Tranh cãi về clip bất thường của NASA

18/07/2016 09:32 GMT+7

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ một lần nữa làm bùng nổ tranh cãi sau khi đột ngột ngắt đường truyền trực tuyến khi camera bắt được hình ảnh một vật thể bí ẩn tiếp cận trái đất.

Những người theo thuyết âm mưu không gian đang cáo buộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cố ý ngưng đường truyền trực tuyến từ Trạm không gian quốc tế (ISS) sau khi có vật thể bay không xác định tiến vào tầm nhìn của một trong các máy quay của trạm.
Đoạn clip bí ẩn
Theo tờ USA Today, đủ loại giả thuyết được đưa ra sau khi người dùng trang YouTube tên Streepcap1 tải lên một đoạn clip truyền dữ liệu vào ngày 9.7.
Trong clip, một vật thể màu sáng từ từ lọt vào khung máy quay, trước khi màn hình chớp lên thông báo rằng có vấn đề kỹ thuật đối với đường truyền và tắt ngúm. Trong khi người dùng Streepcap1 cho rằng vật thể bất ngờ trên có lẽ cũng chẳng phải là sự sống ngoài trái đất, người này cũng chỉ ra điểm bất thường khi ISS ngưng truyền hình ảnh về địa cầu.
“Nó có thể là thiên thạch hoặc thứ gì đó tương tự”, theo nội dung dòng chữ chạy trên màn hình clip của Streetcap1, thêm rằng điều thú vị là camera bị ngắt khi vật thể này dường như ngừng di chuyển. Vậy thì NASA đang giấu giếm chuyện gì đây? Chỉ trong vòng 1 tuần kể từ khi xuất hiện trên mạng, clip đã nhận được 2,3 triệu lượt truy cập. Độ “hot” của đoạn băng này đã thu hút sự chú ý của nhiều báo đài, và ai nấy đều nêu lên nghi vấn liệu NASA có cố tình che đậy sự tồn tại của người ngoài hành tinh bằng động tác ngắt đường truyền.
NASA che đậy bí mật?
Trang CNET dẫn lời phát ngôn viên NASA Daniel Huot khẳng định đường truyền trực tuyến này không phải do cố ý cắt, mà các camera được gắn trên ISS được điều khiển một cách tự động. Phía NASA giải thích rằng đoạn clip truyền đi đang bị nghi ngờ là một đợt thử nghiệm Tầm nhìn độ phân giải cao trái đất (HDEV). Bất cứ khi nào ISS có tín hiệu thì đoạn clip sẽ được truyền xuống, và clip đứt quãng do ISS đi khỏi tầm phủ sóng của các vệ tinh.
“Trạm thường xuyên lọt khỏi tầm của các vệ tinh dò tìm và truyền dữ liệu, vốn được dùng để gửi và nhận clip, tín hiệu bằng âm thanh và các đo đạc từ xa”, theo ông Huot, thêm rằng ISS xoay quanh địa cầu đến 16 lần trong ngày, và thỉnh thoảng chuyện lọt khỏi tầm phủ sóng vệ tinh vẫn xảy ra.
Tuy nhiên, nhiều công dân mạng nhất quyết không tin vào lời giải thích trên. “Với hàng ngàn vệ tinh được triển khai qua nhiều thập niên, liệu rằng còn có thể xuất hiện điểm mù trong liên lạc với ISS, với các phi hành gia vẫn luôn túc trực trên đó”, theo một người dùng tên Furd Helmer tranh cãi. “Làm sao NASA có thể đường hoàng vỗ ngực tự cho là mình là nắm công nghệ tối tân trong lĩnh vực không gian, nếu không giải quyết được tình trạng điểm mù?”.
Những người khác lại xoáy vào chất lượng đặc biệt kém của đoạn clip, đoán rằng NASA cố ý làm như vậy để che đậy bí mật nào đó. “Tại sao mỗi lần quay clip vật thể bay không xác định lại dùng camera quá cổ lỗ sĩ như vậy”, theo một người dùng tên Andrew Bergk.
Tạm thời, những nghi vấn trên vẫn chưa được trả lời thỏa đáng, theo nhiều công dân mạng, và có vẻ như đến nay NASA vẫn không hóa giải được sự tò mò của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.