhà, bản thân tôi từng được một số “đồng nghiệp” truyền kinh nghiệm: “Cứ mạnh dạn nhận việc. Nếu thấy không thích nhà đó thì làm vài ngày để kiếm tiền ăn, rồi về đây tìm chỗ khác. Mình có mất mát gì đâu!”.
Chia sẻ với chúng tôi trong khóa học kỹ năng giúp việc nhà (do Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM tổ chức từ ngày 23.8 - 15.9), một luật sư nhìn nhận có tình trạng những người giúp việc gia đình đổi chỗ làm liên tục. Họ nêu ra những lý do rất cảm tính, chẳng hạn: chủ nhà mặt đăm đăm (chắc là) nghiêm lắm; nhà này rộng quá, lau dọn (chắc là) cực lắm; nhà kia bắt nấu nhiều món, chủ (chắc là) khó lắm...
Người đàn ông này làm nghề giúp việc nhà đã hơn 15 năm nay Ảnh: Trần Khoa

“Những người này rất khó có chỗ làm cũng như nguồn thu ổn định. Họ dễ dàng bỏ cuộc nên thiếu nhiều kỹ năng, kiến thức cần thiết phục vụ công việc”, vị luật sư phân tích. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.