Trong thế giới ô sin: Giúp việc thời hiện đại

23/11/2017 09:33 GMT+7

Lướt web nhoay nhoáy, rành mạng xã hội, biết lái xe hơi, thành thạo ngoại ngữ, tác phong chuyên nghiệp, ham học hỏi... Đó là chân dung của những ô sin hiện đại.

Chủ nhà… mừng húm !

Em chưa bao giờ thấy mặc cảm khi làm ô sin. Nhờ công việc này mà mẹ có việc làm, kiếm được tiền nuôi tụi em, còn em có chút tiền phụ đóng học phí

Nguyễn Như Anh Thư, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM

Thuê đến ô sin thứ năm, vợ chồng anh Bích Minh (chung cư Khang Gia, Q.Gò Vấp, TP.HCM) mới thở phào nhẹ nhõm.
Anh Minh nhận xét: “Chị này rất lanh, biết cách nói chuyện, làm công việc xẹt xẹt là xong. Sáng nào chị cũng nấu ăn cho mọi người và biết thay đổi khẩu vị, vừa ngon vừa rẻ. Chị thức khuya dậy sớm mà vẫn luôn vui vẻ. Nhìn chung, người này là tụi mình ưng ý nhất”.
Khi đến nhà anh Minh chơi, chúng tôi thấy chị Tình (người giúp việc) đang “dụ” đứa bé ăn cháo. Một tay chị cầm chiếc điện thoại đang phát những bài hát thiếu nhi hoặc các đoạn phim quảng cáo, một tay đút gọn từng muỗng cháo cho thằng bé.
Tối về, tôi bỗng nhận được lời kết bạn của chị Tình trên Viber. Chị chóng vánh hồi âm những lời thăm hỏi của tôi bằng một loạt câu tiếng Anh khá chuẩn. Choáng!
Trong khóa học kỹ năng giúp việc nhà, một giáo viên chia sẻ bà có người cháu từng “vô cùng khổ sở” do tìm mãi không ra người giúp việc... làm được việc.
Nhưng khoảng một năm nay, người cháu đó rất hài lòng với chị giúp việc có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Chủ nhà không phải nhắc nhở, chị vẫn biết kế hoạch thường ngày cần làm những gì. Hiện nay, mỗi ngày chị chỉ mất 2 - 3 tiếng đồng hồ là xong việc. Thời gian còn lại, chủ nhà đồng ý cho chị đi làm ở những nơi khác. Buổi tối, chị còn chủ động học thêm văn hóa...
Cũng trong khóa học trên, một luật sư thỉnh giảng kể rằng lúc bà đi học lái xe hơi, bà thấy một cô gái mới ngoài 20 tuổi học chung. Bà hỏi: “Em học lái xe hơi để về tự chạy à?”. Cô này đáp: “Dạ không, em học để đưa rước con cho gia đình người ta”.
Luật sư này nói với các học viên chúng tôi: “Nếu các anh chị nhìn thấy cô gái đó thì sẽ̃ không nghĩ là cô học để đi giúp việc gia đình. Bởi trông cô rất hiện đại, xinh đẹp, tác phong nhanh nhẹn, lịch thiệp”. Theo bà, thời buổi bây giờ có những gia chủ yêu cầu người giúp việc nhà phải đáp ứng một số tiêu chuẩn như: biết nấu ăn món Tây, ăn mặc thời trang, giao tiếp tốt...
“Thị trường giúp việc gia đình ngày càng thu hút nhiều người tham gia, kể cả những người nước ngoài như Philippines. Vì vậy, đòi hỏi người lao động phải chuyên nghiệp hơn và có trình độ hơn mới tồn tại được”, vị luật sư nhắn nhủ.

tin liên quan

Trong thế giới ô sin: Thay người như... thay áo
Có những gia đình đã đổi đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ô sin. Ngược lại, tình trạng ô sin nhảy việc liên tục cũng phổ biến. Lý do thì nhiều vô kể, kể cả khi... không có lý do gì!
... Và bây giờ là tân sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM Ảnh: Thư Nguyễn
Ô sin vào đại học
Từ năm 15 tuổi, Nguyễn Như Anh Thư (tạm trú tại xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TP.HCM) đã làm nghề giúp việc nhà để có tiền trang trải việc học. Ba năm kiên nhẫn đeo đuổi ước mơ, mới đây Anh Thư đã trở thành sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.
Tâm lý chung của nhiều người giúp việc nhà là giấu giếm thân phận, nghề nghiệp của mình. Còn Anh Thư thì cởi mở: “Em chưa bao giờ thấy mặc cảm khi làm ô sin. Nhờ công việc này mà mẹ có việc làm, kiếm được tiền nuôi tụi em, còn em có chút tiền phụ đóng học phí. Em đi làm cho người ta nên biết mẹ theo nghề này vất vả như thế nào”.
Thương mẹ hay đau yếu và oằn vai lo cơm áo, từ năm học lớp 10, Thư đã xin đi làm thêm. Sau một thời gian ngắn, nữ sinh này “bén duyên” với công việc nội trợ và giữ em bé vào ban đêm cho người khác.
Đầu tắt mặt tối nhưng suốt ba năm THPT, Anh Thư đều là học sinh giỏi của Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TP.HCM). Đặc biệt, ngay trong “những ngày vàng” cận kề kỳ thi THPT quốc gia 2017, Thư vẫn điềm tĩnh vừa ôn thi vừa làm ô sin.
Với số điểm 23,5, Thư trúng tuyển vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM (cơ sở Q.Thủ Đức). Mừng vì ước mơ được bước vào giảng đường thành hiện thực, nhưng nỗi lo chi phí học hành đè nặng tâm can cô gái nhỏ. Sát thời điểm nhập học, Anh Thư vẫn tranh thủ đi chăm em bé cho hộ gia đình, chắt chiu từng đồng bạc...

tin liên quan

Trong thế giới ô sin: Những ngày quần quật
Với tiền công 40.000 - 50.000 đồng/giờ (làm theo giờ) hoặc 4 - 7 triệu đồng/tháng (bao ăn ở), ô sin thời nay có mức thu nhập không thua cử nhân, thạc sĩ mới ra trường. 
Biết được hoàn cảnh khó khăn và nghị lực của Anh Thư, chúng tôi đã giới thiệu trường hợp này đến Ban Quản lý ký túc xá Cỏ May (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức). Sau khi xét chọn, phỏng vấn, ban quản lý đã quyết định giúp Thư ăn, ở miễn phí trong ký túc xá và trợ cấp học phí ở học kỳ đầu tiên. Riêng Thư dự định vào các ngày nghỉ như lễ tết và mùa hè sẽ tiếp tục đi giúp việc nhà để kiếm tiền học cho những kỳ tới.
Trong khi đó cũng tại làng đại học Thủ Đức, gần 3 năm nay cô sinh viên bại liệt Lê Thị Liên (Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) vẫn cần mẫn đến lớp trên đôi chân người mẹ làm nghề giúp việc.
Chị ô sin này được chủ nhà đánh giá cao bởi sự chuyên nghiệp và có nhiều kỹ năng Ảnh: Như Lịch
Tuy khuyết tật nhưng Liên sáng dạ, học giỏi. Khi Liên đậu đại học, mẹ Liên - bà Lê Thị Tâm, quyết định theo con từ Thanh Hóa vào TP.HCM. Ở ngoài quê, chồng bà đảm nhận nuôi nấng hai đứa em của Liên.
Hằng ngày, bà Tâm lo vệ sinh thân thể, cơm nước cho Liên rồi đưa con đến trường. Vất vả nhất là những điểm học không có thang máy, bà phải bồng bế con leo lên leo xuống hàng chục bậc thang.
Buổi tối, bà Tâm đi giúp việc nhà đến hơn 22 giờ mới về. Nhắc đến con, bà khoe điểm trung bình của Liên năm học vừa rồi là 8,05. “Mệt thì có mệt, nhưng thấy con học hành tiến bộ mình vui lắm. Mình sẽ làm công việc này cho đến khi con ra trường, có việc làm ổn định thì mới... tính tiếp”, bà cười hồn hậu.
Cũng như gia đình Anh Thư, mẹ con bà Tâm luôn trân trọng và biết ơn nghề giúp việc - cái nghề mà nhiều người trong xã hội (kể cả người trong cuộc) vẫn kỳ thị và chưa chịu thừa nhận.
Từ xe đạp “lên” xe hơi
Một sáng đầu tháng 10, có đôi vợ chồng lớn tuổi, dáng bệ vệ, tìm đến công ty chuyên giới thiệu người giúp việc nhà ở đường Cống Lở, Q.Tân Bình, TP.HCM. Tưởng họ là chủ nhà, những ô sin đang ngồi chờ việc nhanh chóng nhường ghế. Sau khi trò chuyện, mới biết họ cũng đi tìm việc làm.
Đại diện công ty hỏi người phụ nữ: “Cô chạy được xe đạp không?”. Bà nói: “Cô lái được xe hơi, nấu ăn ngon, biết nói tiếng Hoa, còn chú là thông dịch viên tiếng Hoa. Có gia đình nào thuê cả hai vợ chồng thì càng tốt”. Bà tiết lộ có con nuôi ở nước ngoài, hằng tháng gửi tiền về cho nhưng ông bà không muốn làm gánh nặng và mắc nợ người khác. “Xài tiền do mình lao động mà có, tâm mình thấy thanh thản và thoải mái hơn nhiều”, bà bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.