Trạm biến áp Ninh Phước vượt tiến độ 6 tháng, 300 MW điện sạch được ‘giải cứu’

02/07/2020 17:58 GMT+7

Với việc hàng loạt trạm biến áp hoàn thành, như 500 kV Vĩnh Tân, 220 kV Phan Rí, Tháp Chàm và 220 kV Ninh Phước, EVN cho hay đã giải tỏa cơ bản công suất các dự năng lượng tái tạo, đưa lên lưới điện quốc gia.

Tiến độ kỷ lục

Sáng 2.7 tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tổ chức lễ gắn biển Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước và đấu nối - Công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ EVN lần thứ III, dự án vừa được đóng điện thành công 3 ngày trước.
Dự án có tổng mức đầu tư 360,38 tỉ đồng, để xây mới trạm biến áp (TBA) 220kV với việc lắp đặt 2 máy biến áp (MBA) 220kV - 250MVA; xây dựng mới đường dây (ĐZ) 220kV đấu nối 4 mạch của TBA 220kV Ninh Phước đến ĐZ 220kV Nhà máy điện Vĩnh Tân - Tháp Chàm với chiều dài tuyến 4,6km.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN nhấn mạnh đây là công trình quan trọng, cấp bách để tăng cường giải phóng công suất nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để đưa lên lưới điện quốc gia. Việc đưa trạm 220 kV Ninh Phước vào vận hành còn nâng cao, cải thiện điện áp lưới 110 kV khu vực, đồng thời giảm tổn thất điện năng. “Với những ý nghĩa đó, công trình đã được Tập đoàn lựa chọn để tổ chức lễ gắn biển công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ EVN lần thứ III”, ông Thành nói.
Dự án được EVNNPT giao cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) thực hiện, được khởi công vào 22.1.2020. Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết, sau 5 tháng khẩn trương thi công, dự án đã được đóng điện xung kích thành công rạng sáng 29.6. Như vậy, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch ban đầu. Sau khi đóng điện đưa vào vận hành TBA 220kV Ninh Phước có thể giải tỏa thêm khoảng 306 MW công suất của các nguồn NLTT đấu nối vào lưới 110kV để truyền tải lên lưới điện 220kV.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã biểu dương việc chủ đầu tư, các nhà thầu đã đạt tiến độ kỷ lục và nhấn mạnh công trình cũng rất có ý nghĩa để chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh.

Cơ bản giải toả cho điện mặt trời

Theo ông Vĩnh, tỉnh Ninh Thuận đã được T.Ư đồng ý xây dựng trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và đến hết tháng 6.2020 đã có trên 1.500 MW điện mặt trời vào hoạt động nên tỉnh coi xây dựng mạng lưới truyền tải điện là “đột phá của đột phá”. “Công trình này là mong mỏi của lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp tham gia các dự án điện tái tạo trên địa bàn. Hiện EVN cũng đã và đang thi công tới 11 dự án truyền tải từ 110kV - 500kV trên địa bàn tỉnh”, ông Vĩnh bày tỏ.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra, CPMB đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án với hạng mục lắp 2 ngăn lộ đường dây 220 kV và hoàn thiện sơ đồ thanh cái đường vòng phía 220 kV, dự kiến hoàn thành trong quý 4.2020.
Ông Thành cũng cho hay, trong thời gian qua, EVN đã tích cực tạo mọi điều kiện để đưa các dự án NLTT vào vận hành, đặc biệt là gần 100 dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 5.000 MWp, đã góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, nhất là tại khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận - nơi tập trung rất lớn các dự án điện mặt trời với tốc độ phát triển rất nhanh. “Trong gần 2 năm qua, bằng sự nỗ lực rất lớn với nhiều công trình truyền tải điện quan trọng đã được EVNNPT tập trung triển khai như trạm 500 kV Vĩnh Tân, các trạm 220 kV Phan Rí, Tháp Chàm và giờ là trạm 220 kV Ninh Phước sẽ giúp giải quyết cơ bản việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, đưa lên lưới điện quốc gia”, ông Thành nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.