Tránh 'bẫy nghèo' do chi phí y tế: Đừng 'mất bò mới lo làm chuồng'

06/11/2016 18:02 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Tránh “bẫy nghèo” do chi phí y tế trên Thanh Niên số phát hành ngày 5.11.

Vận động hỗ trợ lẫn nhau
Theo tôi biết, có một số tổ chức, doanh nghiệp đã từng tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tặng bà con nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai hạn hán. Đây là một cách làm hay, mà chi phí cũng không nhiều quá. Có thể bằng nhiều hình thức, vừa tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, vừa tặng thẻ BHYT cho bà con. Thực ra, nhiều người nghèo giờ cũng đã biết tầm quan trọng của chiếc thẻ này, nhưng do họ quá khó khăn. Vì vậy, nên chăng các doanh nghiệp, tổ chức xã hội vận động quyên góp để tặng thẻ BHYT cho họ, thành một phong trào rộng khắp.
Nguyễn Văn Bình (TX.Long Khánh, Đồng Nai)

tin liên quan

Tránh 'bẫy nghèo' cho dân do chi phí y tế
Khoảng 20% dân số hiện chưa tham gia bảo hiểm y tế, trong đó nhiều trường hợp có nguy cơ “nghèo hóa” vì phải tự chi trả chi phí lớn khi không may mắc bệnh nặng.
Dành tiền mua bảo hiểm
Gia đình tôi quan niệm, phải nhịn mặc, nhịn chơi để có tiền mua BHYT cho mỗi người. Không ai biết trước được mai này mình có ngã bệnh hay không. Đau đầu, sổ mũi thì còn dễ, chi phí chẳng là bao, nhưng lỡ bệnh tim mạch, tai biến, phẫu thuật… thì BHYT giúp mình tiết kiệm nhiều lắm. Khi nhà có người bệnh mà không có BHYT thì càng nghèo thêm.
Nhiều người quan niệm khi lớn tuổi, già cả mới mua BHYT tự nguyện vì lúc đó mới bệnh, mới cần đến BHYT. Bệnh thì không phân biệt tuổi tác. Hơn thế, nếu mua mà chưa sử dụng thì nhà nước cũng có kinh phí để lo cho những người bệnh nặng. Ý nghĩa của tham gia BHYT còn ở chỗ đó nữa.
Trần Bích Lam (Q.9, TP.HCM)
Ý thức là chính
Những ai đã từng nằm viện điều trị những căn bệnh hiểm nghèo, chi phí cao mới thấy được cái lợi của thẻ BHYT. Nó sẽ giúp người bệnh, gia đình tiết kiệm được rất nhiều chi phí điều trị, bớt được gánh nặng tài chính, gánh nặng tinh thần đè lên vai người bệnh và gia đình. Còn những ai cứ tự tin vào sức khỏe, không chịu mua BHYT thì đến khi ngã bệnh rồi mới biết rằng, chiếc thẻ này có lợi ra sao. Mong rằng mọi người cần nâng cao ý thức về bảo vệ sức khỏe bằng việc tham gia BHYT.
Nguyễn Thúy Hồng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Đối xử đàng hoàng
Mua thẻ BHYT cũng là một cách tiết kiệm, để dành cho lúc ốm đau. Vì vậy, để có một nguồn quỹ cho bảo hiểm dồi dào, cần phải xác định và nâng tầm BHYT thành một chương trình quốc gia. Nhưng theo tôi, nhà nước cũng cần phải quyết liệt với tình trạng có rất nhiều bệnh viện đối xử với người bệnh có thẻ BHYT quá kém. Nhiều người không mua BHYT vì rất “ghét” bệnh viện phân biệt đối xử, dù rằng họ vẫn biết tầm quan trọng của việc BHYT. Trong khi hô hào, vận động mọi người dân mua BHYT, mà đến bệnh viện thì bị thờ ơ lạnh nhạt, thì dù có bỏ tiền ra mua BHYT, họ cũng không thấy hài lòng.
Ngọc Huy (H.Bình Chánh, TP.HCM)
BHYT được ví như “tấm bùa hộ mệnh” trong lúc ốm đau đối với nhiều người. Tuy vậy, do quan niệm có bảo hiểm là bị phân biệt đối xử trong lúc khám chữa bệnh, nên nhiều người vẫn còn ngần ngại. Có bảo hiểm thì phải chờ đợi, bị xem thường, khám dịch vụ nhanh hơn, được tôn trọng hơn nên nhiều người chưa có BHYT còn chưa mặn mà mua BHYT. Mong rằng mọi người hãy thay đổi quan niệm này để có “tấm bùa hộ mệnh” những lúc lỡ bị bệnh nặng, phải điều trị lâu dài, tốn kém.
Trần Thị Thanh Thảo (Q.8, TP.HCM)
Nhiều người cho rằng hễ có BHYT là được thanh toán viện phí và các chi phí khác... Do đó khi thấy mệt trong người, cần thiết thì mua BHYT. Có lẽ cần phải tuyên truyền, phổ biến nhiều hơn để người tham gia BHYT hiểu mà thực hiện. Bên cạnh đó, BHYT ở các địa phương cần vận động người dân mua BHYT cho mình, đồng thời vận động những hộ khá giả về kinh tế hỗ trợ các hộ khó khăn được mua BHYT. Đó là sự giúp đỡ thiết thực nhất.
Nguyễn Hoàng Minh (H.Bến Lức, Long An)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.