Tranh dân gian 'sống lại' bằng công nghệ mới

15/01/2017 11:04 GMT+7

Vẽ lại tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống bằng bút chì nhưng tô màu bằng công nghệ đồ họa hiện đại, họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam đã mang đến cho những bức tranh vốn quen thuộc ngày thường trở nên sinh động, tươi mới hơn.

Ngày 13.1, tại Hà Nội, triển lãm "Vẽ lại tranh dân gian" của Nguyễn Xuân Lam mở cửa đón khách tham quan. Bất chấp cái lạnh, mưa rét của mùa đông, phòng tranh tấp nập người ghé tới. Trẻ em thích thú khi nhìn thấy áo dài đỏ, phong bao lì xì in tranh dân gian. Người lớn bồi hồi khi thấy cành đào Nhật Tân, tràng pháo tượng trưng và bức tranh đàn gà Đông Hồ được vẽ lại còn tươi mới.
Nguyễn Xuân Lam vẽ bất cứ khi nào rảnh rỗi, từ tháng 4.2016 đến nay, 20 bức tranh dân gian như đàn gà, gà trống và hoa hồng, em bé ôm gà, cá chép trông trăng, ngũ hổ… được vẽ lại theo phong cách hiện đại đã hoàn thiện, có mặt tại phòng trưng bày.
Nguyễn Xuân Lam kết hợp truyền thống và hiện đại để hoàn thiện những bức tranh dân gian
Chân dung họa sĩ 9x Nguyễn Xuân Lam
Để những bức vẽ được có hồn nhất, Nguyễn Xuân Lam đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các chùa chiền cổ để nhìn lại những tranh dân gian xưa. Anh cũng luôn thắc mắc, tại sao khu vực tranh dân gian tại bảo tàng luôn vắng vẻ.
Nguyễn Xuân Lam chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, tôi vào làm việc ngay cho một hãng thời trang, ngoài ra tôi đăng ký học thêm khóa thiết kế đồ họa, học thêm tiếng Pháp nên rất bận rộn, đa phần tôi vẽ vào buổi tối. Các bức tranh được vẽ chì, sau đó tô màu bằng đồ họa trên máy vi tính. Các đường nét trong những bức tranh này do đó sắc nét hơn, màu sắc tươi vui hơn, có không khí Tết hơn”.
“Tôi muốn các bạn trẻ đón nhận tranh dân gian, qua đây cũng hiểu hơn về phong tục treo tranh dân gian ngày Tết cổ truyền xưa của Việt Nam”, Lam nói về mục đích thực hiện triển lãm.

tin liên quan

Cô gái khuấy động tranh Đông Hồ
'Lần đầu đến Bắc Ninh, tôi bị mảnh đất và con người nơi đây chinh phục. Từ đó tôi nung nấu phát triển bộ công cụ in tranh nhằm giúp trẻ nhỏ có thể tự trải nghiệm vẻ đẹp của nghệ thuật in tranh Đông Hồ tại nhà'
Trong số 20 tranh dân gian trưng bày, những bức tranh vẽ gà nhiều hơn cả. Lúc thực hiện, họa sĩ trẻ sinh năm 1993 (năm con gà) cũng không nghĩ đến năm mới 2017 là con gà Đinh Dậu. Anh nói: “Đó cũng là một cái duyên, bức tranh đầu tiên tôi hoàn thành là Ngũ hổ, bức thứ hai là Gà trống và hoa hồng, sau đó các bức vẽ về gà luôn mang lại cảm hứng khác biệt”.
Gà trống và hoa hồng, bức vẽ tâm đắc của Nguyễn Xuân Lam
Theo Nguyễn Xuân Lam, anh muốn bạn trẻ không quay lưng lại với tranh dân gian và hiểu hơn về phong tục ngày Tết treo tranh từ xưa của người Việt Nam
Ngoài những bức tranh dân gian vẽ theo phong cách mới, Nguyễn Xuân Lam cũng mang đến triển lãm tranh đầu tiên của riêng mình những sản phẩm ứng dụng như lịch để bàn, phong bao lì xì, bình phong, áo dài in tranh dân gian hình gà… đón xu thế năm mới 2017.
Nguyễn Xuân Lam sinh ra ở Hà Nội trong một gia đình không ai theo đuổi con đường nghệ thuật (bố anh là kỹ sư, mẹ là quản lý nhà hàng). Anh thích vẽ và được học vẽ tại nhà văn hóa thiếu nhi từ năm 4 tuổi. Anh cho biết vẽ là một đam mê và cảm hứng với tranh dân gian sẽ là khởi đầu và chưa kết thúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.