Tranh cãi chó Nhật, chó ta đóng 'cậu Vàng': Chó nào đóng phim tốt hơn?

Hoài Nhân
Hoài Nhân
27/08/2019 12:31 GMT+7

Việc một chú chó Shiba Inu gốc Nhật Bản vào vai 'cậu Vàng' trong phim phóng tác từ truyện ngắn Việt Nam nổi tiếng 'Lão Hạc', tiếp tục dấy lên luồng ý kiến phản đối về việc 'phân biệt đối xử' chó Tây - chó ta.

Tranh cãi chuyện "lão Hạc" nuôi chó ngoại

Bộ phim "Cậu Vàng" chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận dù chưa bấm máy. Mới đây, nhà sản xuất thông báo đã tìm được diễn viên chính là một chú chó cũng tên Vàng, thuộc giống Shiba Inu vì đáp ứng được các tiêu chí làm phim hơn chó cỏ. Lập tức, điều này gây nên làn sóng ý kiến trái chiều từ phía khán giả cũng như trên mạng xã hội.
Đây không phải lần đầu tiên những chú chó xuất hiện trong phim ảnh Việt Nam. Những bộ phim như “Cánh đồng hoang”, “Chờ em đến ngày mai”, “Kẻ trộm chó”… là minh chứng. Nhưng để chó trở thành nhân vật trung tâm thì “Cậu Vàng” là phim điện ảnh đầu tiên. Rất nhiều người cho rằng, “Lão Hạc” thuộc dòng văn học hiện thực, phản ánh hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, thì “cậu Vàng” trong phim không thể là chó ngoại!
Theo đó, nhiều người đã phân tích về những điểm bất hợp lý. Trong suy nghĩ của những ai đã đọc tác phẩm này, “cậu Vàng” phải là chó ta. Với bối cảnh khó khăn bấy giờ, lão Hạc đói khổ không thể nào nuôi một chú chó Shiba Inu đắt tiền được. Giống chó này cũng chỉ mới du nhập và phổ biến ở Việt Nam sau này, xét về khía cạnh lịch sử cũng không phù hợp.

Mình không tin trong hàng triệu con chó Phú Quốc, chó Lài… thuần chủng, không tìm được một con đủ đẹp và thông minh vào vai “cậu Vàng”. Trong khi đó, đoàn phim cũng cho biết đã tìm được 2 con chó cỏ phù hợp, nhưng chỉ để hỗ trợ “diễn viên” Shiba. Mình cảm thấy từ lâu luôn có sự phân biệt chó ta, chó Tây, ngay cả trong bộ phim thuần Việt này.

Tài khoản Tấn Nguyễn

Câu chuyện về sự bất công giữa chó ta - chó ngoại cũng tiếp tục được khơi lên. Nhiều người bức xúc trước tình trạng chó cỏ đang bị đối xử thiếu công bằng ở nhiều nơi: cấm mang chó cỏ vào lễ hội chó, quán cà phê cho chó cảnh vào trừ chó cỏ… Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có 4 loại chó cỏ thuần chủng đẹp và thông minh, nên nhân cơ hội này để giới thiệu rộng rãi, truyền thông điệp ý thức về vấn nạn trộm chó ăn thịt.
Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác cũng cho rằng, đây là phim phóng tác nên sẽ có các yếu tố sáng tạo so với tác phẩm gốc, miễn là giữ được tinh thần muốn truyền tải. Bên cạnh đó, tìm một chú chó có thể đóng phim không dễ, bởi phải hội tụ nhiều yếu tố như kĩ năng, biểu cảm, dáng vóc. Và tại buổi casting, chú chó Shiba tên Vàng đã đáp ứng tất cả những tiêu chí đó.

Phía đoàn phim cho biết đã thử gửi 2 chú chó thuần Việt vào trung tâm huyấn luyện trong 2 năm, nhưng đều không có kết quả tốt để vào vai "cậu Vàng". Vì vậy, buổi casting được mở và chú chó giống Shiba Inu của Nhật đã đáp ứng các tiêu chí cần thiết

ĐPCC

Chó là đối tượng quay khó nhất khi làm phim

Theo huấn luyện viên Khắc Tiệp (Trường huấn luyện chó 125, TP.HCM), trong huấn luyện chó có các kĩ năng cơ bản như đi vệ sinh đúng chỗ, bảo vệ chủ, làm các trò nằm, ngồi, lăn, đứng, giả chết,… Tùy vào đặc tính riêng biệt của mỗi loài mà sẽ có phương pháp và thời gian huấn luyện khác nhau.
“Thường khi huấn luyện, mình nhận thấy rằng các giống chó nhập đạt kết quả cao hơn. Lý do là chó nhập có tính xã hội hóa cao hơn, dễ hòa đồng. Còn chó ta có đặc tính rất “tôn thờ” chủ và gia đình chủ, tức nó chỉ nghe lời duy nhất người chủ nuôi nó từ nhỏ. Vì vậy, muốn huấn luyện một chú chó ta, tốt nhất phải huấn luyện từ nhỏ, nếu để nó lớn, nó rất khó nghe lời huấn luyện viên”, anh Tiệp cho biết.
Còn việc huấn luyện chó để đóng phim lại là một câu chuyện khác. Theo đánh giá của những người huấn luyện chuyên nghiệp, trong lĩnh vực phim ảnh có 3 đối tượng quay “khó chiều” nhất. Xếp thứ 3 là thuyền, thứ 2 là trẻ em, và đứng đầu là động vật. Việc dạy một chú chó có thể đóng phim khó gấp nhiều lần so với huấn luyện thông thường!

Theo những người huấn luyện chó chuyên nghiệp, việc dạy một chú chó với các kĩ năng cơ bản khá đơn giản...

HOÀI NHÂN

... nhưng việc dạy một chú chó có thể đóng phim thì không phải chuyện dễ dàng

HOÀI NHÂN

Theo huấn luyện viên Trương Luật, một “bậc thầy” với hơn 30 năm huấn luyện chó ở TP.HCM, điều tiên quyết để dạy chó có thể diễn xuất là người huấn luyện phải nắm bắt tâm lý chú chó đó.
“Tôi từng nhận dạy rất nhiều chó đi đóng quảng cáo, đóng phim. Tùy vào yêu cầu của phía làm phim mà người huấn luyện sẽ chọn ra trọng tâm huấn luyện. Các hành động dễ nhất là ngồi, nằm cùng chủ, sủa hoặc gầm gừ, chạy nhảy, hầu như chú chó nào cũng làm được. Khó hơn cả là biểu cảm có "hồn" như người, ví dụ cụp tai, mắt nhìn xa xăm khi buồn, thở mạnh, nheo mắt khi vui… đòi hỏi kinh nghiệm của người huấn luyện, có đủ hiểu và đủ mẹo để nắm bắt tâm lý chú chó hay không. Tuyệt đối không được ép buộc, chú chó sẽ không diễn xuất được khi không thoải mái”, ông Luật chia sẻ.
Ông cũng phân tích về các điều điện bối cảnh khi quay phim. Không giống như huấn luyện thông thường, chú chó đóng phim phải hoạt động trong bất kỳ khung hình nào đạo diễn yêu cầu. Người huấn luyện buộc phải đứng từ xa ra lệnh, không thể ở sát cạnh như khi tập, đó cũng là một khó khăn.

Chú chó Becgie của huấn luyện viên Trương Luật răm rắp nghe lời

HOÀI NHÂN

Những người huấn luyện cho biết,  dòng chó làm việc có chỉ số thông minh cao hơn chó trình diễn

HOÀI NHÂN

“Còn vấn đề chó Tây hay chó ta đóng phim tốt hơn thì không nói chính xác được, vì cũng như chúng ta thôi, loại chó nào cũng có con thông minh, con không. Nhưng nếu tạm chia thành 2 dòng chó “làm việc” và “trình diễn”, thì chó làm việc như Becgie, Border Collie, Rottweiler… có chỉ số thông minh cao hơn là chó trình diễn Corgi, Shiba… Chó cỏ cũng tạm xếp vào giống chó làm việc vì có thể giữ nhà, theo chủ săn chuột đồng. Nhưng nhìn chung, cả 2 “ứng cử viên” chó cỏ và Shiba đều không phải lựa chọn tốt nhất để huấn luyện đóng phim”, ông Luật nhận định.
Ông cũng cho biết, đã từng huấn luyện khá nhiều chú chó cỏ đóng phim. “Đơn cử là phim cổ tích "Bính và Đinh", tôi cũng dạy một chú chó cỏ tên Vàng, mất khoảng 6 tháng. Đó là khoảng thời gian ít nhất để huấn luyện một chú chó có thể đóng phim. Thậm chí nếu phim đầu tư, người huấn luyện phải mua một chú chó con về nuôi dạy từ đầu để có kết quả tốt nhất. Chứ casting và quay ngay tôi nghĩ không ổn. Riêng giống Shiba tôi cũng từng dạy rất nhiều, nhưng chưa có phim nào tuyển giống chó này đóng”, ông cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.