Trăm nỗi lo Tết: Mang tiếng làm ăn xa ở thành phố chẳng lẽ về Tết tay không?

21/01/2020 13:06 GMT+7

Vợ chồng bà Trần Thị Diễm My (47 tuổi) ly hương từ Ninh Bình vào Khánh Hòa để làm ăn đã 20 năm, nhưng số lần về quê ăn Tết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì mỗi lần về Tết đều tốn rất, rất nhiều tiền…

Về quê ăn Tết là điều ai cũng mong muốn, nhưng có lẽ với những người đưa cả gia đình ly hương lập nghiệp ở nơi khác thì việc về quê ăn Tết là điều xa xỉ vì về Tết tốn rất nhiều tiền và luôn trong tình trạng “lúc đi hết mình, lúc về hết tiền”.

Dốc cạn túi để chuyến về hoành tráng

Không chỉ ở Ninh Bình, mà nhiều tỉnh ở miền Bắc, các đôi vợ chồng trẻ chọn con đường Nam tiến để thoát khỏi cảnh quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với mấy sào ruộng.
Đã ly hương, thì nhất định khi về quê phải có chút của gọi là khá giả hơn trước kia để họ hàng, làng xóm nhìn vào. Cũng từ suy nghĩ đó, ai đã mang tiếng đi làm ăn xa, thì khi về quê nhất định phải đùm đuề quà cáp.
Bà Trần Thị Diễm My (47 tuổi) cho biết ngay sau đám cưới, vợ chồng bà đã cùng nhau vào Khánh Hòa để lập nghiệp. Gọi là lập nghiệp, nhưng trong tay không có đồng vốn nào, bà bắt đầu với nghề trồng rau muống, còn chồng làm tài xế.

Người làm ăn xa về quê ăn Tết luôn mang theo đủ nỗi lo toan

Ảnh minh họa: An Huy

Cuộc sống không khá giả, vừa đủ trả tiền thuê nhà và bữa cơm có cá, có thịt. Sau thời gian dài ở Khánh Hòa với đủ thứ nghề, cuối cùng, bà My chọn gắn bó với nghề may gia công. Công việc có thể làm tại nhà thuận tiện để chăm sóc con cái, lại lo được chuyện nhà cửa.
Bà My kể, 20 năm trời xa quê nhưng số lần về quê ăn Tết chỉ đếm trên đầu ngón tay vì 4-5 năm mới đưa cả nhà về được một lần và lần nào về cũng đều phải dốc sạch tiền trong nhà để lo quà cáp, thăm hỏi.
Đã là quà thì phải là quà xách từ miền Nam về mới… quý nên dù có vướng bận con nhỏ, cứ về quê là vợ chồng bà My lại tay xách nách mang nào nước mắm, nào mực khô, kẹo dừa hoặc thùng xoài mà không dám về... tay không.
“Mỗi lần về là phải thăm hết họ hàng nội, ngoại hai bên. Nhà tôi và chồng đều anh em đông nên tính ra quà cho mỗi gia đình cũng hết một khoản kha khá. Thêm quà bánh cho các cháu nhỏ, mà về rồi chẳng lẽ không mời anh em họ hàng được bữa cơm, chén rượu. Đặc biệt về Tết còn thêm khoản lì xì. Bao lì xì ít thì tụi nhỏ cũng xầm xì mang tiếng cô, chú ở miền Nam về,… Tổng cộng chi linh tinh cũng ngót 20 triệu là ít. Nghĩ tới đó là lại ngán về Tết”, bà My thở dài.

Đủ khoản không tên

Chị Nguyễn Thị Kiều Trinh (28 tuổi, hiện là giáo viên mầm non tại Bình Thuận) cho biết, dù vợ chồng đều có công ăn việc làm ổn định nhưng trong 4 năm ở đây, anh chị chỉ dám về quê Thanh Hóa ăn Tết đúng một lần vì tốn quá nhiều tiền.

Dù về quê ăn Tết tốn rất nhiều tiền nhưng ai cũng mong được về quê dịp này

Ảnh minh họa: An Huy

Chồng chị Trinh là công an, hưởng lương chưa tới 10 triệu đồng/tháng, cộng với thu nhập giáo viên mầm non 5 triệu đồng của chị Trinh, trừ tiền nhà trọ và nuôi 2 con nhỏ học mẫu giáo, mỗi tháng vợ chồng chị Trinh dư khoảng 2 triệu đồng, phòng khi có việc đột xuất.
“Năm ngoái vợ chồng tôi tính cho các cháu đi máy bay về quê ăn Tết cho nhanh nhưng vé quá cao, số tiền vợ chồng dành dụm được mà mua vé là về khỏi tiêu Tết luôn nên đành mua vé xe ô tô. Đi từ đây thì xe còn trống, càng ra một vài tỉnh xe lại càng nhồi nhét, hai đứa nhỏ khóc thét vì sợ, người khác trên xe cũng bực bội. Rồi về tới nhà quà cáp, mừng tuổi, biếu ông bà. Ngày trở lại Bình Thuận là vợ chồng tôi lại bắt đầu từ con số 0. Đúng nghĩa lúc đi hết mình, lúc về hết tiền”, chị Trinh tâm sự.
Dù biết là vậy, nhưng năm nay, chị Trinh vẫn mong cả gia đình có thể cùng về quê ăn Tết để những đứa trẻ biết được tết truyền thống của quê hương là như thế nào…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.