Triệu phú Đồng Văn

22/01/2008 17:16 GMT+7

Nơi cao nguyên chập chùng đá xám Đồng Văn (Hà Giang) có một chàng thanh niên người Mông lúc 20 tuổi đã là chủ của đàn bò, dê hơn 150 con.

Thoát nghèo nhờ cái chữ

Anh là Vàng Mí Cơ, người mà hễ nhắc đến tên là bà con địa phương lại kể với sự khâm phục và yêu mến. Từ quốc lộ 4C vào tới xóm Lao Sa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang, chỉ có 12 km nhưng chúng tôi phải ì ạch lê bước trong suốt 3 tiếng đồng hồ vì đường đi khá gập ghềnh. Anh bạn dẫn đường người bản địa động viên bằng câu nói úp mở: "Cán bộ gặp Vàng Mí Cơ sẽ ngạc nhiên lắm đấy!". Quả đúng vậy, chúng tôi cứ đứng ngẩn tò te bên bờ rào đá mà ngỡ mình nhầm địa chỉ, bởi nhìn khuôn mặt non choẹt của người đối diện, mấy ai tin được đấy là ông chủ của đàn bò, dê lớn nhất cao nguyên đá và là đại biểu nông dân tiêu biểu trẻ nhất toàn quốc 2007.

Bằng lối nói chuyện dí dỏm, cuốn hút, Vàng Mí Cơ hào hứng kể chuyện đời mình bằng tiếng Kinh sõi đến nỗi anh cán bộ xã làm nhiệm vụ phiên dịch cho chúng tôi trở nên "thất nghiệp". "Mình dẫn đi thăm chuồng trại, nương rẫy rồi cán bộ hỏi gì thì hỏi nhé" - Vàng Mí Cơ vừa nói cười oang oang, vừa phăm phăm kéo chúng tôi ra khỏi nhà.

Cách đây hơn 10 năm, gia đình Vàng Mí Cơ nghèo lắm. Mà chẳng riêng gì nhà anh, cả xóm Lao Sa, cả xã Sủng Là cũng thế cả. Sủng Là có hơn 520 hộ dân thì gần như 100% số hộ thuộc diện nghèo, trong đó có tới hơn 50% số hộ phải sống bằng lương thực cứu trợ của Chính phủ.

Sinh năm 1987 trong một gia đình dân tộc Mông đông con, Vàng Mí Cơ tất nhiên phải vất vả từ tấm bé. Ngoài thời gian đến lớp, cậu phải cùng bố mẹ lên nương xếp đá, vét đất, tra ngô, chăn bò, lấy củi. Bù lại, là con út nên Cơ được "ưu tiên" cho học hết cấp 3. Có cái chữ trong đầu, Vàng Mí Cơ hiểu rằng: "Người Mông mình không lười đâu nhưng sao cứ đói nghèo mãi thế. Tại mình chưa biết làm ăn thôi". Ngộ ra điều ấy, cậu bé tinh nghịch ngày nào bắt đầu có thú vui tìm đọc những cuốn sách khoa học kỹ thuật ở thư viện trường, cũng như những sách khuyến nông, khuyến lâm được Nhà nước cấp phát ở bưu điện văn hóa xã, với mong muốn cải tiến cách làm nương rẫy, phát triển kinh tế.

Năm 1998, Vàng Mí Cơ đại diện gia đình lần đầu tiên đi tham dự lớp tập huấn khuyến nông tại xã. Cũng năm này, lần đầu tiên cán bộ khuyến nông cõng cây ngô lai lên Sủng Là. Mí Cơ là một trong những người đi đầu mạnh dạn xin trồng ngô lai thay cho ngô giống cũ. Bố anh, ông Vàng Dúng Sử, tuy chẳng được học hành nhưng rất tin tưởng ở quyết tâm của cậu con út sáng dạ nên đồng ý ngay. Gia đình lập tức trồng giống ngô lai trên diện tích 1,8 ha đất ruộng và nương. Rồi cứ hễ có buổi tập huấn nào là Mí Cơ xin đi bằng được để học hỏi kinh nghiệm. Vụ thu hoạch năm đó, những túm ngô vàng ươm, hạt mây mẩy tròn căng rải khắp từ bờ rào đá vào tới trong nhà Vàng Mí Cơ. Phơi phóng, bóc tách xong, nhà Cơ thu được tới 4 tấn ngô hạt. Chưa bao giờ và chưa có hộ nào ở Sủng Là có được nhiều ngô đến thế. Vụ nọ tiếp vụ kia, dần dà, năng suất ngô lai đạt tới 2,7-3 tấn/ha.

Vàng Mí Cơ

Không còn lo thiếu ngô để làm mèn mén, nấu rượu, Vàng Mí Cơ định huy động người nhà cõng ngô xuống chợ bán. Nhưng thật may, trong một lần xuống chợ, Cơ gặp cán bộ khuyến nông và được bảo rằng dùng ngô mà chăn nuôi thì có nhiều tiền hơn là mang xuống chợ bán. Rồi cán bộ hướng dẫn Cơ vay vốn ngân hàng để mua 2 con bò, 5 con dê về nuôi. "Lúc đầu thấy lạ lắm, người Mông ngày trước nuôi bò, dê thì toàn thả rông cho nó tự tìm lấy cỏ mà ăn. Đến mùa đông, nhà nào cũng phải bán bớt hoặc làm thịt chứ không thì chúng cũng chết rét, chết đói. Nhưng cán bộ bảo thì cứ học theo thôi" - Vàng Mí Cơ tâm sự. Giã ngô ra nấu cám cho bò, dê ăn hằng ngày, chuồng trại lại được dọn dẹp sạch sẽ nên đàn bò, dê của nhà Cơ, con nào con nấy béo nung núc. Cán bộ lại đưa giống cỏ voi về bảo trồng mà lấy thức ăn tươi cho bò, dê, Cơ lại lấy giống về trồng ở những vạt nương quanh nhà. Đất cằn cỗi là thế mà cỏ voi cứ tốt bời bời, thân cao như cây mía. Thế là mùa đông không sợ dê, bò đói.

Ông chủ tuổi đôi mươi

Vàng Mí Cơ nuôi ước vọng làm giàu bằng chính việc chăn nuôi và trồng trọt. Đến thời điểm hiện tại, anh đã có trong tay hơn 100 con bò, 50 con dê. Để tận dụng thức ăn từ ngô, Vàng Mí Cơ đã nuôi hàng trăm con gà, ngan và hàng chục con lợn. Cơ cũng nhận chăm sóc 2 ha rừng tái sinh mà nhà anh được nhận bảo vệ và trồng thêm cây lấy gỗ. Sau 10 năm, rừng đã cung cấp gỗ cho gia đình làm nhà cửa, chuồng trại và củi đun. Cũng nhờ rừng mà gia đình anh giúp nhiều hộ nông dân nghèo xóa được nhà tạm. Gia đình anh cũng sắm máy xay xát ngô và hai cái máy xay đá làm vật liệu xây dựng để phục vụ gia đình và bà con thôn bản. Từ chỗ đói nghèo, hiện nay gia đình Vàng Mí Cơ đã trở thành hộ giàu với thu nhập hằng năm ước đạt gần 300 triệu đồng.

Trở thành một tấm gương sáng cho bà con dân tộc ở Sủng Là và cả huyện Đồng Văn, nhưng Vàng Mí Cơ vẫn buồn khi thấy người Mông ở đây còn nghèo, đôi chỗ còn lạc hậu trong suy nghĩ. Sau bao phen vò đầu bóp trán, Cơ đã quyết định áp dụng mô hình cho nuôi rẽ bò. Nhiều người cản Cơ vì lo: "Giao bò nhà mình cho người khác, liệu người ta có chăn nuôi cẩn thận như mình không; ngộ nhỡ bò chết thì mình mất trắng à?...". Nhưng Cơ bảo: "Nuôi bò (cái) của người khác, nhưng cũng để cày bừa, nếu nó đẻ được bê thì là của mình rồi, thế nên bà con sẽ chăm sóc bò cẩn thận thôi. Cái bụng người Mông tốt mà. Lo gì!".

Đến thời điểm này, đã có tới 76 hộ nuôi rẽ bò cho nhà Cơ. Các hộ nhận bò về nuôi vừa dùng để cày kéo, vừa cho chúng sinh sản. Phương thức nuôi rẽ rất đơn giản: Bò đẻ được 2 con thì hộ nuôi được giữ lại 1 con, còn con kia trả lại Cơ để chuyển cho hộ khác nuôi. Tổng giá trị đàn bò, dê mà Vàng Mí cơ đang cho hộ nghèo nuôi rẽ là gần 220 triệu đồng/năm. Nhờ đó, đời sống của người dân xã Sủng Là ngày càng được cải thiện. Tiếng lành đồn xa, bà con ở các xã lân cận cũng tìm đến và được Cơ tận tình giúp đỡ.

"Trong các hốc đá ở Sủng Là hiện không chỉ có cây ngô lai, cây cỏ voi mà đã có nhiều loại cây trồng khác có giá trị hàng hóa như cây rong riềng, khoai lang, đậu tương cao sản. Người Mông ở Sủng Là giờ đây đã hết nghèo rồi, chỉ thiếu điện và con đường bằng phẳng, rộng rãi thôi" - Vàng Mí Cơ tự hào.

Bằng Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.