Trẻ em Việt trước nguy cơ bị bạo hành: Cha mẹ dạy con kỹ năng 'tự vệ'

22/12/2017 13:39 GMT+7

Trẻ bị bạo hành ở trường và ở chính trong ngôi nhà của mình, nơi tưởng chừng như an toàn nhất và cũng là nơi bảo bọc trẻ.

Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em được phanh phui, nhiều đối tượng gây nên những tội ác này cũng đang phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Thế nhưng, ngoài nỗi đau về thể xác thì vết thương tâm lý của trẻ vẫn còn đó, dai dẳng, có khi là ám ảnh cả cuộc đời.
Trẻ bị bạo hành ở trường và ở chính trong ngôi nhà của mình, nơi tưởng chừng như an toàn nhất và cũng là nơi bảo bọc trẻ. Vì sao lại như vậy? Cách nào để nhận biết trẻ đang bị bạo hành, xâm hại. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi cùng luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM về vấn đề này.
* Xin chào luật sư, thời gian gần đây có rất nhiều vụ trẻ bị bạo hành, xâm hại. Luật sư có thể dẫn chứng những trường hợp nào liên quan đến việc trẻ bị bạo hành, xâm hại mà mình biết hoặc từng tham gia xử lý?
LS Trần Thị Ngọc Nữ: Đầu tiên là bạo hành, khoảng năm 2014 tôi có tiếp nhận trường hợp em Trần Minh Hiếu 6 tuổi ở Q.Bình Tân, TP.HCM bị cha dượng dùng tuýp sắt đánh dập não, gãy chân, gãy tay, tay bị hư ở khuỷu vĩnh viễn không duỗi thẳng tay ra được.
Khi tôi tiếp nhận sự vụ tại Bệnh viện Chợ Rẫy và thấy cảnh tượng bé băng bó kín người và không còn nhận ra nữa. Khi đó, tôi có nói với mẹ của bé: “Chị là mẹ ruột mà sao để cho cha dượng đánh dã man như vậy”. Mẹ bé nói là do chị đi làm nên không có biết, dù nghe bé méc nhiều lần nhưng không ngờ là người chồng thứ hai của mình lại đánh bé dã man như vậy nên chị đã kêu người này đi ra khỏi nhà.
LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM Ảnh: Vũ Phượng
Sau đó, công an đã khởi tố và bắt người cha dượng này. Tôi cũng dặn chị là sau khi bé lành hẳn thì liên hệ hội để chúng tôi bảo vệ quyền lợi của bé trước tòa nhưng có lẽ là trong gia đình nên mẹ bé ngại vấn đề tố cáo.
Như trường hợp của bé Trần Thị Kim Ngân ở Bình Dương, cả mẹ ruột và cha dượng đều đánh con mà lúc đó chưa có quyền giám hộ trừ cha mẹ, vì vậy người ta xấu hổ trong gia đình không chịu đưa ra, hoặc nghĩ đánh trong gia đình, tự xử lý với nhau rồi thôi.

Thường bạo hành trong gia đình không ai đi tố cáo đâu, vì họ cùng sống trong một gia đình. Tố cáo xong người này vô tù, người kia còn lại gồng gánh cũng mệt mỏi. Mà hơn hết, nhiều người vẫn nghĩ “con tôi, tôi đánh, tôi dạy” nên dùng đòn roi với trẻ mà không biết là đang vi phạm pháp luật.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ

Còn xâm hại thì trường hợp bé gái 2,5 tuổi ở Thủ Đức, bé nhỏ nhất nước bị xâm hại. Lúc tôi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận thì thấy bé đang hôn mê và chảy máu nhiều, bệnh án ghi là thủng trực tràng, rách hết cửa mình. Bác sĩ nói là khi bé lớn lên có khả năng sẽ bị nhiều bệnh về trực tràng, sinh dục, đường ruột…
Sau đó tối ngủ bé hay la hét nên mẹ phải gửi bé về quê. Còn bị cáo thì chịu mức án chung thân. Mà vấn đề ở đây không phải là chung thân hay tử hình, đó là đúng người đúng tội đúng pháp luật, còn từ giờ đến cả cuộc đời về sau, bé bị khiếm khuyết như vậy thì rất tội nghiệp bé.
* Nhiều cha mẹ hay dùng đòn roi để nuôi dạy trẻ khi trẻ bướng bỉnh hoặc không nghe lời. Luật sư đã bao giờ gặp trường hợp trong một gia đình mà vợ hoặc chồng tố cáo người còn lại bạo hành với con chưa?
LS Trần Thị Ngọc Nữ: Thường bạo hành trong gia đình không ai đi tố cáo đâu, vì họ cùng sống trong một gia đình. Tố cáo xong người này vô tù, người kia còn lại gồng gánh cũng mệt mỏi. Mà hơn hết, nhiều người vẫn nghĩ “con tôi, tôi đánh, tôi dạy” nên dùng đòn roi với trẻ mà không biết là đang vi phạm pháp luật.
Trước tôi cũng gặp trường hợp vợ đến tố cáo chồng bạo hành với con nhưng khi ra tới công an thì hòa giải thành. Nhiều trường hợp như vậy thường xảy ra ở địa bàn quận 4. Cứ ra tới công an, chồng thì nói là do nóng quá, làm ăn thua lỗ, thua bài hoặc uống rượu, còn vợ thì cũng đủ lý do như buôn bán ế hay bực tức trong người.
Rồi bao nhiêu cơn giận trút lên đầu đứa nhỏ đến mức người còn lại phải lên công an thưa. Công an thì thường nói chuyện gia đình về gia đình giải quyết. Thực tế là nhiều cha mẹ đánh con như một cách trút giận chứ không phải là “thương cho roi cho vọt”.
Bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị cha ruột và mẹ kế bạo hành suốt 2 năm Ảnh: Hà An
* Còn chuyện xâm hại trẻ em thì như thế nào trong gia đình, thưa luật sư?
LS Trần Thị Ngọc Nữ: 99% các vụ xâm hại trẻ em tôi tiếp nhận đều xuất phát từ người thân quen. Rất nhiều trường hợp là cha xâm hại con. Ở Q.Bình Tân, cha mẹ ly hôn rồi hai đứa con gái (7 tuổi, 9 tuổi) ở với cha đều bị cha xâm hại trong thời gian dài. Hai đứa bé hiểu là đang bị xâm hại nhưng không dám nói có thể vì bị hăm dọa, xấu hổ và đây cũng là người nuôi nó.
Thế nhưng ra đến tòa, hai đứa nhỏ nghe cha có thể bị tử hình thì giơ tay van xin quý tòa đừng tử hình cha của mình. Trường hợp khác ở Vĩnh Long, cha mẹ cũng ly hôn, mấy lần đứa bé nói với mẹ là cha xâm hại, người mẹ cũng không tin và nghĩ rằng con chỉ nói vậy thôi. Đến khi sự thật được phơi bày, người mẹ mới “ngã ngửa”.
* Xin luật sư cho biết, những người xung quanh có thể dựa vào những biểu hiện nào của trẻ mà nghi ngờ trẻ bị bạo hành, xâm hại?
LS Trần Thị Ngọc Nữ: Từ 5 tuổi trở xuống khi trẻ gặp vấn đề thì nửa đêm hay khóc thét. Bình thường thì năng động, nhanh nhẹn nhưng bỗng có ánh mắt buồn, không nói chuyện với ai, đưa đồ chơi không thèm lấy hoặc lấy gượng ép. Nói chung người lớn phải để ý ánh mắt của trẻ. Thực tế cho thấy đa số các trẻ bị bạo hành thường bị các vấn đề liên quan đến tâm lý như: sợ nơi đông người, sợ tiếp xúc với người lạ, sợ tới trường, ám ảnh trong suy nghĩ. Phải qua một thời gian dài điều trị thì bé mới lắng dịu lại.
Người lớn phải thường xuyên theo dõi sát bé, khi gửi bé đến trường cũng phải quan sát xung quanh trường lớp, cơ sở vật chất thế nào, cô giáo thế nào. Nhiều người nói không có camera thì rất khó quan sát nhưng có camera ở chỗ này thì người ta kéo ra chỗ khác đánh cũng vậy.
Những trẻ dưới 3 tuổi cha mẹ phải thường xuyên nói chuyện với con, bám sát con, xem những biểu hiện từng ngày, trên 3 tuổi thì dạy cho bé rằng ai đụng con thì con phải la lên rồi đẩy ra. Tùy theo cấp tuổi rồi cha mẹ dạy bé những kỹ năng cần thiết.
Những người xung quanh khi phát hiện bé bị bạo hành thì phải tố cáo liền ở tổ dân phố, tức là nói tổ trường dân phố, còn bé bị xâm hại thì đưa bé tới ngay công an để đưa bé đi giám định, lưu lại chứng cứ.
* Vậy luật sư có đề xuất giải pháp nào để hạn chế tình trạng trẻ bị bạo hành, như trường hợp ở Hà Nội suốt 2 năm mà không ai biết?
LS Trần Thị Ngọc Nữ: Tôi nghĩ đề xuất thiết thực nhất là yêu cầu công an khu vực, bảo vệ dân phố theo sát đời sống người dân. Ngày trước trong nhà có chuyện gì là công an cũng đều biết, thậm chí có người thân đến chơi họ cũng biết luôn nhưng ngày nay thì việc quản lý không còn chặt chẽ như vậy.
Suốt 2 năm bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị bạo hành, hội phụ nữ, bảo vệ dân phố, an ninh khu phố khi đó ở đâu mà không hay biết? Do vậy, cần có sự quản lý, theo dõi chặt từ địa phương. Cũng từng có những vụ trẻ bị xâm hại, công an phá án nhanh là nhờ có tổ trưởng dân phố quan sát được và báo công an đến bắt quả tang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.