Tranh cướp lộc là một 'nét văn hóa cần bảo tồn'?

02/02/2017 18:47 GMT+7

Ông Nguyễn Nam Nho - Giám đốc Trung tâm Quản lý khu Di tích đền Gióng - Sóc Sơn, Hà Nội khẳng định với Thanh Niên , màn tranh lộc hoa tre trong ngày khai hội diễn ra theo " đúng kịch bản, là một nét đẹp văn hóa cần bảo tồn!"

Sáng nay, mùng 6 âm lịch, cùng với nhiều lễ hội khác trên cả nước, lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) chính thức khai hội, mở cửa đón chào du khách thập phương.

Theo đó, lễ hội đền Gióng vài năm trở lại đây gây bức xúc dư luận vì tình trạng chen lấn xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để tranh lộc, giành hoa tre.
"Tôi cảm thấy lo lắng và sợ hãi trước tình trạng cướp lộc hoa tre ở lễ hội, năm ngoái có người chen lấn tưởng gãy chân, tay nên năm nay tôi không dám tham dự phần lễ này", chị Phan Thị Minh Hợp, thôn Mai Đồng, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội nói. 

VIDEO]: GIÁM ĐỐC KHU DI TÍCH ĐỀN GIÓNG: "CƯỚP LỘC HOA TRE DIỄN RA THEO ĐÚNG KỊCH BẢN" - THỰC HIỆN: VŨ DƯƠNG - LÊ NAM
Khoảng 7 giờ 30 phút, phần lễ rước kiệu chính thức diễn ra, hàng nghìn người dân tập trung trước đền chính theo dõi màn rước kiệu và cướp lộc hoa tre. Năm nay, BTC chuẩn bị sẵn hàng rào và lực lượng thanh niên tình nguyện che chắn, bảo vệ kiệu hoa, đảm bảo đoàn rước hoàn thành nghi lễ rước kiệu trong đền.
 
Việc hàng trăm người lao vào tranh lộc tre Ảnh chụp màn hình
Một thanh niên trong màn cướp lộc hoa tre Ảnh chụp màn hình
Lực lượng thanh niên tình nguyện lập hàng rào cản biển người tranh lộc hoa tre Ảnh chụp màn hình

Ngay sau khi có "mở cửa" để người dân "hái lộc", đám đông ồ ạt nhảy vào tháp hoa, thi nhau tranh để có được một phần lộc vàng. Nhiều thanh niên trèo lên hàng rào, hô hào đám đông đang cướp lộc.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nho khẳng định: "Việc tranh cướp lộc hoa tre là một tất yếu của lễ hội Gióng, cần bảo tồn và phát huy. Nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội, được ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, được UNESSCO công nhận. Tuy nhiên, để đảm bảo xu thế hiện đại, việc tranh cướp lộc phải diễn ra một cách phù hợp và văn minh hơn".


Màn cướp lộc hoa tre trong ngày khai hội diễn ra theo "đúng kịch bản, là một nét đẹp văn hóa cần bảo tồn!"

Ông Nguyễn Nam Nho
Giám đốc Trung tâm Quản lý khu Di tích đền Gióng


"Hoa tre làm từ cây tre, là biểu tượng đặc trưng của dân tộc Việt. Cây tre là vũ khí của ông Gióng. Khi đánh giặc trở về, cây tre dập nát tơi bông, nhuộm màu bụi đường biến thành màu vàng, ông Gióng đã nói đây là hoa tre. Để tưởng nhớ công ơn, dân làng Vệ Linh, tổng đầu nước đã làm hoa tre dâng lên ông. Đây là lễ phẩm duy nhất tiến cung, để cầu mong 1 năm mới phát tài phát lộc, cũng như thánh Gióng phù hộ độ trì cho người dân, mỗi người đều muốn có được một phần lộc hoa để mang về. Chính vì vậy trong hội Gióng mới có tục cướp lộc hoa tre này", ông Nho lý giải thêm.

 

Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho rằng: “Cho dù đó là một hèm, một tục phải diễn ra tại lễ hội Gióng nhưng cướp lộc mà theo cách như bây giờ thì phải cải tiến”. Còn nhớ, năm ngoái, việc cướp lộc tại đền này đã gây đổ máu. Sự việc này cũng đã được đưa ra tại nhiều cuộc họp về công tác quản lý lễ hội trong năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.