Trái tim nhân tạo

14/02/2016 10:46 GMT+7

'Tim nhân tạo là một sự thất bại'. Câu mở đầu của Giáo sư Carpentier trong phần giới thiệu về tim Carmat tại Viện Tim TP.HCM làm mọi người... chưng hửng.

'Tim nhân tạo là một sự thất bại'. Câu mở đầu của Giáo sư Carpentier trong phần giới thiệu về tim Carmat tại Viện Tim TP.HCM làm mọi người... chưng hửng.

Giáo sư Carpentier và công trình nghiên cứu 25 năm: tim nhân tạo toàn diện Carmat - Ảnh: ReutersGiáo sư Carpentier và công trình nghiên cứu 25 năm: tim nhân tạo toàn diện Carmat - Ảnh: Reuters
Không chưng hửng sao được khi đây là thành quả nghiên cứu trong gần 3 thập niên của ông - chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tim mạch. Tim nhân tạo toàn diện Carmat có thể xem là một “tuyệt phẩm” của y khoa, với sự kết hợp về kinh nghiệm chuyên môn của Giáo sư Carpentier và công nghệ cao cấp của Tập đoàn hàng không và quốc phòng EADS (Pháp). Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thể được cứu sống nhờ được ghép trọn vẹn một quả tim máy vào lồng ngực - điều tưởng chừng chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng nay đã thành hiện thực. Vậy mà công trình này lại bị chính cha đẻ xem là... thất bại, dù các kết quả thử nghiệm lâm sàng ngày càng khả quan hơn.
Ưu tiên chữa trị hết mức cho tim
Ca ghép tim Carmat đầu tiên - cũng là lần đầu tiên trên thế giới một bệnh nhân được ghép tim nhân tạo toàn diện - thực hiện vào tháng 12.2013 tại Bệnh viện Georges - Pompidou (Paris, Pháp). Nam bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối; một thời gian sau khi thay tim nhân tạo đã có thể tập luyện với dụng cụ đạp xe tại chỗ.
Vị giáo sư người Pháp thong thả nói tiếp với các thầy thuốc của Viện Tim TP.HCM: “Khi phải thay tim máy nghĩa là các bác sĩ không còn khả năng sửa chữa quả tim thật. Đó là thất bại. Vậy nên các bạn hãy nhớ, trong tương lai, ngay cả khi tim nhân tạo toàn diện đã trở nên phổ biến thì vẫn phải ưu tiên chữa trị hết mức cho tim thật”. Giáo sư Carpentier là vậy, lợi ích của bệnh nhân phải luôn được đặt trên hết. Trong suốt buổi hội thảo vào tháng 9.2015 và ở phần họp báo sau đó, ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần cụm từ “chất lượng cuộc sống của bệnh nhân”. Với ông, những “màn trình diễn kỹ thuật y khoa hoành tráng” sẽ vô nghĩa nếu không giúp bệnh nhân “có một cuộc sống đáng để sống”.
Là chuyên gia đã nổi tiếng trên thế giới từ cuối thập niên 1960 khi chế tạo thành công van tim nhân tạo có nguồn gốc sinh học (sau đó được hoàn thiện và lưu hành với tên gọi van tim Carpentier - Edwards), có thể nhận thấy mục tiêu chính trong mọi công trình nghiên cứu của Giáo sư Carpentier luôn nhằm giúp bệnh nhân tìm lại cuộc sống bình thường sau khi được điều trị. Van tim Carpentier - Edwards đã tạo nên bước đột phá của y học vì bệnh nhân sau khi ghép không cần phải “gắn bó” suốt đời với thuốc kháng đông.
Trái tim nhân tạoGiáo sư Carpentier giới thiệu về tim Carmat tại hội thảo ở Viện Tim TP.HCM cuối năm 2015 - Ảnh: Lan Chi
Trách nhiệm và tình thương
Nghề y với nhiệm vụ cứu người nên luôn được xem là nghề cao quý, nhưng thế nào là một thầy thuốc tốt? Trong một lần trò chuyện riêng, Giáo sư Carpentier đã chia sẻ với PV Thanh Niên: “Bác sĩ phải điều trị cho bệnh nhân như những gì bác sĩ muốn người khác làm cho mình nếu lỡ lâm bệnh. Đó là về nguyên tắc, nhưng cần thêm vào nguyên tắc đó tình yêu thương tha nhân”. Với Giáo sư Carpentier, trong hành trang của thầy thuốc, tinh thần trách nhiệm vẫn chưa đủ mà còn cần phải có tấm lòng.
Giáo sư Alain Carpentier 83 tuổi, sinh ra tại thành phố Toulouse, miền nam Pháp. Ông là giáo sư tại nhiều trường danh tiếng như các đại học Pierre et Marie Curie và Paris Descartes của Pháp, Trường y khoa Mount Sinai của Mỹ, đồng thời là Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch của Bệnh viện Broussais tại Paris từ năm 1982 - 2000. Giáo sư Carpentier trở thành Viện sĩ hàn lâm Viện Khoa học Pháp vào năm 2000 và được bầu làm Chủ tịch viện này trong nhiệm kỳ 2011 - 2012. Ông được cộng đồng y khoa xem là cha đẻ của ngành phẫu thuật van tim hiện đại. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 250.000 bệnh nhân bị các bệnh lý về van tim được chữa trị bằng những phương pháp hoặc kỹ thuật xuất phát từ nhiều nghiên cứu của Giáo sư Carpentier.
Tấm lòng với người bệnh cũng chính là nền tảng để ông và người bạn là Viện sĩ Dương Quang Trung đồng sáng lập Viện Tim TP.HCM vào năm 1992. Vốn rất thích nghiên cứu lịch sử, ông đã đọc nhiều tư liệu về các bác sĩ danh tiếng của Pháp từng hỗ trợ ngành y của Việt Nam phát triển. Tiêu biểu là chuyên gia về vi khuẩn học Albert Calmette, người được nhà khoa học Louis Pasteur gửi sang nước ta vào năm 1891 để thành lập Viện Pasteur Sài Gòn. Khi sang Việt Nam những lần đầu theo lời mời của Viện sĩ Dương Quang Trung, Giáo sư Carpentier nhận ra người dân vẫn nhớ đến các “nhà tiên phong y khoa người Pháp”. Ông quyết định tiếp nối lịch sử và trở thành một trong những cầu nối quan trọng cho tình bạn Việt - Pháp.
Cơ hội ghép tim miễn phí
Với tấm lòng của Giáo sư Carpentier, “sự nghèo khó của bệnh nhân chưa bao giờ là hạn chế trong việc tiến hành các thủ thuật can thiệp tim mạch, nếu các thủ thuật này thật sự hiệu quả”. Viện Tim TP.HCM hình thành và hoạt động theo đúng tôn chỉ trên. Sau hơn 2 thập niên, Quỹ Alain Carpentier đã giúp hơn 4.200 bệnh nhi nghèo được mổ tim miễn phí hoặc được hỗ trợ phần lớn chi phí tại viện này với tổng kinh phí gần 4,8 triệu USD. Ban đầu, quỹ hoạt động nhờ nguồn vốn do Giáo sư Carpentier tài trợ. Sau đó, ông đã thành lập Phòng khám y khoa quốc tế (CMI) và dành toàn bộ lợi nhuận để cùng Viện Tim TP.HCM trang trải chi phí điều trị cho các trường hợp khó khăn. Ngoài ra, hằng năm CMI còn tổ chức các chương trình từ thiện để quyên góp thêm.
Giáo sư Carpentier cho biết bệnh nhân nghèo Việt Nam có thể được ghép tim nhân tạo Carmat miễn phí trong thời gian thử nghiệm và cả khi “tuyệt phẩm y khoa” này chính thức được lưu hành nhờ vào các chương trình xã hội nói trên. Nhờ “người bạn lớn” Alain Carpentier, rất nhiều bệnh nhân Việt Nam, dù điều kiện kinh tế không cho phép, vẫn được tiếp cận những thành tựu khoa học tiên tiến nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.